Cảnh báo lây truyền bệnh dại từ chó sang người
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2011 | 3:15:00 PM
YBĐT - Qua nhiều năm triển khai tiêm vac-xin phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, hàng năm có khoảng 800 - 1000 người bị súc vật cắn đến tiêm vac-xin đã tránh được bệnh dại.
Chích ngừa bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM . (Ảnh minh họa)
|
Nuôi chó giữ nhà, làm cảnh, giết mổ làm thực phẩm… đã trở thành tập quán quen thuộc của người Việt. Chó còn là con vật được yêu thích, rất gần gũi, thân thiện và trung thành với con người. Bên cạnh những lợi ích không nhỏ về giá trị kinh tế cũng như tinh thần thì việc nuôi chó cũng là một trong những hiểm họa khôn lường đối với con người, đó là truyền bệnh dại từ súc vật sang người.
Chó nhà thuộc loài động vật ăn thịt máu nóng, với bản năng săn bắt rất hiệu quả. Chúng được nuôi dưỡng, chăm sóc, chiều chuộng và sinh hoạt rất gần gũi với con người, đặc biệt rất được trẻ em yêu thích... Do tính chất sinh học và sự nuôi dưỡng của con người đối với loài chó nên chúng rất ít khi mắc các bệnh dịch như các loại súc vật khác, tuy nhiên có một loại bệnh dịch chỉ có thể lây nhiễm sang đàn chó, súc vật nuôi từ những loài động vật hoang dã chính là bệnh dại.
Vi rút gây bệnh dại không tồn tại lâu trên cơ thể chó, mèo mà chúng tồn tại và lưu hành chủ yếu ở môi trường hoang dã trên những động vật máu nóng sống trong rừng như: cầy, chồn, cáo, dơi... Chó là loại súc vật săn mồi, chúng thường vào những nơi rừng rậm để săn bắt và từ đó bị nhiễm vi rút dại từ động vật hoang dã nói trên rồi về truyền bệnh sang đàn chó, mèo nhà và truyền sang người.
Bệnh dại xảy ra quanh năm, cao điểm là vào mùa hè và hè - thu. Vi rut sau khi xâm nhập vào cơ thể chó hoặc người qua các vết cắn, vết chày xước hoặc qua niêm mạc mắt. Có ái lực mạnh với tế bào thần kinh nên sau 3 tuần hoặc có thể kéo dài đến nhiều tháng sau mới phát bệnh trên hệ thần kinh Trung ương, với các triệu chứng: cảm giác lo lắng, mất ngủ, ác mộng, kém ăn, tiết nhiều nước bọt, sau đó là dấu hiệu của một cơn dại: sợ tiếng động, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, cơn kích động hung tợn, gầm rú (có trường hợp không kích động)… rồi chết trong vòng 3 - 5 ngày do liệt cơ hô hấp. Bệnh dại là bệnh do vi rút nên cũng giống như nhiều bệnh nhiễm vi rút khác, cho đến nay Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế khi bệnh đã phát thì không có thuốc gì chữa khỏi.
Một số thầy lang đã ngộ nhận là chữa được bệnh dại nên không ít người đã tin và dùng thuốc Nam để chữa bệnh, dẫn đến hậu quả là tiền mất mà không khỏi bệnh, đã có những cái chết thương tâm do tin dùng thuốc Nam để chữa bệnh dại. Bệnh dại tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng may mắn là đã có vac-xin để điều trị dự phòng (hay còn gọi là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu), giúp cho người bị súc vật mang vi rút dại cắn có thể tránh được tử vong nếu đi tiêm phòng sớm và đầy đủ.
Qua nhiều năm triển khai tiêm vac-xin phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hàng năm có khoảng 800 - 1000 người bị súc vật cắn đến tiêm vac-xin đã tránh được bệnh dại. Những người tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua, hầu hết là không đi tiêm vac -xin phòng dại, một số ít do đến tiêm quá muộn hoặc tiêm không đủ liều, bỏ mũi tiêm ...
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên là những vùng có ổ dịch dại tiềm tàng. Hàng năm đều ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại. Từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 6 người chết do bệnh dại, gần đây nhất ngày 14/7/2011, có thêm một trường hợp nữa tử vong, nâng tổng số người chết do bệnh dại những tháng đầu năm lên 6 người, tập trung chủ yếu ở 2 huyện: Lục Yên và Yên Bình. Cả 6 trường hợp kể trên đều không đi tiêm vac xin phòng dại, có 2 trường hợp không biết rõ thời gian, địa điểm bị súc vật cắn, 1 trường hợp đi chữa thuốc Nam, 3 trường hợp chủ quan không đi khám hoặc tiêm phòng.
Như vậy trung bình mỗi tháng trên địa bàn tỉnh có 1 người tử vong do bệnh dại, đây là một dấu hiệu cho thấy bệnh dại diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm bởi dịch không có biểu hiện bùng phát rầm rộ, mà diễn biến âm thầm, dai dẳng, kéo dài rất khó kiểm soát và xử lý triệt để. Việc cấp bách trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trên các phương tiện thông tin đại chúng, hạn chế tiếp xúc, tránh bị chó, mèo cắn.
Khi bị cắn ở bất kỳ mức độ nặng hay nhẹ đều phải thực hiện ngay một số biện pháp như: rửa sạch vết thương nhiều lần bằng nước xà phòng, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vac-xin phòng dại. Chú ý là tiêm càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không chữa bệnh dại bằng thuốc Nam.
Về lâu dài, cần được đầu tư nguồn lực, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong phòng chống bệnh dại: hạn chế nuôi chó, xích, nhốt, không để chó chạy rông. Quản lý, tiêm phòng đầy đủ cho đàn chó, nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ chó ốm, chó không rõ nguồn gốc, tránh tiếp xúc trực tiếp với chó mèo (chăm sóc, đùa nghịch...), đặc biệt khi chúng có biểu hiện mắc bệnh.
Nguyễn Văn Dậu (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Đến 31/5/2011, toàn tỉnh Yên Bái có 1.109 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, 333 hợp tác xã, 7 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 18.458 hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, chỉ có 103 đơn vị có tổ chức công đoàn (CĐ) đi vào hoạt động...
YBĐT - Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Yên Bái lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2011 – 2016 vừa diễn ra và thành công tốt đẹp với sự có mặt của 154 đại biểu chính thức tiêu biểu cho các tầng lớp phụ nữ của thành phố.
Chương trình nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức, nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới.
Sáng nay, 28-7, Học viện Ngoại giao, ĐH Kiến trúc Hà Nội, Nông lâm TPHCM, Y dược Cần Thơ, Công nghiệp Hà Nội vừa công bố điểm thi tuyển sinh 2011. Hiện, đã có 159 trường công bố điểm.