Vai trò già làng, trưởng dòng họ ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2011 | 9:14:32 AM
YBĐT - Là địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng thuốc phiện, di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép... Song, các già làng, trưởng bản đã cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể thường xuyên vận động con cháu yên tâm sản xuất, không vào rừng, không di cư theo lời một số phần tử xấu, gặp gỡ dụ dỗ.
Làm cầu về bản.
(Ảnh: Đức Hồng)
|
Là một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước, tuy nhiên trong 2 năm (2009 - 2010), kinh tế của huyện Mù Cang Chải luôn tăng trưởng khá (đạt 12,85%), quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững, tình hình chính trị ổn định, đại bộ phận nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể còn có một nguyên nhân hết sức quan trọng đó là những đóng góp của già làng, trưởng dòng họ ở vùng cao..
Là những người có uy tín trong cộng đồng người Mông, các già làng, trưởng dòng họ ở Mù Cang Chải đã đem ánh sáng nghị quyết của Đảng tác động tới tư tưởng và hành động của bà con người Mông nơi đây.
Đối với vùng cao, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống luôn được đặt lên hàng đầu, vì vậy các già làng, trưởng dòng họ ở Mù Cang Chải không chỉ vận động con cháu hăng hái lao động sản xuất, tích cực khai hoang mở mang diện tích ruộng lúa nước, ruộng cạn, khơi thông kênh mương tưới tiêu, thâm canh tăng vụ, áp dụng KH - KT vào sản xuất và chăn nuôi mà còn trực tiếp tham gia sản xuất tạo ra sản phẩm cho gia đình và xã hội. Tiêu biểu đó là các ông: Sùng A Ràng, Giàng A Chiu, Giàng Vàng Sở ở xã Khao Mang; Giàng A Sinh, Sùng A Vừ ở xã Hồ Bốn; Hảng A Sử, Hảng A Dơ, Giàng A Sầu ở xã La Pán Tẩn; Vàng Trở Già, Giàng A Vảng, Giàng A Sùng, Giàng Khoa Páo ở xã Lao Chải...
Thế mạnh của vùng cao là chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên do phong tục sản xuất cũ nên gia súc vùng cao thường thả rông, không được phòng bệnh nên thường bị bệnh và chết trong mùa rét. Được sự vận động của các ban ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền các già làng, trưởng dòng họ đã vận động con cháu làm chuồng nuôi nhốt gia súc để phòng chống rét, bệnh tật, đồng thời tận dụng nguồn phân bón sản xuất nông nghiệp và trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Tiêu biểu là gia đình ông Giàng Chứ Ly, Giàng Bla Di, Lý Dua Phổng ở xã La Pán Tẩn, ông Sùng Súa Hù xã Khao Mang, ông Sùng A Lu xã Lao Chải...
Đặc biệt, với tiềm năng từ thiên nhiên, nhiều già làng, trưởng dòng họ còn nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao như ông Thào Khua Kỷ, Thào Vảng Tủa xã Púng Luông mỗi năm có thu nhập vài chục triệu đồng từ nghề nuôi ong.
Với vai trò và uy tín của mình, các già làng và trưởng dòng họ ở Mù Cang Chải đã gương mẫu vận động con cái, cháu trong dòng họ và bà con trong bản tham gia làm đường giao thông, làm mương thuỷ lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong đó có nhiều già làng, trưởng dòng họ còn tự nguyện hiến đất ruộng, nương để làm đường, làm mương thuỷ lợi. Từ phong trào làm đường, đến nay 100% thôn bản của Mù Cang Chải đã có đường xe máy đi được trong mùa khô.
Từ việc vận động con cháu đến trường, đóng góp xây dựng trường lớp với hàng vạn ngày công lao động của các dòng họ, như: họ Giàng, họ Sùng, họ Lương, họ Hoàng, họ Lý, họ Thào, họ Vàng tại các xã Lao Chải, Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Khao Mang... đã góp phần quan trọng để sự nghiệp giáo dục vùng cao ngày càng phát triển. Cụ thể năm học 2008 - 2009 tổng số học sinh, học viên các cấp là 11.062 học sinh, học viên thì năm học 2010 - 2011 đã tăng lên là trên 12.000 học sinh, học viên; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học năm học 2008 - 2009 từ 4,9% xuống 1,3% năm học 2010-201.
Là địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng thuốc phiện, di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép... Song, các già làng, trưởng bản đã cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể thường xuyên vận động con cháu yên tâm sản xuất, không vào rừng, không di cư theo lời một số phần tử xấu, gặp gỡ dụ dỗ.
Đặc biệt nhiều già làng, trưởng dòng họ đã giúp cơ quan chức năng phát hiện, hoặc hiến kế giải quyết các vụ việc có liên quan đến tôn giáo, khiếu kiện tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, làm đường, thuỷ điện...
Ngoài ra các cụ còn hiến kế tham mưu cho xã quản lý đảng viên, tạo việc làm cho người nghiện sau cai, tham gia trồng và bảo vệ rừng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt Quy hoạch Phát triển chế biến thuỷ sản toàn quốc đến năm 2020.
YBĐT - Sáng ngày 28/10, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh Yên Bái tổ chức tổ chức hiến máu tình nguyện tại Trường Cao đẳng nghề Âu Lạc Yên Bái.
Ngày 28-10, trong khuôn khổ Chương trình homestay (Chương trình ở nhà dân) tại Nhật Bản, hơn 300 đại biểu tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á, được chia làm 11 nhóm, đã có chuyến hành trình thú vị đến các tỉnh, thành của Nhật Bản Tochigi, Niiagata, Ishikawa, Nagano, Nara, Okayama, Saga, Miyazaki, Kobe và Hakodae…
Bộ GD-ĐT vừa quy định giờ làm việc của giáo viên mầm non. Theo đó, giáo viên mầm non sẽ phải làm việc 42 tuần/năm.