Yên Bái: Khó khăn trong phát triển tổ chức hội phụ nữ ở các doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2011 | 9:17:07 AM
YBĐT - Nhiều năm nay, vấn đề phát triển tổ chức hội phụ nữ tại các doanh nghiệp luôn được cán bộ các cấp Hội phụ nữ Yên Bái chú trọng, song kết quả đạt được không cao, nếu không muốn nói là rất thấp.
Trong khi các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong phát triển tổ chức hội phụ nữ thì ở các xã phường công tác hội rất phát triển và ổn định. (Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ của Hội phụ nữ phố Tân Trung 2, phường Minh Tân trong ngày hội toàn dân đoàn kết)
|
“Đã có ban nữ công của công đoàn rồi thì cần gì thành lập Hội phụ nữ” - đó là câu trả lời của hầu hết những doanh nghiệp mà chúng tôi đến vận động thành lập tổ hội phụ nữ” - chị Nguyễn Thị Minh Hường - Trưởng ban Tổ chức tỉnh Hội phụ nữ tâm sự.
Nhiều năm nay, vấn đề phát triển tổ chức hội phụ nữ tại các doanh nghiệp luôn được cán bộ các cấp Hội phụ nữ Yên Bái chú trọng, song kết quả đạt được không cao, nếu không muốn nói là rất thấp. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đến tháng 6/2010, toàn tỉnh có 1.149 doanh nghiệp với 27.400 lao động, trong đó, lao động nữ chiếm trên 35%. Thế nhưng hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 4 doanh nghiệp có tổ chức hội phụ nữ hoạt động. Đó là: Nhà máy Giấy Trấn Yên, Lâm trường Lục Yên, Lâm trường Trạm Tấu, Bưu điện huyện Văn Chấn - con số quá khiêm tốn đối với số lượng trên 1 nghìn doanh nghiệp.
Chị Hường đã rất nhiều lần cùng với cán bộ cơ sở đi đến gõ cửa các doanh nghiệp để vận động thành lập tổ chức hội, chị cho biết: “Có những doanh nghiệp, lãnh đạo trốn không gặp hoặc phải hẹn và đi lại nhiều lần. Khi gặp được thì họ từ chối với lý do đã có tổ chức công đoàn, nữ công nhân làm ca làm kíp không có thời gian để tập hợp sinh hoạt...
Nhiều nơi còn nói phụ nữ và công đoàn “tranh nhau” tổ phụ nữ”. Năm 2009, Hội Phụ nữ thành phố và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp vận động doanh nghiệp Hồng Nhung (thành phố Yên Bái) thành lập chi hội phụ nữ. Ban đầu được lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ, các thủ tục đã được hoàn thành nhưng đến ngày ra mắt thì lãnh đạo doanh nghiệp lại thay đổi không đồng ý với lý do: “Đã có ban nữ công của tổ chức công đoàn rồi nên không nhất thiết phải có hội phụ nữ”.
Giống như doanh nghiệp Hồng Nhung, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, hoạt động các đoàn thể sẽ mất rất nhiều thời gian và đã có ban nữ công của công đoàn thì không cần thiết phải có hội phụ nữ. Tổ chức hội phụ nữ và ban nữ công của công đoàn đều có một điểm chung là bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.
Tuy nhiên, hoạt động của 2 tổ chức này là hoàn toàn khác nhau, hình thức sinh hoạt cũng khác nhau. Tham gia hội phụ nữ, ngoài việc được tuyên truyền chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hội viên phụ nữ còn được hoạt động theo 6 chương trình nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Ngoài ra, chị em còn được tham gia các hoạt động tập huấn chăm sóc sức khỏe, giáo dục giới tính, giới thiệu đảng viên nữ, cán bộ nữ, được học tập bồi dưỡng tay nghề.
“Xác định là khó nhưng vẫn phải làm!” - quyết tâm đó của cán bộ hội phụ nữ các cấp đã được cụ thể hóa bằng hành động. Trong đại hội hội phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố, Hội Phụ nữ tỉnh đã yêu cầu đưa vào chỉ tiêu nhiệm kỳ cụ thể ít nhất phát triển được 2 - 3 tổ chức hội tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành được chỉ tiêu này cần có sự chỉ đạo chung, đồng bộ của các cấp ủy, sự vào cuộc phối hợp tốt hơn nữa, của các đoàn thể.
Chị Nguyễn Thị Minh Hường - Trưởng ban Tổ chức Hội Phụ nữ tỉnh đề xuất: “Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp cần có tiêu chuẩn phải có tổ chức đoàn thể. Đó cũng là một tiêu chuẩn để xét thưởng thi đua”. Có lẽ như thế các doanh nghiệp sẽ thực sự quan tâm đến tổ chức hội phụ nữ và khi đó quyền lợi của nữ công nhân lao động không chỉ được bảo vệ mà còn được phát huy.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Nhân dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngành giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thi cán bộ công đoàn giỏi lần thứ nhất -2011.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Ngày 16-11, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 2051/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.
YBĐT - Năm 2004, gia đình chị Lê Thị Thùy Linh (tổ 34, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) thuộc diện hộ nghèo nhưng đến nay không những gia đình chị đã thoát nghèo mà còn đang vươn lên làm giàu.