Yên Bái: Sau 6 năm thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/4/2011 | 2:34:46 PM

YBĐT - Giai đoạn 2005 - 2010, tỉnh Yên Bái đã có 167/180 xã, phường, thị trấn đăng kí thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã (CQGYTX) theo Đề án “Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2005 - 2010” của tỉnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thăm khám cho bệnh nhân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thăm khám cho bệnh nhân.

Thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo CQGYTX đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng chuẩn hàng năm một cách đồng bộ tại tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Công tác này đã được đưa vào nghị quyết và giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Các xã, phường, thị trấn đều tổ chức đánh giá hiện trạng 10 chuẩn làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện của xã đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo xã; huy động các ban, ngành, đoàn thể và người dân tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Công tác tuyên truyền thực hiện chuẩn được đẩy mạnh với nhiều hình thức, đặc biệt là qua hệ thống loa truyền thanh xã, kết hợp truyền thông trực tiếp tại trạm y tế xã và cộng đồng đã giúp nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và vệ sinh môi trường nâng cao.

Nhiều xã, thôn, bản đã đưa công tác vệ sinh môi trường vào hương ước, qui ước của thôn; tổ chức triển khai công tác tổng vệ sinh thôn, bản; các hộ gia đình thực hiện rời chuồng, trại ra xa nhà, thu gom và xử lý rác thải, làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Công tác đào tạo nhân lực, tập huấn cho cán bộ y tế xã được quan tâm:  288 trưởng, phó trạm y tế xã được đào tạo về công tác quản lý; hàng trăm cán bộ y tế xã được đào tạo về công tác quản lý dược, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phục hồi chức năng, y học cổ truyền...

Trên 3.500 lượt cán bộ xã và nhân viên y tế thôn, bản được tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chuẩn quốc gia, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe. Nhiều cán bộ y tế được cử đi học cử tuyển, chuyên tu bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh.

Trong 6 năm thực hiện CQGYTX, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư mới 25 trạm y tế xã từ nhiều nguồn ngân sách khác nhau; đầu tư sửa chữa, nâng cấp 91 trạm y tế bằng nguồn ngân sách tập trung của Đề án CQGYTX. Từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đầu tư kinh phí cho 97 trạm y tế, trong đó 60 trạm được xây mới công trình vệ sinh nước sạch.

Bên cạnh đó, mua bổ sung trang thiết bị y tế cho 121 trạm y tế, bảo đảm có đủ các trang thiết bị thiết yếu, phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe đặc biệt tại trạm. Việc đầu tư kinh phí xây dựng CQGYTX chủ yếu từ ngân sách tỉnh và các chương trình, dự án. Kinh phí đầu tư từ ngân sách huyện, xã còn hạn chế.

Trong năm 2009 và 2010, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã bố trí 57.200 triệu đồng để đầu tư cho các phòng khám đa khoa khu vực, trong đó có 36.600 triệu đồng để xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 11 phòng khám đa khoa khu vực lồng ghép với trạm y tế xã.

Một số xã cũng đã huy động ngân sách của địa phương và các hộ gia đình tham gia xây dựng CQGYTX như xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh; khai thác và sử dụng nguồn nước sạch; xử lý phân gia súc, rác thải; phát động phong trào vệ sinh môi trường thôn, bản...

Sau 6 năm thực hiện Đề án, đến hết năm 2010, đã có 129 xã duy trì đạt chuẩn, 20 xã thẩm định đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 149 xã, đạt 82,78% số xã đăng ký đạt chuẩn - cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch Đề án. Thông qua hoạt động xây dựng CQGYTX đã làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lãnh đạo, cán bộ và người dân đã nhận thức rõ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không phải riêng của ngành y tế.

Người dân tại các xã đạt chuẩn đã có sự thay đổi về nhận thức, hành vi chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và trách nhiệm với cộng đồng như tới cơ sở y tế khám, chữa bệnh khi đau ốm, tiêm chủng phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh thôn bản, vệ sinh hộ gia đình...

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm y tế được quan tâm đầu tư nâng cấp và bổ sung, tạo điều kiện cho cán bộ có phương tiện làm việc. Hoạt động chuyên môn của trạm y tế xã đã được chấn chỉnh, đi vào nề nếp. Các chương trình y tế triển khai có hiệu quả, không để dịch lớn xảy ra. Chất lượng khám, chữa bệnh nâng lên, thu hút người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến. Người dân được hưởng lợi từ xây dựng CQGYTX với việc được chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn.

Huyền My

Các tin khác

Ngày 19-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập và hoạt động Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, với mục tiêu tuyên truyền vận động cả nước hướng về Trường Sa...

Tin từ Bộ Tài chính cho biết tháng 7 tới, việc miễn - giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có thể sẽ được trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình làm việc.

Luật Kiểm toán Độc lập sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2012

Đó là Luật phòng chống mua bán người, Luật Kiểm toán Độc lập, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Quỹ Xã hội dân sự thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ tài trợ 900 triệu đồng trong năm 2011 cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục