Tầm thầy luyện chữ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2011 | 3:00:22 PM

YBĐT - Người xưa nói “nét chữ nết người” bao hàm hai ý: nét chữ thể hiện tính cách con người và thông qua rèn luyện chữ viết mà giáo dục nhân cách con người. Việc rèn chữ viết đẹp trong các nhà trường tiểu học là cần thiết và sự ra đời của các cơ sở luyện chữ đẹp như một yêu cầu tất yếu của cuộc sống.

Giờ luyện chữ của cô và trò lớp 1A Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái).
Giờ luyện chữ của cô và trò lớp 1A Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái).

Lớp luyện chữ của cô giáo Thanh Th

Tiếng tốt đồn xa, mấy người bạn khuyên tôi nên đưa đứa cháu đang học lớp một đến cơ sở của cô giáo Thanh Th ở phường Minh Tân để luyện chữ đẹp. Cứ nghĩ đây cũng chỉ là một nơi dạy học thêm bình thường như bao lớp học thêm của một số thầy cô giáo ở thành phố Yên Bái, nhưng khi đến thì thật sự bất ngờ. Ngay phía trên cửa nhà là một bảng hiệu to chẳng kém gì bảng hiệu của các shoop với hàng chữ lớn Luyện chữ đẹp, ghi rõ cả địa chỉ, số điện thoại lẫn tên người dạy. Trong nhà dăm bộ bàn ghế học sinh đặt nơi phòng khách đủ chỗ cho cả chục trẻ em ngồi học.

Chiếc bảng phoóc – mi - ca treo trên tường có bài ca khuyến học với nét chữ chuẩn mực đầy hấp dẫn: “Người ngay thẳng sao chữ thì siêu vẹo/ Người đẹp xinh sao chữ chẳng như người/ Hãy luyện chữ như luyện hồn, luyện tính/ Nét chữ nết người hằng nhớ bạn ơi!”.

Cô giáo trẻ măng, mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành tiểu học và đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. Đã nghe nói nhiều đến các lớp luyện chữ cho trẻ nhỏ và cả người lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh nên tôi càng háo hức tìm hiểu xem ở lớp học này việc tổ chức luyện chữ ra sao.

Mỗi học sinh theo học đều được phát một phiếu vào lớp trong đó ghi thời gian toàn khóa học là 15 buổi và vào các buổi sáng, buổi chiều những ngày thứ bẩy, chủ nhật cùng các buổi tối, học phí 250.000đồng/khóa.Theo cô Th, đối tượng dạy chủ yếu là học sinh lớp một song cũng có cả các em lớp hai, lớp ba muốn được uốn lại những nét cơ bản do chữ xấu. Buổi đầu tiên cô chú ý rèn cho học sinh tư thế ngồi và cách cầm bút sao cho khoa học để tránh các bệnh cong vẹo cột sống và nhất là chữ đẹp.

Với người viết: lưng thẳng, đầu nghiêng và cầm bút bằng 3 đầu ngón tay chụm lại nơi đầu bút, buông lơi chứ không cứng nhắc, cổ tay phải lỏng, tay phải đặt vững trên bàn. Nếu viết chữ nghiêng thì phải nghiêng vở về phía trái so với mép bàn 30 độ. Vì đây là lớp luyện chữ đẹp nên học sinh vẫn được luyện lại các nét cơ bản như trong học chính khóa tại trường, thậm chí có bậc cha mẹ nhờ cô luyện cho con mình cách viết chữ số sao cho đều và đẹp cũng toại nguyện.

Được tiếp thu kiến thức qua đào tạo tại trường đại học và kinh nghiệm tích luỹ bản thân, cô Th nhận xét: Tưởng chừng như việc viết chữ không có gì là khó, nhưng để viết được những chữ đẹp, đúng chuẩn và có hồn là cả một quá trình luyện tập công phu.

Nguyên nhân chữ xấu có nhiều song chủ yếu là do các em chưa biết đặt bút từ đâu; chiều cao, chiều ngang mỗi chữ cũng không đúng; khoảng cách giữa các con chữ và các từ không đều. Cô đưa ra cả lô bí quyết để viết chữ đẹp, nào là để viết đẹp phải dựa trên cơ sở nét sổ xuống và nét uốn tròn, tất cả các chữ nhỏ đều bắt đầu từ trên xuống, những chữ cái tương tự có chiều cao bằng nhau, khoảng cách giữa các từ rộng bằng một chữ o… Cứ nghĩ học sinh theo học chỉ là vài trường tiểu học xung quanh nơi cô ở, thế nhưng tìm hiểu mới biết nhiều em tận phường Hồng Hà, Nguyễn Phúc, Yên Thịnh xa đến dăm km cũng tìm đến.

Gặp chị Dương Thị H, bậc phụ huynh này phấn khởi khoe: “Cháu nhà tôi theo luyện chữ ở đây cũng vừa tròn khóa, chữ bây giờ đã đẹp hơn hẳn. Kỳ thi viết chữ đẹp ở trường vừa qua cháu đạt giải nhì cơ đấy!”.

Và việc dạy chữ viết rèn nết người

Chữ viết rất quan trọng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Chữ viết cũng là một biểu hiện của nết người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn cho học sinh tính cẩn thận, tính kỷ luật, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy giáo và bạn mình”. Như vậy “nét chữ nết người” bao hàm hai ý: nét chữ thể hiện tính cách con người và thông qua rèn luyện chữ viết mà giáo dục nhân cách con người. Không hẳn người viết chữ đẹp là bởi có hoa tay, phần lớn vẫn do rèn luyện mà có được.

Cao Bá Quát nổi tiếng văn hay chữ tốt lúc đầu đi học cũng bị thầy chê chữ xấu, nhờ quyết tâm luyện viết mà trở thành bậc thi pháp nổi tiếng nước Nam mà bây giờ người đời còn nhắc đến. Chính vì vậy vở sạch chữ đẹp là tiêu chí hàng đầu ở những năm tiểu học.

Ngay từ năm 1968, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) đã phát động phong trào thi đua “Vở sạch chữ đẹp” và phong trào đó được duy trì đến tận ngày nay. Riêng viết chữ đẹp, ngành GD - ĐT tỉnh thường xuyên lồng vào các kỳ thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học.

Một số giáo viên đã viết sáng kiến kinh nghiệm khá công phu về luyện chữ đẹp cho học sinh và được đánh giá cao. Còn đối với học sinh, trường tiểu học nào hằng năm cũng đều tổ chức cuộc thi. Từ phong trào này ở thành phố Yên Bái đã xuất hiện nhiều giáo viên viết chữ đẹp như cô giáo Nguyễn Thị Bích Thuỷ ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và cô Thanh Th cũng được lắm phụ huynh biết đến.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, chiếc máy tính đã giúp không ít người thoát khỏi cảnh bị chê chữ xấu khi trình bày văn bản. Nhưng những công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới vẫn khẳng định trẻ em viết bằng tay khắc sâu ký ức hơn gõ trên bàn phím, vì vậy rèn luyện trí nhớ tốt hơn. Và chữ viết tay mà đẹp cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của người khác đối với mình. Không thiếu các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân viên đều yêu cầu người xin việc viết đơn bằng chữ viết tay. Họ muốn tìm hiểu tính cách, thậm chí năng lực qua biểu hiện ban đầu. Còn với học sinh, chữ viết đẹp bao giờ cũng tạo ấn tượng tốt đẹp cho người chấm bài, đó cũng là điểm chiếu cố nhất là đối với bài thi Văn - Tiếng việt.

Thế nên việc rèn chữ viết đẹp trong các nhà trường tiểu học là cần thiết và sự ra đời của các cơ sở luyện chữ đẹp như một yêu cầu tất yếu của cuộc sống. Vấn đề là ngành GD - ĐT cần có sự tổ chức, quản lý để hoạt động này phát huy tốt hiệu quả, tránh các biến tướng xấu của kinh tế thị trường và góp phần nâng cao uy tín của nghề dạy học.

Thế Quynh

Các tin khác
Thanh niên tình nguyện giúp dân làm đường tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Theo Dự án 600 phó chủ tịch xã mà Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt thì Yên Bái có 20 chỉ tiêu phó chủ tịch xã cho 20 xã chưa có 2 phó chủ tịch của 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Còn về tỷ lệ uống bia rượu, người Việt Nam mỗi năm uống hàng tỷ lít bia. Là nước tiêu thụ bia Heineken thứ 3 trên thế giới.

Các trí thức trẻ bày tỏ nhiệt huyết được đem sức lực, tài năng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các xã thuộc 62 huyện nghèo.

GS toán học Ngô Bảo Châu vừa được ĐH Chicago, Mỹ phong danh hiệu Giáo sư xuất sắc.

Theo bản tin của ĐH Chicago, Mỹ, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu vừa được phong danh hiệu Giáo sư xuất sắc cùng với 2 giáo sư khác của trường là Gregory Voth (lĩnh vực Hóa học) và Paul Wiegmann (lĩnh vực Vật lý).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục