Văn Chấn chủ động đối phó dịch bệnh tay chân miệng
- Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2011 | 9:08:25 AM
YBĐT - Ngay từ đầu năm 2011, UBND huyện Văn Chấn đã quán triệt kế hoạch công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phòng chống các loại dịch bệnh trong toàn bộ hệ thống chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn bản với tinh thần chủ động phòng chống ở mức cao nhất.
Cô giáo hướng dẫn và vệ sinh chân tay cho trẻ mẫu giáo.
|
Trung tuần tháng 8 năm 2011, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có 4 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), đó là các cháu: Đinh Hoàng Quang, 24 tháng tuổi; Lê Hoàng Long, 23 tháng tuổi; Nguyễn Duy Phúc, 12 tháng tuổi cùng ở thôn 11A, xã Nghĩa Tâm; cháu Vũ Hoàng Quyên, 3 tuổi ở thôn Dạ, xã Thượng Bằng La. Văn Chấn là địa phương thứ 5 trên địa bàn tỉnh, tính đến đầu tháng 9, xuất hiện bệnh TCM.
Sau khi bệnh khởi phát, các cháu đều được gia đình đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Chấn, duy có 1 cháu được điều trị tại trạm y tế xã nhưng trong thời gian điều trị từ 5 đến 7 ngày, các cháu đều khỏi bệnh. Là loại bệnh do nhiễm khuẩn, lây lan qua đường tiêu hoá và thường mắc ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo nên sau khi điều trị khỏi, cả 4 cháu đã được yêu cầu gia đình thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế tối thiểu từ 10 đến 14 ngày. Đồng thời, sau khi phát hiện dịch bệnh TCM trên địa bàn thì ngày 25/8, huyện Văn Chấn đã triển khai điều tra toàn huyện và kết quả cho thấy đến đầu tháng 9 chưa phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh nào.
|
Về công tác ứng phó với diễn biến của dịch bệnh TCM, ông Nguyễn Đình Liên - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn và ông Hoàng Thanh Tú - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh và Phòng chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm cho biết, huyện đã xác định dịch bệnh TCM đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc và nó có thể sẽ xâm nhập vào địa bàn huyện bất kì lúc nào nên ngay từ cuối năm 2010, Trung tâm Y tế đã chủ động tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân cũng như việc phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh TCM.
Trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chuyên môn, UBND huyện Văn Chấn ngay từ đầu năm cũng đã quán triệt kế hoạch công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phòng chống các loại dịch bệnh trong toàn bộ hệ thống chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn bản với tinh thần chủ động phòng chống ở mức cao nhất.
Riêng với dịch bệnh TCM, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân và Ban chỉ đạo phòng chống các loại dịch bệnh huyện Văn Chấn đã quán triệt phải thực hiện hết sức khẩn trương, nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên và ngành y tế.
Với tinh thần đó, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận đầy đủ các thiết bị y tế, thuốc men, hoá chất CloraminB, máy phun khử trùng để xử lý thanh khiết môi trường. Văn bản hướng dẫn điều trị bệnh TCM do Bộ Y tế ban hành cũng đã được triển khai xuống tất cả 33 cơ sở y tế xã, thị trấn. Cán bộ y tế một số nơi còn chủ động tìm hiểu các bài thuốc dân gian như cây Co bo lón (gọi theo tiếng Thái) hoặc cây mò háng (theo tiếng Mông) có tác dụng chữa lở loét rất tốt.
Các thiết bị phun thuốc khử trùng tiêu độc được chuẩn bị đầy đủ để xử lý môi trường ở những nơi có dịch.
Trung tâm Y tế huyện có trách nhiệm theo dõi diễn biến lây lan của bệnh TCM trên toàn quốc hàng ngày cập nhật qua mạng Internet và các địa phương đã được đánh dấu phát hiện dịch bệnh trên bản đồ của tỉnh Yên Bái. Đồng thời, Trung tâm còn có trách nhiệm tổng hợp thông tin bệnh TCM trên địa bàn để cập nhật qua mạng báo cáo với ngành y tế trước 11 giờ hàng ngày. Việc cập nhật thông tin sẽ giúp các cơ quan chuyên môn chủ động trên mọi phương diện trước diễn biến của dịch bệnh.
Đi đôi với những hoạt động trên, Huyện ủy, UBND huyện còn phân công các cán bộ cấp ủy phụ trách địa bàn tập trung theo dõi và đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện chú trọng công tác thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng đến mọi người dân về diễn biến, tác hại cũng như cách phòng chống dịch bệnh này; giao nhiệm vụ cho các trạm y tế cùng với chính quyền địa phương, các trường mầm non cùng phối hợp triển khai các hoạt động chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh tại cơ sở…
Thống nhất chủ trương và triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp huyện chủ động trong công tác phòng chống, điều trị bệnh TCM. Công tác thông tin tuyên truyền tốt, thiết thực nên bà con từ vùng thấp đến vùng cao đều nhận thức rõ tác hại của bệnh TCM, tù đó, nêu cao ý thức tự phòng ngừa dịch bệnh. Khi chúng tôi đến thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng gặp chị Vàng Thị Ly đang cùng một số bà con trong bản đang thực hiện khơi thông cống rãnh thoát nước, chị cho biết: “Mình xem ti vi nên đã biết bệnh này từ lâu rồi. Nhà có con nhỏ nên mình cố gắng giữ cho các con ăn ở sạch sẽ để không bị bệnh”.
Những gia đình có người mắc bệnh đều không có biểu hiện hoang mang, dao động và tuyệt đối tin tưởng vào chuyên môn của ngành y tế. Người dân sẵn sàng hợp tác báo cáo với cơ quan chuyên môn khi thấy các trường hợp có dấu hiệu liên quan đến bệnh TCM. Các trường mầm non đã tuyệt đối tuân thủ việc giữ vệ sinh TCM cho các cháu. Đồ dùng ăn uống, đồ chơi của các cháu sau mỗi ngày đều được vệ sinh sạch sẽ và làm tốt khâu vệ sinh môi trường học tập; các cô giáo hướng dẫn cho trẻ khi về nhà tự biết cách giữ vệ sinh cá nhân.
Cô Đào Thị Hoa - Phó hiệu trưởng Trường mầm non xã Suối Giàng cho biết: “Ngành giáo dục đã quán triệt nghiêm túc việc phòng ngừa dịch bệnh, nhất là bệnh TCM nên nhà trường luôn ý thức sẽ là một mắt xích quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh trong cộng đồng”.
Ngày 5/9, Bộ Y tế cho biết, trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 2 - 4/9/2011), cả nước ghi nhận thêm 815 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 28 địa phương, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Tiền Giang. Đáng chú ý là trước đó, theo thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 26/8, cả nước mới chỉ ghi nhận 38.681 trường hợp mắc TCM tại 59 địa phương với 86 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tuần số ca mắc mới đã lên tới gần 4.000 trường hợp. |
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Mới đây, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đưa ra cảnh báo về sự biến đổi của dòng virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam và Trung Quốc. Dòng virus biến đổi là H5N1 - 2.3.2 có khả năng đề kháng với vaccine cúm hiện tại. Liệu sự đề kháng này có ảnh hưởng và tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 ở nước ta?
YBĐT - Với các hoạt động thiết thực, Công đoàn ngành giáo dục Yên Bái đã góp phần vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT của tỉnh.
YBĐT - Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, những năm qua tuy đã có nhiều cố gắng, song chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ qua đào tạo của huyện Trạm Tấu còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Sáng nay 6/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2011-2012 cùng thầy trò Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).