Triển vọng từ Dự án bảo tồn và phát triển cây thuốc bản địa

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2011 | 9:28:17 AM

YBĐT - Dự án VM 019 của Tỉnh hội Đông y Yên Bái phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững về bảo tồn và phát triển cây thuốc bản địa được triển khai tại xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã bước vào năm thứ hai hứa hẹn nhiều triển vọng.

Năm 2011, những hộ tham gia Dự án thuộc diện hộ nghèo sẽ được vay vốn để phát triển vườn cây thuốc. Ảnh Ngọc Sơn
Năm 2011, những hộ tham gia Dự án thuộc diện hộ nghèo sẽ được vay vốn để phát triển vườn cây thuốc. Ảnh Ngọc Sơn

Theo dược sĩ Lê Thiết Kế - Thư ký Tỉnh hội Đông y Yên Bái, để Dự án bảo tồn và phát triển cây thuốc bản địa phát triển một cách mạnh mẽ thì một yếu tố không thể thiếu là sự phối hợp với các thầy thuốc đông y ở địa phương mà lâu nay chúng ta vẫn quen gọi là những ông lang, bà mế.

Chi hội y học cổ truyền xã Cẩm Ân  là một trong những chi hội có số lượng thành viên đông nhất và hoạt động hiệu quả nhất ở huyện Yên Bình. Đây cũng là một lý do để địa phương này được chọn làm nơi triển khai Dự án.

Dự án bắt đầu triển khai năm 2009 và sẽ kết thúc vào năm 2012. Có 4 thôn của xã Cẩm Ân được chọn làm dự án là: Tân Tiến, Đèo Thao, Ngòi Cát và Tân Yên. Năm đầu tiên có hơn 100 hộ đăng ký tham gia Dự án và số diện tích cây thuốc đã được trồng là 50 ha, với 5 loài cây chủ yếu là: gừng, đinh lăng, kim tiền thảo, mạch môn, thảo quyết minh. Ngoài việc được cấp cây giống, các hộ tham gia còn được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc từng loại cây đồng thời có cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn.

Bước sang năm 2011, năm thứ 2 thực hiện Dự án, 2 loài cây mới sẽ được đưa vào trồng thêm là hoài sơn và ba kích. Đây là 2 loại cây ngoài tác dụng làm thuốc còn đem lại giá trị kinh tế rất cao và hết sức ưu việt vì chúng có thể trồng trên đất vườn, đất soi bãi nhưng cũng có thể tận dụng trồng xen trong rừng hay dưới tán cây ăn quả.

Có 2 phương pháp trồng là trồng trực tiếp dưới bãi đất và trồng trong bao tải. Với cách dùng bao tải để trồng cây hoài sơn, người trồng có thể tận dụng mọi khoảng đất trống dù là nhỏ để đặt bao, thậm chí có thể đặt cả trong bãi chè, góc sân, góc vườn hay nương sắn, khi thu hoạch lại nhanh gọn, không tốn công, chỉ cần cắt bao tải ra là thu được củ hoài sơn.

Theo các tài liệu đã được nghiên cứu trên thực tế, trồng hoài sơn dưới tán cây ăn quả bình quân sẽ cho thu hoạch khoảng 240 triệu đồng/1 ha, trừ chi phí cũng đem về cho người dân 100 triệu đồng/ năm, còn củ ba kích giá bán hiện tại cũng là 200 nghìn đồng/kg. Như vậy, ngoài việc có thể tham gia gìn giữ và phát triển cây thuốc quý, đây cũng là cơ hội để người dân vươn lên xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Hộ ông Hà Cát ở thôn Tân Tiến là gia đình có vườn cây trồng khảo nghiệm của Dự án. Mảnh vườn được chăm sóc kỹ lưỡng, ngoài trồng các loài cây trong Dự án như: ba kích, đinh lăng, mạch môn, kim tiền thảo, hoài sơn trong vườn nhà ông còn duy trì được rất nhiều cây bản địa như cây lược vàng, huyết dụ, bông mã đề, lá dong tím hay đu đủ tím.

“Tham gia vào Dự án, gia đình tôi có thể phát huy hiệu quả kinh tế trên diện tích đất vườn một cách cao nhất. Hơn thế nữa, trồng cây thuốc nam nếu trong nhà có người đau ốm thì cũng có sẵn thuốc luôn, rất hữu ích. Không chỉ có thể, việc trồng cây thuốc còn có thể bảo tồn nguồn nguyên liệu cũng như giữ gìn những bài thuốc cổ truyền quý giá của dân tộc bởi vì nếu như chỉ có biết khai thác bằng hết như trước đây nhiều người vẫn lên rừng đi lấy về thì chẳng mấy chốc những loài cây thuốc quý sẽ mất đi” - Ông Cát chia sẻ. 

Là trưởng thôn, ông Cát cho biết thêm, toàn thôn Tân Tiến có 60 hộ thì hiện nay có hơn 30 hộ đã tham gia Dự án. Năm 2011 này ông sẽ tuyên truyền vận động các hộ gia đình còn lại cùng tham gia trồng cây thuốc. Đó cũng là hướng mà các thôn khác sẽ làm trong thời gian tới nhằm đưa việc bảo tồn và phát triển cây thuốc nam trở thành một phong trào sâu rộng và lâu bền tại địa phương.

Trồng cây thuốc với số lượng lớn, với nhiều gia đình thì đây là lần đầu tiên nhưng rõ ràng lợi ích mà nó mang lại thì có thể thấy rõ. Trong đó có những loại cây vừa dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng lại mang lại giá trị thiết thực cho người dân, ví dụ như cây gừng.

Những sản phẩm người dân tham gia Dự án khi thu hoạch có thể tự do bán, nếu thị trường không có nhu cầu thì Chi hội Đông y của xã sẽ thu mua để chế biến. Đây cũng là giải pháp khiến người dân yên tâm hơn để tiếp tục tham gia. Một trong những  mục đích của Dự án còn là quan tâm giúp đỡ người nghèo có thể xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.

Năm 2011 này những hộ tham gia Dự án thuộc diện hộ nghèo sẽ được vay vốn để phát triển vườn cây thuốc. Dự án sẽ tiếp tục tổ chức ở mỗi thôn một lớp tập huấn cho người dân, đồng thời tiến hành cấp miễn phí 2 giống cây trồng mới là ba kích và hoài sơn

Bảo tồn và phát triển cây thuốc bản địa giúp người dân phát triển kinh tế nhưng quan trọng hơn cả đó là có thể lưu giữ được những bài thuốc hay trong dân gian, góp phần thúc đẩy nền y học cổ truyền của dân tộc ngày càng phát triển.

Kim Ngân

Các tin khác

YBĐT - Huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa tổ chức lễ tuyên dương 127 học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2010-2011.

Cơ sở thu mua, chế biến chè của ông Nguyễn Xuân Lẫm ở xã Tân Hương thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

YBĐT - Huyện Yên Bình hiện có 9.290 hội viên người cao tuổi (NCT). Tuy tuổi cao nhưng các cụ vẫn tham gia hoạt động cấp ủy, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ Đảng, trưởng thôn, cụm trưởng cụm dân cư....

YBĐT - Theo giới thiệu của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố Yên Bái, chúng tôi tới xã Giới Phiên, một xã điển hình trong công tác quân sự - quốc phòng (QS - QP) địa phương của thành phố.

YBĐT - Thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, từ năm 2008 đến nay, huyện Trạm Tấu có 36 công trình được phê duyệt với tổng dự toán là 28 tỷ 428 triệu đồng, đã thực hiện, bàn giao và đưa vào sử dụng 18 nhà công vụ cho giáo viên với 64 phòng và 12 nhà lớp học với 32 phòng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục