Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15-3:

Mỗi chúng ta hãy là một người tiêu dùng thông thái!

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/3/2011 | 9:22:05 AM

YBĐT - Trong thời buổi kinh tế thị trường hàng hoá được bày bán khá phong phú và khách hàng là “Thượng đế”. Thế nhưng, “Thượng đế” lại không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng, đâu là thực phẩm an toàn.

Mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái!
Mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái!

Trong nhiều năm trở lại đây, đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt, kinh tế khá giả cũng đồng nghĩa với việc mua sắm tăng lên.

Tuy nhiên đi mua sắm trong thời mở cửa như hiện nay người tiêu dùng rất dễ bị lừa,  bị “móc túi” từ người bán hàng và nhà sản xuất. Mặc dù người tiêu dùng có được 8 quyền, thế nhưng, những quyền đó chỉ có giá trị trên giấy mà thôi, bởi khi ra chợ mua thịt, cá rất dễ bị cân thiếu, đi sắm bộ quần áo mua vớ phải hàng nhái nhãn mác, mua đồ điện mua phải hàng vi phạm sở hữu công nghiệp… và không phải người tiêu dùng nào cũng ý thức được quyền lợi của mình. Hoặc có ý thức được thì cũng không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng đó.

Chị Mai - phường Minh Tân, thành phố Yên Bái vào một cửa hàng quần áo, giầy dép trên đường Đinh Tiên Hoàng mua đôi giày tặng chồng nhân ngày sinh nhật, lựa chọn một hồi cuối cùng quyết định mua đôi giày thể thao mác Adidas với giá 800 ngàn đồng.

Mang giày về nhà hồ hởi tặng chồng, khi đeo giày vào chân mới nhìn rõ mác dán ghi “Made in Chaines”. Biết vợ mua phải hàng nhái hiệu Adidas nhưng anh vẫn vui vẻ cảm ơn vợ. Hôm sau anh mới đem đôi giày ra cửa hàng và nói rằng vợ anh đã mua phải đôi giày nhái nhãn mác “Adidas” xin đổi lại thì nhận được câu trả lời của chủ cửa hàng: “Người ta ghi vậy thì cửa hàng bán vậy, chứ cửa hàng có sản xuất ra đâu. Với lại, thuận mua vừa bán cửa hàng có lừa đâu!”.

Thế là hết cách! Chồng chị Mai phải ngậm ngùi cầm đôi giày rởm về nhà trong tâm trạng đầy ấm ức. Chuyện hàng nhái nhãn mác các nhãn hiệu nổi tiếng tràn lan trên thị trường nhưng lạ thay vẫn ngang nhiên bày bán mà không thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc. Đấy là một trong hàng ngàn người mua phải đồ nhái mỗi ngày mà không biết kêu ai, còn các bà nội trợ thì thường là nạn nhân bị “móc túi”.

Nhân dịp cuối tuần, chị Lan phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đi chợ mua cân thịt bò về cải thiện bữa ăn. Dù đã rất cẩn thận mang thịt bò đi cân lại ở vài hàng quanh chợ, nhưng khi về nhà cân lại, chị mới phát hiện thịt bò đã “hao” mất 2 lạng chỉ còn 8 lạng.

“Thế là con bé bán hàng ăn không của mình 3 chục ngàn đồng! Mấy bà bán hàng ở chợ cùng một giuộc cân điêu cả”- chị Lan bực tức. Tất tả, chị Lan mang thịt bò ra chợ quyết đòi lại “công bằng”.

Cô gái bán thịt bò lập tức phản đòn: “Tôi bán hàng ở đây cả chục năm, làm ăn tử tế, chị đừng có vu cáo. Trước khi về, chị đã đi cân lại của người ta, chả nhẽ tất cả là cân điêu hết đấy, cân nhà chị đúng à?”.

Chưa nói hết câu chị Lan đã bị mắng té tát, mọi ánh mắt của người đi chợ đổ dồn vào, chị Lan đâm ngại và tự nhủ mình là cán bộ công chức nhà nước ai lại ra to tiếng ngoài chợ, thế là đành lủi thủi xách thịt bò ra về mà không biết chia sẻ với ai.

8 quyền của người tiêu dùng:

+ Quyền thoả mãn những nhu cầu cơ bản
+ Quyền được an toàn
+ Quyền được cung cấp thông tin
+ Quyền được lựa chọn
+ Quyền được lắng nghe hay được đại diện
+ Quyền được bồi thường
+ Quyền được giáo dục về tiêu dùng
+ Quyền được sống trong một môi trường trong sạch và bền vững
 

Câu chuyện như chị Mai, chị Lan chỉ là một trong trăm ngàn ví dụ. Thực tế, hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng đang diễn ra hàng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi từ anh tài xế chịu thiệt thòi khi mua xăng thiếu, đến bà mẹ mua phải sữa nghèo đạm, bà nội trợ mua phải bó rau trồng ở nơi mất vệ sinh, bác nông dân mua phải phân bón rởm, giống lúa, ngô kém chất lượng…là thường ngày.

Thiệt thòi, nhưng có lẽ không phải người tiêu dùng nào cũng biết quyền lợi của mình và không phải người tiêu dùng nào cũng được bảo vệ quyền lợi. Phần lớn người tiêu dùng không biết mình có quyền lợi, nghĩa vụ gì, ai có thể giúp đỡ, bênh vực họ và họ phải làm gì, gặp ai khi muốn khiếu nại do mua phải hàng hoá không đảm bảo định lượng, số lượng, chất lượng kém hoặc thuê phải dịch vụ kém.

Nói cách khác là chúng ta chưa thực sự hình thành được văn hoá tiêu dùng. Biết mình bị xâm hại quyền lợi nhưng lại không biết hoặc ngại bảo vệ quyền lợi của mình. Lẽ ra phải khiếu kiện người bán hàng, nhà sản xuất nhưng lại nghĩ rằng giá trị hàng hoá không đáng là bao, hoặc nghĩ thủ tục khiếu kiện rườm rà, hay tâm lý “con kiến mà kiện củ khoai” thế là “một điều nhịn, chín điều lành”. Bởi thế, trong 5 năm qua, Hội Người tiêu dùng Yên Bái chỉ nhận được có 3 đơn khiếu nại của người tiêu dùng.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước tiên mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái và hãy tự bảo vệ mình!

Khi mua hàng hoá cần xem hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá (nhà sản xuất, nhà phân phối), đặc biệt phải tạo cho mình thói quen xem các mã số mã vạch chỉ tiêu chất lượng ghi trêm bao bì…

Khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…, người tiêu dùng có thể làm đơn khiếu kiện lên Hội Người tiêu dùng và các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra làm lành mạnh hoá thị trường. Hiệp hội người tiêu dùng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức tiêu dùng đối với các mặt hàng hoá, dịch vụ liên quan mật thiết với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thanh Phúc

Các tin khác
Gần 3.000 học sinh tỉnh An Giang tham dự buổi tư vấn do Báo SGGP tổ chức tại Trường ĐH An Giang.

Cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2011” đã được Bộ GD-ĐT phát hành ngày 14-3. Ngày 14/3 cũng là ngày đầu tiên các sở GD-ĐT, trường THPT trên cả nước tiến hành thu hồ sơ và lệ phí tuyển sinh.

Nhiều khu vực ở Nhật Bản trở nên hoang tàn sau động đất.

Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam quyết định hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân bị thiên tai tại Nhật Bản 50.000 USD, đồng thời phối hợp với cơ quan nước bạn triển khai hệ thống tìm kiếm tin tức người Việt đang ở Nhật.

Các cá nhân được khen thưởng.

Dịp này, 2 tập thể và 23 cá nhân đã được Hội cựu TNXP tỉnh Yên Bái khen thưởng vì những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và tổ chức hội năm 2010.

Tận tình với người bệnh, cán bộ Trạm Y tế xã Nam Cường đã tạo được niềm tin cho nhân dân.

YBĐT - Là một trong những đơn vị phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tháng 11 năm 2005, Trạm Y tế xã Nam Cường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Đây là trạm y tế đầu tiên của thành phố đạt danh hiệu này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục