Một số vấn đề cần tập trung giải quyết
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2011 | 3:06:55 PM
YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Nước sạch về với vùng cao. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Đó là chỉ tiêu đề ra trên cơ sở những thành tựu đạt được, khả năng huy động nguồn lực và các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành có sự tham gia tích cực của người dân. Tuy nhiên, để tiến nhanh hơn tới mục tiêu này trong 5 năm tới, cần tập trung giải quyết một số vấn đề có tính căn bản để nhanh chóng bắt tay vào thực hiện hiệu quả trong từng năm và các năm của nhiệm kỳ 2010 - 2015...
Tổng quan
80% dân số của Yên Bái ở khu vực nông thôn, trong đó có 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở 70 xã vùng cao - trong đó có 62 xã đặc biệt khó khăn. Mục tiêu của Yên Bái về Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là phấn đấu hết năm 2010, có 70% dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 40% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu vệ sinh. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều giải pháp huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn tín dụng, Chương trình 135, vốn di dân tái định cư. Các nguồn vốn trên thực hiện theo cơ chế khác nhau do mỗi cơ quan thực hiện nhưng cùng chung mục tiêu là cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn Yên Bái - ông Nguyễn Văn Tích cho biết, vào năm 1999, Yên Bái mới có khoảng 20% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Người dân nông thôn, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn quen dùng nước sinh hoạt lấy từ khe núi, suối ngòi. Để thay đổi tập quán sinh hoạt lạc hậu, tỉnh đã tập trung đầu tư vào truyền thông, vận động nhằm thay đổi dần nhận thức, tập quán của đồng bào và triển khai đầu tư các công trình cấp nước về bản làng, thôn xóm đi đôi với đào tạo, tập huấn về quản lý, vận hành công trình cho cán bộ cơ sở, nhất là thôn bản. Năm 2005, Yên Bái đã đưa tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 52%, tỷ lệ này hết năm 2010 đạt 70%.
Cái được của Yên Bái là tỉnh đã tranh thủ, huy động, lồng ghép khá hiệu quả các ngồn vốn để thực hiện. Tính từ năm 1999 đến năm 2010, tỉnh huy động trên 189 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 61,5 tỷ đồng, ngân sách lồng ghép từ các chương trình trên 60,4 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 58 tỷ đồng, vốn các tổ chức phi chính phủ trên 4,4 tỷ đồng, dân đóng góp trên 5,2 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn đó, tỉnh đã xây dựng 242 công trình cấp nước tập trung, xây dựng 52.892 nhà tiêu hợp vệ sinh, gần 20.000 giếng đào, công trình cấp nước nhỏ lẻ. Đáng chú ý, trong số 70% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh thì 82,5% trường học khu vực này được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các trạm y tế là 97%...
Giải pháp và kiến nghị
Cán bộ khảo sát trao đổi với đơn vị thi công công trình nước sạch ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Khó tin là từ năm 1999 cho tới nay, chưa có cơ quan nào được giao đảm nhiệm giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý Nhà nước về lĩnh vực cấp nước sinh hoạt. Trong điều kiện nhiều chương trình, dự án, nguồn vốn đầu tư cho cấp nước sinh hoạt nhưng mỗi nguồn vốn thực hiện cơ chế riêng biệt do một cơ quan riêng biệt quản lý, điều hành.
Việc không có cơ quan đảm nhiệm vai trò giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý Nhà nước về cấp nước sinh hoạt dẫn tới mấy hệ lụy: thứ nhất, ảnh hưởng tới chất lượng việc xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm và giai đoạn; thứ hai, việc kiểm tra, giám sát chất lượng, hiệu quả triển khai đầu tư các công trình, dự án và ngay cả chế độ thông tin, báo cáo cũng khó thực hiện (thời gian qua, các công trình cấp nước chủ yếu do các đoàn giám sát của hội đồng nhân dân các cấp tiến hành); thứ ba, ảnh hưởng đến hiệu quả việc kêu gọi các nguồn vốn - nhất là nguồn vốn trong dân, ví như vận động người dân bỏ vốn, vay vốn xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt với dự kiến khoảng 50% số hộ nông thôn hiện nay tham gia.
Giai đoạn 2011 - 2015, về mặt nguồn lực, để đạt mục tiêu 85% dân số nông thôn (trên 13,7 vạn người) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2015, tỉnh phải xây dựng 10.199 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có 199 công trình cấp nước tập trung, 10.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ và giếng đào, xây dựng 11.615 công trình vệ sinh hộ gia đình… với tổng số vốn dự kiến trên 357,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương dự kiến trên 277 tỷ đồng, vốn tín dụng 80 tỷ đồng. Tổng số vốn này chiếm khoảng 1/2 số thu ngân sách của tỉnh (năm 2010). Do vậy, để đạt mục tiêu đề ra, Yên Bái cần tích cực huy động các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng, vốn của các tổ chức phi chính phủ và vốn trong dân.
Về tổ chức thực hiện, kinh nghiệm rút từ nhiều năm thực hiện ở Yên Bái là cần đa dạng các loại hình cấp nước phù hợp với từng vùng miền, ưu tiên đưa ra những giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới và cấp nước tập trung với quy trình khép kín từ hệ thống lắng, lọc áp lực. Việc quản lý công trình sau đầu tư phải theo hướng bền vững, đó là tăng cường năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tập quán - nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên cơ sở những thành tựu đạt được, khả năng huy động nguồn lực và các giải pháp đồng bộ của các cấp, cấc ngành có sự tham gia tích cực của người dân. Tuy nhiên, để tiến nhanh hơn tới mục tiêu này trong 5 năm tới, cần tập trung giải quyết một số vấn đề có tính căn bản nêu trên để nhanh chóng bắt tay vào thực hiện hiệu quả trong từng năm và các năm của nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Q.K
Các tin khác
YBĐT - Năm 2010, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 295 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm tỷ lệ 22%, từ đầu năm 2011 đến nay có 121 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm tỷ lệ 17,5%...
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến bão để kịp thời chỉ đạo và thông tin đến nhân dân.
YBĐT - Trong những năm qua, ngành y tế Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở Y tế thực hiện công tác quản lý nhà nước về dược tại 9 huyện, thị xã, thành phố đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
YBĐT - Với nhiều chương trình, hoạt động nhân đạo hướng đến đồng bào nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Yên Bái đã nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.