Không chủ quan với dịch bệnh tay chân miệng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/8/2011 | 2:50:11 PM

YBĐT - Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã có 17.200 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và đã có 59 ca tử vong.

Hình minh họa từ Internet.
Hình minh họa từ Internet.

 Trước nguy cơ bùng phát trên diện rộng và những diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh TCM, phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí (Đ/c) Trần Viết Thắng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về diễn biến và cách phòng bệnh TCM.

 PV: Xin đồng chí cho biết, những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có trường hợp nào bị bệnh TCM chưa?

 Đ/c Trần Viết Thắng: Những năm gần đây Yên Bái đã từng xảy ra dịch TCM. Năm 2008 có 252 trường hợp trẻ em mắc, năm 2009 có 98 trẻ, năm 2010 có 46 trẻ. Số trường hợp bị mắc năm 2008 tập trung chủ yếu ở huyện Yên Bình với 137 trẻ, còn lại rải rác ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Từ đầu năm 2011 đến nay, giám sát dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, tháng 1, tại thành phố Yên Bái đã có 4 trường hợp nhiễm bệnh, huyện Yên Bình 6 trường hợp. Đến ngày 10/6/2011, có thêm 4 trường hợp bị nhiễm bệnh TCM tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Ngoài ra, còn có một số trường hợp mắc bệnh nhưng nằm rải rác tại một số xã của 4 huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái. Số mắc tích lũy đến hết ngày 31/7/2011 là 49 trường hợp, có 8 trường hợp vào bệnh viện điều trị, không có trường hợp nào biến chứng nặng, không có tử vong.

- Bệnh TCM thường gặp ở những đối tượng nào và biểu hiện của bệnh ra sao thưa đồng chí?

Bệnh TCM có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất là trẻ em dưới 10 tuổi và đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Lứa tuổi này dễ bị nhiễm bệnh vì mọi sinh hoạt của các cháu phụ thuộc vào người chăm sóc.

Bệnh TCM do một loại siêu vi trùng đường ruột gây nên, bệnh lây theo đường tiêu hóa do trẻ chơi đồ chơi, sờ vào các vật dụng xung quanh. Trong khi đó, những vật dụng này nhiễm vi - rút từ phân, chất dịch từ các phỏng nước của trẻ mắc bệnh TCM khác hoặc từ bàn tay của người chăm sóc trẻ … vi - rút theo tay trẻ vào miệng, gây nhiễm trùng đường tiêu hóa rồi vào máu đi khắp cơ thể gây nên các phỏng nước ở tay, chân, miệng.

Bệnh thông thường diễn biến nhẹ khoảng 7-10 ngày sau thì khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp có biến chứng nguy hiểm như biến chứng thần kinh, tim mạch và có thể gây tử vong. Biến chứng nặng và tử vong phụ thuộc nhiều vào chủng vi rút gây bệnh và chăm sóc trẻ khi mắc bệnh. Nếu chủng vi rút gây bệnh là vi rút Coxackie thì bệnh nhẹ nhưng nếu chủng gây bệnh là vi rút EV 71 (Entero virus 71) thì bệnh diễn biến nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

- Thưa đồng chí, Yên Bái đã đề ra những giải pháp cơ bản nào để đối phó với dịch bệnh TCM. một số biện pháp phòng trị bệnh cụ thể?

Bệnh TCM xảy ra với trẻ nhỏ, lây theo đường tiêu hóa, chưa có vắc - xin phòng bệnh đặc hiệu nên phòng bệnh khó khăn hơn và phụ thuộc rất nhiều vào người chăm sóc trẻ. Bệnh có các nốt phỏng trên da, các nốt phỏng này chứa nhiều vi - rút, rất dễ vỡ và mức lây lan nhanh, nếu vệ sinh da không tốt sẽ dẫn đến biến chứng bội nhiễm. Nốt phỏng không chỉ xuất hiện trên da mà nó còn có trong miệng của trẻ gây khó khăn khi ăn uống.

Nếu không đảm bảo dinh dưỡng thì sức đề kháng của trẻ giảm, dẫn đến suy kiệt tạo điều kiện cho các bệnh khác phát triển … Vì vậy, chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM cần đặc biệt lưu ý giữ vệ sinh da và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

Xin lưu ý, mặc dù TCM được coi là một bệnh khá lành tính (bệnh truyền nhiễm nhóm B) nhưng gần đây bệnh diễn biến không bình thường đã xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng dẫn đến nhiều trường hợp tử vong, rất nhiều trường hợp nhiễm vi rút EV 71, đặc biệt, bệnh có thể diễn biến nặng ngay từ những ngày đầu. Cho nên mọi người không được chủ quan. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang theo dõi rất sát sao dịch bệnh TCM trên địa bàn, đôn đốc nhắc nhở các trung tâm y tế các huyện, thị tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, lấy mẫu xét nghiệm xác định chủng vi - rút gây bệnh, hướng dẫn cơ sở xử lý ổ dịch.

Với người dân, khi thấy trẻ mắc bệnh TCM không nên đưa đến nhà trẻ hoặc cho chơi cùng các cháu khác để tránh nguy cơ lây lan. Nếu trẻ diễn biến bình thường nên chăm sóc tại nhà (theo hướng dẫn của các y bác, sỹ). Trường hợp trẻ có diễn biến bất thường như sốt cao kéo dài, quấy khóc, chân tay chới với … cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời.

Ngọc Sơn (thực hiện)

Các tin khác

Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT vừa thống kê danh sách 100 thí sinh có điểm cao nhất nước cả nước trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011.

YBĐT - Từ ngày 1/8, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý (TGPL) số 1 chính thức đi vào hoạt động tại thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - UBND huyện Văn Chấn vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2011 về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” trong thời kỳ mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg quy định về chế độ đối với Thanh niên xung phong (TNXP) đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục