Văn hóa rượu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2011 | 10:16:17 AM

Dù vui bạn bè uống hơn bình thường một chút thì cũng chỉ uống đến khi ngà ngà chứ không bao giờ uống say để giọng méo mó, nói líu lô những điều vu vơ, ác khẩu.

Trong những đồ sắm tết, người ta thường mua một hai chai rượu. Chai rượu trên bàn thờ tổ tiên. Chai rượu biếu nhà thông gia. Chai rượu biếu bạn bè, đối tác kinh doanh. Chai rượu trên bàn ăn. Có người không quen uống rượu nhưng trong ngày tết cũng nhấp một chén cho bừng sắc xuân.

Không phải đến ngày tết, người ta mới uống rượu. Đã từ xưa, rượu như một phương tiện giao tiếp giữa bạn bè, đặc biệt là giữa những người tri kỷ, vì cổ nhân có câu "Rượu ngon phải có bạn hiền".

Khi vui là cái cớ rủ nhau uống rượu, lúc buồn cũng mượn rượu giải sầu. Ngày nay, mâm rượu trong bữa ăn ở nhà hàng còn là nơi bàn bạc kinh doanh.

Tôi không phải là người thích uống rượu, càng không phải là người nghiện rượu nhưng có lúc cũng phải nâng ly cạn một hai chén nhỏ không phải vì thích uống rượu mà là vì vui bạn bè trong không khí cộng đồng...

Nhưng tôi lại hiểu rằng, trong việc uống rượu có "văn hóa rượu".

Tôi là người thích ngồi nhâm nhi nâng lên đặt xuống, vừa uống vừa tâm sự đủ nghe chứ không thích cái kiểu "trăm phần trăm" rồi hò hét thô tục, vừa chóng say vừa mất tư cách.

Vui với bạn bè cũng có lúc quá chén say la đà nhưng rồi cũng hối hận, nói chung biết lượng sức mình cho nên uống có cữ, ít khi dám uống say vì tôi đã chứng kiến cảnh bệ rạc đến thảm thương của những người say rượu.

Gần đây, các tài liệu khoa học cũng nói tới mặt tốt cho sức khỏe nếu mỗi bữa cơm uống một chén hạt mít rượu, còn uống nhiều thì sẽ có hại, trước hết là với gan.

Cho nên, cả về văn hóa lẫn y học đều giúp tôi tự kiềm chế khi ngồi vào mâm rượu, ngay cả khi vui bạn bè trong ngày lễ, tết.

Nghiện rượu, say rượu thì cả xã hội đều cho là căn bệnh xấu, biểu hiện xấu. Còn các bà vợ, ông chồng và những đứa con đều rất lo lắng khi người cha, người mẹ là những đệ tử "Lưu linh", lo lắng cả về gia sản lẫn hạnh phúc gia đình.

Rồi đã từng chứng kiến cái cảnh, một số người "rượu vào, lời ra" nói năng lung tung. Lại còn cảnh, một số người cố tình "mượn rượu" để chửi bới, xỏ xiên người này, người khác, cơ quan này, cơ quan khác nhưng chỉ có anh ta giả vờ không biết, còn ai thì cũng thấy cái thói mượn rượu để che đậy sự hèn nhát của con người ấy.

Thật ra, ông cha ta cũng đã có câu "Nhất hay là rượu ngà ngà", nghĩa là khi ngà ngà thì dễ dốc bầu tâm sự, sẽ bộc bạch tâm tư mà khi tỉnh táo vì nghĩ đến nhiều sự ràng buộc cho nên ít khi nói nhưng lại vẫn hết sức tỉnh táo để nói chính xác những điều mình nghĩ.

Cho nên, dù vui bạn bè uống hơn bình thường một chút thì cũng chỉ uống đến khi ngà ngà chứ không bao giờ uống say để giọng méo mó, nói líu lô những điều vu vơ, ác khẩu.

Lạm bàn chuyện rượu để nghĩ về văn hóa uống rượu. Đã là văn hóa thì ngày tết hay ngày thường đều tự nhủ phải giữ gìn vì nó liên quan tới tư cách con người.

Theo SK&ĐS

Ông Địch Ngọc Thường - Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình: Sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa trong mọi lúc, mọi nơi!
Vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Cán bộ, đảng viên, công chức huyện Yên Bình đã nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc cuộc vận động. Tôi cho rằng, để thực hiện triệt để chủ trương này và để thực sự đạt hiệu quả, cần có văn bản quy định cụ thể cùng với hình thức xử lý những trường hợp vi phạm.

Không những vậy, cán bộ, đảng viên, công chức cũng cần sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa ngay cả khi đã hết giờ làm việc hoặc trong những ngày nghỉ.

Gia đình có khách, có công việc thì vẫn có rượu, bia nhưng nên uống chừng mực, tránh ép nhau quá mức... để mỗi người có thể kiểm soát được mọi hành vi, hành động của mình.

Ngọc Tú (ghi)

Các tin khác

YBĐT - Huyện Trấn Yên vừa tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm 2011. Tham gia hội thi có 275 giáo viên của 69 nhà trường ở 3 bậc học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

YBĐT - Hiện nay, huyện Văn Yên (Yên Bái) có trên 9.700 hội viên Hội Người cao tuổi (NCT). Trong đó: độ tuổi từ 70 - 84 tuổi có 3.455 hội viên, từ 85 tuổi trở lên 749 hội viên, tròn 90 tuổi 54 cụ, tròn 100 tuổi 2 cụ và trên 100 tuổi 8 cụ.

Tối 31-3, tại Nhà hát Quân đội, TƯ Đoàn phối hợp với Hội Dạy nghề Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương 80 thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ II năm 2011.

Vietnam Airlines (VNA) cho biết sẽ tăng thêm 48 chuyến bay nội địa trong thời gian từ 28.4 - 3.5 để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân dịp cao điểm nghỉ lễ 30.4 và 1.5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục