Kết quả từ công tác xã hội hoá y tế
- Cập nhật: Thứ hai, 24/10/2011 | 2:59:07 PM
YBĐT - Từ năm 2006, ngành y tế Yên Bái đã xây dựng Đề án xã hội hoá công tác y tế giai đoạn 2006- 2010, đồng thời phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng triển khai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cán bộ Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Ân (Yên Bình) khám bệnh cho nhân dân các xã trong vùng.
|
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ Y tế về xã hội hoá công tác y tế huy động mọi nguồn lực đầu tư vào nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, từ năm 2006, ngành y tế Yên Bái đã xây dựng Đề án xã hội hoá công tác y tế giai đoạn 2006- 2010, đồng thời phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng triển khai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thực hiện Đề án xã hội hoá công tác y tế, ngành Y tế Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh tới cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành thành viên. Hàng năm, công tác xã hội hoá y tế được giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho từng cơ sở y tế công lập; lồng ghép với các chương trình y tế quốc gia; xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác trên địa bàn; đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các bệnh viện tuyến trên đào tạo nguồn nhân lực, các dịch vụ y tế chất lượng cao được đa dạng hoá đã từng bước đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về xã hội hoá công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân được nâng lên.
Điển hình trong xã hội hoá công tác y tế trên địa bàn tỉnh là Bệnh viện Đa khoa hữu nghị 103 Yên Bái và Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An Yên Bái. Bệnh viện thành lập đi vào hoạt động từ năm 2008. Với quy mô 45 giường bệnh, tổng nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị trên 100 tỷ đồng, đây là một trong những cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động khá hiệu quả. Bệnh viện hiện có trên 100 cán bộ y bác sỹ và 7 khoa, phòng chuyên môn. Tất cả các khoa, phòng chuyên môn của Bệnh viện đều được đầu tư các máy móc, thiết bị, phương tiện hiện đại nên chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị của Bệnh viện đã không ngừng được nâng cao và trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân.
Ông Hà Trường Sơn, cư trú tại tổ 42, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nhận xét: “ Tôi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa hữu nghị 103 Yên Bái thấy tinh thần, thái độ phục vụ, của cán bộ Bệnh viện rất dễ chịu và yên tâm về kết quả khám, điều trị bệnh tại đây vì Bệnh viện có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị, máy móc hiện đại”.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày có từ 150 - 160 người đến khám bệnh và 60 - 70 bệnh nhân thường xuyên điều trị nội trú tại bệnh viện. 9 tháng đầu năm nay, Bệnh viện đã khám bệnh cho trên 21. 400 lượt người, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khám cho đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm y tế trên 11.700 lượt người, còn lại là khám dịch vụ theo yêu cầu. Bệnh viện đã điều trị nội trú cho trên 1.140 lượt bệnh nhân và ngoại trú hàng nghìn bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh viện còn khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu, giảm 10% viện phí cho hàng trăm trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 70 tuổi, các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng...
Cán bộ, y bác sĩ Trạm y tế phường Minh Tân, thành phố Yên Bái làm tốt việc tiêm chủng định kỳ hàng tháng cho trẻ em và phụ nữ mang thai trên địa bàn phường. (Trong ảnh: Chuẩn bị cơ số thuốc trước khi tiêm chủng tháng 10/2011).
Một điển hình trong xã hội hoá công tác y tế trên địa bàn tỉnh nữa là Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An Yên Bái. Phòng khám thành lập đi vào hoạt động từ tháng 10/2008 và đã đầu tư gần 10 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất trong khu vực hiện nay như: máy siêu âm mầu 4 chiều, 4 đầu dò, hệ thống máy xét nghiệm huyết học, sinh hoá tự động, máy nội soi tai, mũi họng, thực quản... thường xuyên phối hợp, liên kết, mời các giáo sư, bác sỹ có tay nghề kỹ thuật cao ở các bệnh viện Trung ương về khám bệnh phục vụ nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, Phòng khám đã khám bệnh và cấp thuốc điều trị cho trên 20.000 lượt bệnh nhân, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khám cho đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm y tế trên 8.000 lượt người, còn lại là khám dịch vụ theo yêu cầu. Chất lượng khám chẩn đoán, điều trị của Phòng khám được nâng lên, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh nhiệt tình chu đáo, không có những sai sót về chuyên môn.
Thông qua nhiều chương trình dự án và sự đóng góp của các tổ chức xã hội, nhân dân, 5 năm qua ngành đã huy động được hàng chục tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực y tế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 198 cơ sở được ngành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân, trong đó có một bệnh viện đa khoa, 9 phòng khám đa khoa, 41 phòng khám bệnh chuyên khoa nội - nhi, 12 phòng khám phụ sản kế hoạch hoá gia đình; 12 phòng khám mắt; 11 phòng chẩn trị y học cổ truyền và nhiều phòng khám chuyên khoa khác như: mắt, da liễu, siêu âm, nội, ngoại tổng hợp. Khi các cơ sở y tế ngoài công lập được đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trang thiết bị tốt, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tải cho hệ thống bệnh viện công lập. |
Đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 3 công ty cổ phần dược phẩm, 4 công ty TNHHDP, 38 nhà thuốc, 252 đại lý thuốc, 78 quầy thuốc và tủ thuốc của 178 xã, phường... đó cơ bản cung ứng đủ thuốc cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, không để tình trạng thiếu thuốc phục vụ cho người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hoá y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Đó là: nhận thức của một số cán bộ các cấp các ngành còn hạn chế, các cơ sở y tế công lập còn quen với cơ chế bao cấp , chưa mạnh dạn chuyển đổi sang cơ chế dịch vụ; ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thu nhập của đại đa số người dân còn thấp, nên khả năng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao còn hạn chế; tiến độ thực hiện còn chậm, chưa huy động được nhiều nguồn lực từ nhân dân, các tổ chức xã hội cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; sự tham gia của cộng đồng chưa nhiều, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng bệnh...
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới ngành y tế tiếp tục phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào phát triển lĩnh vực y tế, cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung phát triển nhanh và bền vững.
Trường Nguyễn
Các tin khác
YBĐT - Với sự nỗ lực của lực lượng công an xã Cường Thịnh, tình trạng mua bán trái phép chất ma tuý trên địa bàn không còn xảy ra như trước nữa, ANTT tự được ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển ổn định.
YBĐT - Hầu hết các trường đang phải “tự bơi” bằng cách bố trí cán bộ không có chuyên môn về y tế từ các bộ phận khác sang kiêm nhiệm công tác y tế nhà trường, do vậy hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh rất yếu và hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho học sinh.
YBĐT - Những năm qua, hoạt động tư pháp của huyện Yên Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) ở cơ sở, đăng ký và quản lý hộ tịch, đăng ký kết hôn, công tác hòa giải ở cơ sở… đi vào nề nếp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
YBĐT - Thiết thực hưởng ứng phong trào đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại cộng đồng dân cư, Thành Đoàn Yên Bái vừa cùng các cơ sở Đoàn tổ chức lắp đặt 15 hòm thư “Thanh niên tố giác tội phạm” tại các xã, phường và Nhà thiếu nhi tỉnh.