Chợ quê Thác Bà
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2011 | 9:24:31 AM
YBĐT - Chợ quê - nét đặc thù của văn hoá dân tộc cần được lưu giữ và bảo tồn. Hy vọng rằng những phiên chợ quê vùng ven hồ Thác Bà cũng sẽ mãi giữ được những đặc trưng vốn có của mình, để ai đó đã tới một lần thì nhớ mãi không quên.
Rọ tôm như một đặc sản ở chợ quê Xuân Lai, huyện Yên Bình. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
Có tiền chợ Ngọc, chợ Ngà
Hết tiền về với chợ quê Thác Bà
Không biết có phải vì câu thơ mời gọi, chân chất, mộc mạc này hay không mà từ lâu các phiên chợ quê vùng ven hồ Thác Bà đã cuốn hút người dân trong vùng và du khách thập phương đến như vậy.
Đến với các chợ quê vùng ven hồ Thác Bà như: Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Cẩm Nhân… điều đầu tiên ai cũng dễ nhận ra nét đặc trưng riêng của vùng gần sông nước, đó là có rất nhiều các loại thuỷ sản (tôm, cua, cá, ốc…) với đủ các chủng loại khác nhau. Nào là cá thiểu gù, cá trắm đen, cá mè hoa, cá bống bạc, cá chày, tôm riu, tôm càng, ốc nhồi, ốc vặn…Tất cả đều được ngư dân và lái buôn mang đến các chợ từ sớm khi chúng vẫn còn tươi rói.
Do tính chất nuôi thả hoàn toàn tự nhiên nên các loại thuỷ sản đánh bắt từ hồ mang lên lúc nào cũng được người mua lựa chọn đầu tiên, đặc biệt là cá. Cá không chỉ là mặt hàng được bán chạy phổ biến ở các phiên chợ quê ven hồ Thác Bà mà còn xuất hiện nhiều ở các chợ lớn, các quán ăn, nhà hàng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Theo những người sành ăn thì cá ở hồ Thác Bà ăn thơm và chắc thịt. Vì thế nên nếu có thời gian thì nhiều khách xa ở các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ… cũng tìm đến để làm vài cân cá đặc sản hồ Thác Bà mang về, vừa để ăn vừa để chế biến thành các loại cá khô, cá nướng, mắm tép biếu người thân, bạn bè…
Cùng với các loại thuỷ sản, các phiên chợ quê vùng ven hồ Thác Bà cũng có đủ, các loại rau quả, thực phẩm, đồ vật. Hầu hết các sản phẩm này đều là “cây nhà lá vườn”. Có khi chỉ là vài mớ rau cải nương, vài tai chuối, vài quả bưởi, quả hồng, mấy chú gà, chú vịt, cân lạc khô, gói thuốc nam… song không vì thế mà chợ kém phần đông vui, nhộn nhịp. Khách đi chợ và người bán hàng phần lớn là người cùng làng hoặc ở các làng xung quanh nên đi từ đầu chợ đến cuối chợ, chỗ nào cũng có thể gặp người quen.
Đối với người dân quê thì đi chợ còn là một thú vui, là để gặp gỡ giao lưu, đi chơi, đi ngắm, đi thưởng thức chợ chứ không nhất thiết là phải mua sắm. Do đó mà lâu nay, các phiên chợ ở vùng ven hồ Thác Bà đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá và là chốn hò hẹn, nên duyên của nhiều đôi trai gái.
Cá là sản phẩm không thể thiếu trong các chợ quê ven hồ Thác Bà.
Chợ quê vùng ven hồ Thác Bà cũng có phiên chính, phiên phụ và vài ngày lại có một phiên. Các chợ phiên gần nhau thường được sắp xếp lịch không trùng ngày để bà con thuận tiện giao lưu, buôn bán. Chợ thường họp bắt đầu từ 4- 5 giờ sáng và đến khoảng 9- 10 giờ trưa thì tan. Nếp giờ này sở dĩ không giống với các chợ ở thành phố, thị xã là do người dân quê có thói quen đi làm sớm. Nên nếu vào ngày mùa thì đại đa số người đi chợ chỉ nhoáng nhoàng ra mua chút thức ăn mặn cho cả ngày rồi về luôn, chứ không cà kê trò chuyện như những lúc nông nhàn.
Ngày nay, trong xu thế phát triển chung của thời đại, các phiên chợ quê vùng ven hồ Thác Bà tuy vẫn giữ được nét xưa của riêng mình nhưng cũng đã có những đổi thay nhất định.
Nếu như trước đây, chợ thường được họp ở cạnh gốc đa, sân đình, cổng làng thì nay chợ đã có một không gian riêng và hàng hoá cũng phong phú, đa đạng hơn. Nghe các bà, các cô hay đi chợ kể lại, thì chỉ cách đây mấy năm về trước, nếu muốn mua mấy thứ đồ gọi là đắt tiền một chút như cái quạt điện, chiếc tivi, cái áo khoác đẹp… cũng phải mất cả buổi đi ca nô ra chợ huyện, chợ thành phố thì nay những mặt hàng này cũng được thương nhân mang đến tận nơi.
Chợ quê - nét đặc thù của văn hoá dân tộc cần được lưu giữ và bảo tồn. Hy vọng rằng những phiên chợ quê vùng ven hồ Thác Bà cũng sẽ mãi giữ được những đặc trưng vốn có của mình, để ai đó đã tới một lần thì nhớ mãi không quên.
H.O
Các tin khác
YBĐT - Có thể nói, từ khi được thành lập đến nay, Phòng ĐTKHCN - QHQT Trường CĐSP Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình, đóng góp vào những thành tích của nhà trường suốt 50 năm qua.
YBĐT - 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh nhà.
Ngày 10/11, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam ký kết hai hiệp định cho vay với tổng trị giá 190 triệu USD cho việc phát triển trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).
YBĐT - Ngày 10/11 Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái đã tổ chức tập huấn cho 50 người là lãnh đạo, cán bộ các bệnh viện đa khoa, trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, chi cục dân số kế hoạch hoá gia đình, trung tâm phòng chống bệnh xã hội, phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh .