Thầy cô - yếu tố quan trọng xây dựng trường bán trú
- Cập nhật: Thứ tư, 9/11/2011 | 2:48:14 PM
YBĐT - Ở Trường Mầm non xã Pá Hu còn xảy ra một chuyện hy hữu: khi mà cuộc sống của các cô đã rất khó khăn, trường vẫn phải tính toán chi thêm để ngoài gạo của bố mẹ, các cháu có thêm thức ăn, vậy mà một số phụ huynh còn đưa con đến học bán trú chỉ với mấy cân gạo rồi phó thác con mình cho thầy cô ở trường cả ngày lẫn đêm đến cả tuần.
Các thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng chăm lo, dạy dỗ các học sinh con em đồng bào vùng cao.
Ảnh: Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học và THCS xã Trạm Tấu.
|
Hiện nay, đã có 5/11 trường học ở huyện Trạm Tấu chuyển sang mô hình trường dân tộc bán trú theo đề án của huyện và tỉnh. Để thực hiện thành công đề án này, ngoài đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên các trường bán trú đã giữ vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ các em.
Cô giáo Đặng Thị Xá - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Bản Công cho biết: "Toàn trường đã đáp ứng được 306/371 học sinh có nhu cầu ở bán trú. Nhiều học sinh có nhà cách xa trường đến 10km, đường đến trường phải qua nhiều đèo cao, suối sâu. Bố mẹ do mải lo làm ăn nên ít có thời gian để chăm sóc sức khỏe và quan tâm tới tâm lý con em.
Đặc biệt, nhiều em khi trở về nhà vào dịp thứ bảy và chủ nhật thường không có điều kiện để ôn bài… Vì thế, khi các em ở bán trú, các thầy, cô giáo ngoài việc giảng dạy trên lớp còn tiếp tục dạy ngoài giờ cho học sinh yếu kém, duy trì sự giao lưu giữa giáo viên và học sinh nhằm trang bị thêm những hiểu biết về phong tục, tập quán cho chính mình và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời còn nêu cao tinh thần chủ động chăm sóc sức khỏe, nắm bắt tâm sinh lý các em như người cha, người mẹ, người anh chị của các em".
Được biết, để đảm bảo quy định giờ giấc học tập và nghỉ ngơi, trường phân công các tổ quản sinh 8 giáo viên/tối trực tối tại trường giúp các em ôn bài, tổ chức sinh hoạt tập thể, nhắc nhở các sinh hoạt cá nhân cũng như giờ giấc đi ngủ.
Thông qua việc quản lý học sinh, quản lý lớp, các thầy, các cô lại có thêm cơ hội để gần gũi các em, chia sẻ với các em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, cách ứng xử với thầy cô, bạn bè, nhắc nhở các em biết giúp đỡ gia đình và người thân trong cuộc sống hàng ngày. Sự nhiệt tình trong các giờ giảng trên lớp cũng như tình cảm ân cần ngoài giờ của thầy, cô giáo là niềm động viên tiếp thêm sức mạnh để các em vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, vơi đi nỗi nhớ nhà, tập trung học tập tốt hơn.
Hầu hết cán bộ giáo viên ở các trường bán trú tại huyện Trạm Tấu còn tham gia làm công tác nuôi dưỡng, đảm bảo những bữa ăn tốt nhất có thể cho học sinh. Do kinh phí hạn hẹp, có trường phải cắt cử giáo viên luân phiên làm cấp dưỡng. Trường nào hợp đồng người nấu cơm thì giáo viên tham gia chia khẩu phần ăn cho các cháu.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Trạm Tấu cho biết: "Từ đầu năm, trường duy trì cho học sinh ngày hai bữa ăn tập trung. Ngoài hợp đồng với một người dân địa phương nấu ăn hàng ngày, trường cử 2 giáo viên nấu thức ăn và cùng các học sinh lớp lớn chia cơm cho các em nhỏ hơn. Để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh, các giáo viên còn nuôi gà và nuôi lợn lấy thịt”.
Ngoài nuôi dạy các học sinh vùng cao, các thầy, cô giáo ở trường bán trú còn cùng với lãnh đạo địa phương vận động học sinh đến lớp, cùng với các phụ huynh tu sửa trường lớp. Thậm chí ở xã Làng Nhì, các thầy cô còn làm nhà tạm để có chỗ ở cho học sinh.
Ở Trường Mầm non xã Pá Hu còn xảy ra chuyện hy hữu: khi mà cuộc sống của các cô đã rất khó khăn, trường vẫn phải tính toán chi thêm để ngoài gạo của bố mẹ, các cháu có thêm thức ăn, vậy mà một số phụ huynh còn đưa con đến học bán trú chỉ với mấy cân gạo rồi phó thác con mình cho thầy cô ở trường cả ngày lẫn đêm đến cả tuần.
Bà Trần Thị Tuyết - Phó phòng giáo dục - đào tạo huyện cho biết: "Toàn ngành giáo dục Trạm Tấu hiện có 688 cán bộ giáo viên, trong đó gần 500 cán bộ giáo viên bậc tiểu học và THCS, số giáo viên làm công tác bán trú là 245 người. Các trường bán trú của huyện cũng mới đáp ứng được gần 50% số học sinh có nhu cầu bán trú.
Đề án xây dựng trường bán trú sẽ là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng giáo dục ở Trạm Tấu, song ngành giáo dục mong rằng cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhân viên phục vụ cũng cần được bổ sung và có chính sách thích đáng". Đó là mong muốn của ngành và những gì mà các thầy, cô đã và đang cống hiện vì các học sinh thân yêu trong nhiều năm qua sẽ là tiền đề, động lực để đề án xây dựng trường dân tộc bán trú ở Trạm Tấu đạt kết quả mong muốn.
Hoài Văn
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục - đào tạo, chính quyền các xã, thị trấn ở Trạm Tấu đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác giáo dục - đào tạo trên địa bàn huyện.
YBĐT - Sáng 9/11, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức thăm hỏi các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại thành phố Yên Bái.
Sáng 9-11, Bản Báo cáo Phát triển con người (NHDR) của Việt Nam năm 2011 đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức công bố tại Hà Nội.
YBĐT - Ngày 9/11, Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái đã phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VIII tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền các văn bản Quản lý nhà nước về lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và tần số vô tuyến điện.