Ai giám sát người uống rượu?
- Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2011 | 2:55:57 PM
YBĐT - Làm thế nào để đạt được hiệu quả như mong muốn, làm sao để trở thành nếp sống thường ngày trong đời sống xã hội?
Nhiều cuộc vận động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của nhân dân đều đem lại những lợi ích thiết thực cũng như trở thành hành động tự giác của đông đảo mọi người.
Ví như các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xóa đói giảm nghèo, hiến máu nhân đạo…
Nhưng xem ra, không phải tất cả các cuộc vận động đều đem lại hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, có cả những qui định của Nhà nước, của Đảng đối với cán bộ, đảng viên song cũng có nơi, có lúc thực hiện chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao, lúc đầu thì rầm rộ và về sau thì xẹp dần. Mà qui định - tức là điều bắt buộc phải thực hiện còn cao hơn cả các cuộc vận động.
Bởi thế cho nên có ông hỏi:
- Qui định của Nhà nước về cán bộ, công chức không uống rượu, bia trong giờ làm việc và ngày làm việc, Tỉnh ủy Yên Bái lại vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu trong vấn đề này. Gương mẫu tức là phải làm tốt, làm nghiêm túc để người khác, để mọi người noi theo, làm theo.
Như thế là Tỉnh ủy yêu cầu cao đối với cán bộ, đảng viên. Chủ trương này được đông đảo cán bộ, đảng viên hoan nghênh và dư luận xã hội rất đồng tình. Thế là đã có được sự đồng thuận trong Đảng và ngoài Đảng. Nhưng làm thế nào để đạt được hiệu quả như mong muốn, làm sao để trở thành nếp sống thường ngày trong đời sống xã hội?
Có người tán thành ý kiến trên:
- Vấn đề là ở chỗ ấy. Cái lo là làm sao duy trì để trở thành nếp sống thường ngày hay không? Qui định không hút thuốc lá ở nơi công cộng, nhiều cơ quan, đơn vị cũng qui định riêng như thế nhưng không ít người vẫn vô tư hút thuốc ở công sở, nơi công cộng; nhiều đám cưới đám hỏi, tiệc liên hoan vẫn bày thuốc lá và mời thuốc thì như thế là hiệu quả không được như mong muốn. Vậy, vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc thì sao?
- Thế cho nên tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị phải bàn “chủ trương một, biện pháp mười”. Trước hết là phải làm cho mỗi người nhận thức sâu sắc tác hại của “tập tục” này để tự nguyện thực hiện.
Mặt khác, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đoàn thể, đồng chí bí thư chi bộ phải là người gương mẫu thực hiện và điều có tính quyết định là phải giám sát mọi người thực hiện, phải đưa vào qui trình quản lý cán bộ, đảng viên, không thể chỉ có hô hào chung chung.
Đến đây thì một đồng chí đảng viên lão thành, người đã từng trải tham gia ý kiến bằng một thực tế đầy thuyết phục:
- Các đồng chí nói phải. Cái gì tốt, có lợi cho uy tín của Đảng, của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị và cá nhân bắt buộc phải làm thì phải có cơ chế giám sát đi liền với ý thức tự giác của mỗi người. Mọi hành vi chỉ có thể trở thành tự giác khi nó được giám sát chặt chẽ.
Ngày tôi học ở Trường Đảng Cao cấp Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ), khi chúng tôi xuống ga tàu điện ngầm, anh bạn đứng trên băng truyền miệng vẫn ngậm điếu thuốc lá, hai phụ nữ người Nga đứng gần bảo anh không được hút thuốc. Bước ra khỏi băng truyền, đặt chân xuống sân ga, anh quen tay ném cái đầu mẩu xuống phía chân tường.
Bỗng có tiếng còi "toét, toét", một viên cảnh sát xuất hiện, tay cầm dùi cui chỉ vào mẩu thuốc. Biết sự việc “nghiêm trọng”, anh cúi xuống, nhặt cái đầu mẩu đến phía góc tường mới vứt xuống. Viên cảnh sát lại đi nhanh đến, chỉ cái dùi cui vào mẩu thuốc và ra hiệu cho anh nhặt mẩu thuốc lên và đến khi nào có thùng rác thì bỏ vào.
Tối hôm ấy cũng từ ga tàu điện ngầm đi lên, đêm đã khuya, chúng tôi thấy một anh chàng chuếnh choáng rượu vào cabin điện thoại công cộng vừa nói lung tung vừa đập "thuỳnh, thuỳnh" vào cửa kính. Lập tức thấy ngay một viên cảnh sát đến dẫn anh chàng về đồn.
Đương nhiên là anh bị phạt và bị giữ cho đến khi tỉnh rượu. Thế là chúng tôi hiểu vì sao tất cả các nhà ga tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va đều sạch và đẹp đến thế.
Mỗi ga là một công trình văn hóa nghệ thuật tuyệt vời và không thấy ai hút thuốc lá, uống rượu say ở nơi công cộng cũng như không ai vứt rác ra đường phố dù chỉ là một mẩu thuốc lá. Như thế, rõ ràng, mỗi người chỉ trở nên tự nguyện thực hiện các qui định trước sự giám sát của xã hội.
- Vâng, câu chuyện ông kể rất hay! Nhưng ở ta, ai sẽ là người giám sát việc không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc? Đó là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đoàn thể; là bí thư chi bộ, là mỗi đảng viên và đông đảo mọi người; là các cơ quan truyền thông khi mà ở ta chưa giao nhiệm vụ đó cho cảnh sát.
Giám sát phải chỉ ra được tên từng người vi phạm và đương nhiên, người đó phải bị phê bình, kỷ luật và bị phạt. Nói cơ quan ấy, đơn vị ấy, chi bộ ấy, đoàn thể ấy vẫn còn tình trạng vi phạm mà không chỉ đích danh là ai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Đây không chỉ là việc trước mắt mà là công việc hàng năm phải làm.
- Xem ra như thế là tự nguyện phải gắn liền với giám sát, khen thưởng đi liền với kỷ luật. Như vậy sẽ tránh được tình trạng đầu to đuôi bé, nói mà không làm hoặc nói nhiều làm ít.
Hải Đường
Các tin khác
YBĐT - Giai đoạn 2010 - 2015, thị xã phấn đấu có thêm 8 đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn lên 14 trường trong đó có 2-3 đơn vị đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Đó là trường ĐH Xây dựng, Sư phạm, Kinh tế quốc dân, Công nghệ Hà Nội, Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Đa số các trường đều không hạn chế số lượng tuyển thẳng.
Vào lúc 5h30 phút sáng 4/4 chiếc tàu ANK LINES chở 1.015 lao động Việt Nam từ Libya đã chính thức cập cảng tại phao số 0 Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh trước sự vui mừng khôn xiết.
Hình ảnh các chiến sĩ đặc công nước đồng thanh hát vang cả một góc Hồ Gươm, hân hoan với thành công dẫn được rùa Hồ Gươm về bể chữa bệnh đã gây nhiều xúc động với hàng trăm người đứng kín ven hồ, hồi hộp theo dõi từng diễn biến của cuộc bắt rùa thứ hai này.