Nhà trẻ: Tìm những lối đi phù hợp
- Cập nhật: Thứ hai, 17/10/2011 | 3:01:16 PM
YBĐT - Ngày 23 tháng 6 năm 2006 Chính phủ ra Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015”, tỉnh Yên Bái cũng đã xây dựng chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa các mục tiêu và đề ra các giải pháp để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Cô và trò trường Mầm non Minh Huệ (thành phố Yên Bái) cùng chơi trò chơi. (Ảnh: H.O)
|
Lẽ dĩ nhiên lứa tuổi của trẻ mầm non được Bộ giáo dục và Đào tạo quy định là từ 3 tháng đến 5 tuổi, thế nhưng đến nay có bao nhiêu bà mẹ nói chung và bao nhiêu bà mẹ là nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nói riêng đang có con dưới 18 tháng tuổi được gửi con đến các điểm trông giữ trẻ (có cấp phép) để an tâm làm việc và cống hiến?
Cùng chia sẻ ...
Chị Trang là công chức, sau khi sinh con 4 tháng, chị tìm người trông con để tiếp tục đi làm, cho đến khi con chị được 12 tháng tuổi cũng là lúc chị phải thay đến người thứ 4 trông con với rất nhiều lý do từ phía người trông trẻ mà gia đình chị không thể giữ chân họ được.
Cuối cùng, giúp chị trông trẻ là một cô có ưu điểm hơn những người trước: nhà ở xa, có sức khỏe, chưa lập gia đình, không vướng bận nhưng lại chậm chạp và sợ bẩn ... Thế là chị Trang một lúc mấy “vai”: bà mẹ bận con mọn, bà chủ, người giúp việc, công chức nhà nước. Mỗi lần gặp chị mọi người chỉ biết nở một nụ cười chia sẻ.
Chị Phượng là công nhân một doanh nghiệp tư nhân, sau khi sinh em bé và hết thời gian nghỉ 4 tháng, chị đón bà ngoại ở quê lên. Không gì bằng bà trông cháu, đồng thời cũng đỡ lo một khoản kinh phí nuôi và trả công cho người giúp việc nhưng vì bà cũng chẳng yên tâm khi ở quê nhà còn có ông cháu và lũ trẻ bên nội, bên ngoại đang trông ngóng bà, thế là em bé của chị Phượng được 9 tháng đã phải xa mẹ để theo bà về quê.
Chị Hiền là công nhân vệ sinh môi trường, chồng là bộ đội đóng quân xa nhà, ông bà nội, ngoại hai bên đều ở mãi tận Thái Bình, công việc của chị mang tính đặc thù: buổi sáng đi làm từ 4h đến 8h, buổi chiều từ 15h chiều đến quá 21h đêm cho nên phí gửi con của chị cũng mang tính đặc thù và bằng hơn nửa tháng lương của chị...
Theo thống kê của Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Yên Bái số trẻ được sinh ra trong năm 2010 và 4 tháng đầu năm 2011 khoảng 16.500 cháu (nghĩa là đến hết tháng 9/2011 số trẻ này là từ 5 đến 18 tháng tuổi); đồng thời theo số liệu của Phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) hiện có 12,6% số trẻ ở độ (tuổi nhà trẻ/tổng số 39.120 cháu (khoảng 5.000 cháu) đang được chăm sóc và giáo dục ở 178 trường mầm non bao gồm cả công lập và tư thục. Vậy số còn lại khoảng 11.500 cháu đang được trông giữ ở đâu (trong số này tỷ lệ trẻ là con CNVCLĐ chiếm trên 20%) nếu không phải là ở nhà do ông bà trông giữ, chăm sóc hoặc có người giúp việc gia đình (số này rất ít bởi không phải ai cũng có khả năng để có được người giúp việc trong nhà).
Đã có những trường hợp người mẹ phải nghỉ tự túc để trông con, số trẻ rất đông còn lại được gửi vào các gia đình giữ trẻ thuê mang tính tự phát với phương châm “mạ nhờ nước - nước nhờ mạ” để người mẹ đi làm. Những nơi gửi trẻ này hầu hết không có đủ điều kiện, trang thiết bị phục vụ cho việc trông giữ trẻ, người trông giữ trẻ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, có chăng chỉ là chút kinh nghiệm nuôi con hoặc cháu của họ mà thôi.
Như chúng ta biết, đối với trẻ từ khi mới lọt lòng đến 3 tuổi là “giai đoạn vàng”, đặc điểm của lứa tuổi này có tốc độ phát triển của não bộ rất mạnh và sự tích lũy nền móng vững chắc cho quá trình phát triển thể chất của trẻ. Như vậy nỗi lo của các bà mẹ về sự ăn - ngủ - chơi - an nguy của con mình luôn thường trực trong suốt thời gian không ở bên con.
Bên cạnh đó, đông đảo nữ CNVCLĐ đang có con trong độ tuổi nhà trẻ (khoảng gần 2.500 người) là những trường hợp tuổi còn trẻ, ít năm công tác, tiền lương thu nhập chỉ ở mức bình quân từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng, chi phí cho gửi trẻ như hiện nay khoảng bằng 2/3 hoặc đúng bằng thu nhập của họ, vì vậy các bà mẹ là nữ CNVCLĐ đang rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ để họ không chỉ an tâm làm việc mà còn bớt đi những nhọc nhằn của cuộc sống.
Số trường mầm non trên địa bàn của tỉnh bao gồm cả công lập và tư thục hầu như chưa nơi nào nhận trẻ từ 5 tháng đến 18 tháng tuổi, chỉ có một số trường tư thục có nhận trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ nhưng với điều kiện trẻ đã đủ 24 tháng tuổi hoặc chí ít cũng phải trên 18 tháng tuổi mà phải là những trẻ có thể chất tương đối tốt.
Lý do để các trường mầm non chưa thể nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi hầu hết là do thiếu nhà, thiếu phòng, thiếu trang thiết bị chuyên dụng phù hợp, thiếu các điều kiện nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, thiếu y tế tại chỗ, lương của giáo viên mầm non rất thấp, chế độ đãi ngộ của giáo viên không thu hút và khuyến khích để họ yêu nghề, yêu trẻ. Tất cả những lý do này trong điều kiện hiện nay đang là những vấn đề chưa thể giải quyết một sớm một chiều.
Tìm những lối đi phù hợp
Những năm trước đây (rõ nhất là trong thời kỳ bao cấp), ngoài nhà trẻ công lập do hệ thống ngành giáo dục quản lý còn có các nhà trẻ do các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh lập ra và phối hợp với ngành chuyên môn quản lý. Các cô giáo có thể do đơn vị bố trí sắp xếp hoặc được tuyển dụng do ngành giáo dục trả lương nhưng mô hình đó ngày nay không còn do chúng ta chuyển đổi thực hiện nền kinh tế thị trường, các đơn vị doanh nghiệp không có qũy đất xây dựng nhà trẻ, cơ bản hơn là phải cắt giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm.
Trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ nhưng chưa thể thực hiện về giảm thuế ưu đãi theo quy định do thủ tục quá phức tạp.
Thiết nghĩ các bà mẹ là nữ CNVCLĐ đang có con gửi trẻ khi chưa được gửi con vào hệ thống trường mầm non được cấp phép rất cần có sự hỗ trợ của các đơn vị doanh nghiệp từ việc bố trí hợp lý và đầy đủ thời gian theo quy định để tạo điều kiện cho các bà mẹ nghỉ giờ cho con bú, nếu vì lý do khách quan nào đó không về cho con bú mà ở lại làm việc thì doanh nghiệp trả trợ cấp theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ cho họ; công đoàn cơ sở tham gia xây dựng quy chế hỗ trợ các bà mẹ kinh phí xăng xe đi lại do phải gửi con xa nơi làm việc hoặc tham gia với chuyên môn bố trí việc làm phù hợp đảm bảo cho người mẹ có thời gian tối thiểu chăm nuôi trẻ.
Tuy nhiên cũng phải làm rõ để những vấn đề ưu tiên cho lao động nữ nuôi con nhỏ không trở thành rào cản trong tuyển dụng lao động nữ vào các doanh nghiệp. Chính quyền địa phương có những quy định cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nữ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác nhà trẻ mẫu giáo và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, đồng thời cũng có xử phạt những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với người lao động trong vấn đề này.
Nhằm giảm tải cho các trường công và tư thục mà vẫn đảm bảo được tỷ lệ yêu cầu đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi trong lứa tuổi mầm non được đến trường chăm sóc nuôi dưỡng, cũng cần tính đến mô hình nhóm trẻ gia đình, cần xây dựng quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí cho nhóm trẻ gia đình và có sự quản lý về mọi mặt. Đồng thời tiến hành khảo sát rà soát đánh giá chất lượng về cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn của các nhóm trẻ gia đình tự phát có từ 3 trẻ trở lên đang hoạt động, kịp thời bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng chăm nuôi trẻ, hỗ trợ trang thiết bị, chuẩn hóa, hướng dẫn thực hiện đăng ký và cấp phép công nhận.
Những đề xuất trên có thể phần nào cải thiện tình hình thiếu nhà trẻ cho trẻ từ 5 tháng đến 18 tháng tuổi như hiện nay ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống tinh thần và vật chất của phụ nữ nói chung và nữ CNVCLĐ nói riêng, giúp đỡ phụ nữ hoàn thành vai trò của mình đối với gia đình và xã hội, động viên khuyến khích họ phát huy sức lực trí tuệ đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đó cũng là hành động thiết thực để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới mà chúng ta đã đề ra.
Bích Khang
Các tin khác
YBĐT - Ngày 17/10, Sở Tài nguyên & Môi trường Yên Bái phối hợp với Trung tâm Dữ liệu và Truyền thông phòng ngừa thiên tai thuộc Cục Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến vào Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011- 2015 tỉnh Yên Bái.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, lương công chức thấp đang bào mòn đạo đức nền công vụ quốc gia.
Theo báo nhanh của các địa phương, mưa lũ đã làm 7 người chết và mất tích, trong đó Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 3 người và Phú Yên 1 người.
YBĐT - PCR đi vào hoạt động tại Yên Bái đã đánh dấu một bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực y tế. Bằng kỹ thuật PCR, từ một lượng khuôn ADN rất nhỏ như: một giọt máu, một sợi tóc hay một tế bào... người ta có thể khuếch đại chính xác, trật tự một lượng lớn lên đến hàng triệu bản nhằm phục vụ cho các quá trình khảo sát trong phản ứng.