Bảo hiểm y tế cho học sinh sinh viên

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2011 | 2:49:43 PM

YBĐT - Bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên (BHYT HSSV) là chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mang tính cộng đồng sâu sắc nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho HSSV.

Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Đại Đồng (Yên Bình).
Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Đại Đồng (Yên Bình).

Từ ngày 1-1-2010, theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT và được Nhà nước hỗ trợ một phần mức phí.

Thông qua việc tham gia BHYT HSSV, chỉ tính riêng trong năm học 2010 - 2011 đã có trên 59.000 lượt học sinh được khám chữa bệnh và điều trị với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng, trong đó, điều trị đa tuyến 276 lượt người, chi phí trên 561 triệu đồng. Có nhiều trường hợp điều trị dài ngày với chi phí cao lên tới hàng trăm triệu đồng như em Phạm Ngọc Phương Thảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) bị tai nạn giao thông qua nhiều đợt điều trị đa tuyến em được quỹ BHYT chi trả trên 300 triệu đồng, em Đồng Thị Hiên Trường Tiểu học Bảo Ái (Yên Bình) bị bệnh tim bẩm sinh được quỹ BHYT chi trả 27,6 triệu đồng, em Vương Thị Khánh Linh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái) bị bệnh van hai lá do thấp được quỹ BHYT chi trả trên 20 triệu đồng, em Nguyễn Thu Hà Trường THPT Bán công Nguyễn Trãi (thị xã Nghĩa Lộ) được quỹ BHYT chi trả trên 14 triệu đồng... Có thể nói, nếu không có quỹ BHYT chi trả thì thật nan giải đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Lợi ích của việc tham gia BHYT là vậy nhưng trong thời gian qua có một số nguyên nhân cả về cơ chế,chính sách và tổ chức thực hiện dẫn đến tình trạng HSSV tham gia BHYT chưa đủ 100% theo luật định. Đến hết tháng 9/2011, mới có 41.599 em tham gia trong khi toàn tỉnh có trên 145.000 em.

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố, chỉ có 10 trường như: Trường THPT Nguyễn Huệ, THCS Lê Hồng Phong, các trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Kim Đồng... là có 100% học sinh tham gia. Còn lại đa số các trường học sinh không tham gia đầy đủ, trong đó rất nhiều trường có số lượng học sinh tham gia ít như: Hoàng Quốc Việt 389/810 học sinh, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề 28/234, THPT Phan Bội Châu 149/405, Tiểu học Tân Thịnh 117/239, PTCS Phúc Lộc 78/153...

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chỗ loại hình bảo hiểm tự nguyện chuyển sang loại hình bảo hiểm bắt buộc nên nhận thức và trách nhiệm ở một số trường học và phụ huynh chưa đầy đủ. Nhiều phụ huynh vẫn coi BHYT HSSV cũng như các loại hình bảo hiểm thương mại khác nên chưa nhiệt tình tham gia.

Mặc dù, Luật BHYT quy định HSSV là nhóm đối tượng thuộc trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc nhưng lại chưa hề có chế tài thực thi nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, mức phí BHYT học sinh hiện nay tương đối cao, 450.000đ/năm và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHYT ở mức tối thiểu là 50 % đối với học sinh thuộc hộ gia đình cận nghèo, 30% đối với số học sinh còn lại, đây là khó khăn đối với những hộ cận nghèo có nhiều con em đi học...

Ngoài ra, tỷ lệ chi hoa hồng cho công tác thu BHYT học sinh hiện nay chưa thật sự khuyến khích các trường thực hiện, trong khi vai trò của nhà trường, đội ngũ giáo viên trong việc tuyên truyền, vận động HSSV tham gia là rất quan trọng. Công tác chỉ đạo tại một số địa phương của các cấp ủy đảng, chính quyền về BHYT HSSV chưa thật sự sát sao, sự phối hợp giữa ngành BHXH và giáo dục chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo nhà trường cho rằng, BHYT HSSV là tự nguyện hoặc đánh đồng với các sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại khác.

Công tác bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT còn có một số hạn chế. Việc tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng chưa thật sự thuận lợi để khuyến khích tham gia BHYT. Công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHYT chưa thực sự đi vào chiều sâu, theo từng chủ đề và theo loại đối tượng để phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo luật định.

BHYT HSSV là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, đây chính là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.

Để chính sách BHYT cho HSSV thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể; ngành BHXH có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm chính; ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chính sách. Muốn học sinh, cha mẹ các em được tuyên truyền một cách hiệu quả nhất về chính sách BHYT phải thông qua nhà trường. Mặt khác, hoạt động của y tế nhà trường hiệu quả cũng là cách thúc đẩy học sinh tham gia BHYT.

 H.D

Các tin khác

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào rải rác. Vùng biển cần đề phòng lốc xoáy mạnh.

Liên bộ Tài chính - Văn hóa, Thể thao & Du lịch vừa ban hành Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL, quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.

Người dân nên phân loại rác thải ngay từ đầu để giúp việc xử lý rác dễ dàng hơn.

YBĐT - Hiện nay, rác thải từ các gia đình thường được để chung, việc này gây nhiều khó khăn trong quá trình phân loại rác. Bởi lẽ, nếu rác được phân loại ngay từ đầu sẽ giúp giảm bớt các công đoạn xử lý sau đó.

Sinh viên Trường Đại học CNTT Thái Nguyên trong lễ tốt nghiệp.

Chiều 26/10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo công bố Dự thảo Luật Giáo dục đại học. Tại cuộc họp, nội dung chính được đa số phóng viên quan tâm là Trao quyền tự chủ cho các trường Đại học. này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục