Chỗ dựa của người bệnh

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2012 | 9:21:25 AM

YBĐT - Là chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, bảo hiểm y tế luôn được xem là chỗ dựa của người bệnh.

Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Chạy thận nhan tạo, Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái được hưởng các chế độ BHYT.
Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Chạy thận nhan tạo, Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái được hưởng các chế độ BHYT.

Với chi phí hỗ trợ thấp nhất là 80% chi phí điều trị bệnh theo Luật BHYT hiện nay, đối với những người bị bệnh mãn tính như: ung thư, chạy thận nhân tạo hay bệnh nhân nghèo... thì sự hỗ trợ đó là không nhỏ và càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Tại Trung tâm Chạy thận nhân tạo thuộc Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái,  chúng tôi  đã trò chuyện với một số bệnh nhân đang được điều trị tại đây và hầu hết trong số họ đều thừa nhận giá trị của tấm thẻ BHYT. Họ nói, nếu không có BHYT thì không biết có còn được sống đến hôm nay không. Anh Hoàng Văn Sơn, 35 tuổi ở thôn Lạng, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn lấy vợ năm 2005, có một cháu 5 tuổi, nhà thuộc diện hộ nghèo.

 Năm 2008 anh phát hiện ra bệnh và đã ở giai đoạn mãn. Lúc biết chồng bị bệnh, vợ anh đã bỏ đi, anh phải gửi con cho ông bà nội, bán hết nhà cửa, đất đai ra thành phố chữa bệnh. Hiện nay, anh Sơn vừa phải tự đi làm kiếm sống và lấy tiền chạy thận 3 lần/tuần.

Anh Sơn tâm sự: “Tôi chạy thận được 3 năm rồi, cũng may mà có tấm thẻ BHYT thuộc hộ nghèo, tôi chỉ phải đóng 5% chi phí nên mới trụ được đến ngày hôm nay chứ nếu không thì “xanh cỏ” từ lâu rồi. Chị bảo giờ sức khỏe của tôi yếu thế thì làm được gì chỉ đi bới rác nhặt đồng nát, ai thương tình thì cho mấy đồng thôi. Mỗi tháng tôi tằn tiện lắm cũng mất đến 2 triệu đồng chi phí sinh hoạt”.

Cạnh giường anh Sơn là anh Đặng Văn Nhất, 38 tuổi ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cũng đã chạy thận tại Trung tâm được hơn 1 năm. Vì mắc bệnh hiểm nghèo nên đất đai, của cải, đồ đạc trong nhà cùng dần ra đi, đứa con lớn của anh cũng chỉ được học hết lớp 9 phải ở nhà đi làm thuê cùng mẹ lấy tiền chữa bệnh cho bố. Anh Nhất chi phí tốn kém hơn do thẻ BHYT của anh không thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo nên mỗi ca chạy anh phải cùng chi trả 20%. 

“Mặc dù đã có BHYT chi trả cho một ca chạy thận là 400 nghìn đồng nhưng người phải chạy thận như chúng tôi gia đình có giàu mấy thì cũng thành nghèo. Nay phải chi trả thêm cũng là vấn đề mà những người chạy thận như chúng tôi rất lo. Với những người chữa một lần khỏi hẳn thì số tiền cùng chi trả đó chẳng đáng là bao nhưng chúng tôi phải điều trị lâu dài, cố định số tiền như vậy thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Bây giờ mỗi tháng chi phí cho chữa bệnh và đi lại của tôi cũng mất 3-4 triệu đồng”- anh Nhất tâm sự.

Có thể nói, chiếc thẻ BHYT thực sự là chỗ dựa cho những người bệnh  đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách xã hội. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như: ung thư, tiểu đường, chạy thận nhân tạo... đã được hưởng quyền lợi từ quỹ BHYT; người nghèo được khám, chữa bệnh kịp thời và được hưởng các dịch vụ y tế, giúp giảm gánh nặng về tài chính. Nhờ vậy, số người tham gia BHYT tăng dần qua các năm.

Hiện nay, số người tham gia BHYT chiếm 83% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, việc theo dõi, kiểm tra thực hiện khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh được  BHXH tỉnh thực hiện chặt chẽ. Công tác quản lý, giám định BHYT và sử dụng quỹ BHYT đạt hiệu quả, không để xảy ra trường hợp khiếu kiện về quyền lợi của đối tượng có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Hiện nay, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với gần 200 cơ sở khám chữa bệnh với khoảng 1 triệu lượt người khám chữa bệnh hàng năm. Trong 11 tháng năm 2011, có trên 1.200 lượt bệnh nhân khám và điều trị với chi phí trên 192 tỷ đồng.

Để tạo lòng tin cho người dân tham gia BHYT, thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều việc làm ý nghĩa, đáp ứng sự trông đợi của người bệnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng quá tải ở các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã giảm đáng kể.

Một trong những nguyên nhân trên là ngoài việc tất cả các trạm y tế đều có bác sỹ phục vụ; việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị cùng với việc rút ngắn quy trình, thủ tục trong khám chữa bệnh BHYT theo Luật BHYT đã góp phần không nhỏ đến việc giảm tải bệnh nhân tại các bệnh viện. Cụ thể theo Luật BHYT, khi khám - chữa bệnh tại tuyến xã, người bệnh sẽ được chi trả 100% chi phí điều trị (chi phí cho một lần khám không vượt quá 15% mức lương tối thiểu) và ở các bệnh viện huyện thì chi trả từ 5 đến 20%. Do vậy, với những trường hợp bệnh thông thường, người bệnh thường chọn điều trị tại trạm y tế xã.

 Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể trong thực hiện BHYT, song để BHYT thực sự là chỗ dựa của những người bệnh và nhất là mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014 được tỉnh đặt ra thì vẫn còn không ít những khó khăn cần được tập trung giải quyết. Trên thực tế, ngoài đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và BHYT trong diện ưu tiên, số lượng người tham gia BHYT tự nguyện còn thấp, nhất là ở khu vực nông thôn, đối tượng cận nghèo, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia BHYT cho người lao động theo quy định.

Ngoài ra, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia BHYT, vẫn còn tình trạng chỉ mua BHYT khi đã biết mình mắc bệnh… Chính vì vậy, để chính sách BHYT thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội và là cứu cánh của những người bệnh thì nhất thiết cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa của các cấp, ngành trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được lợi ích của BHYT để tự giác tham gia.

 Hồng Duyên

Các tin khác

YBĐT - Việc thành lập các đội TNTN thắp sáng niềm tin là một việc làm thiết thực, góp phần nâng cao tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy, HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên có thêm hiểu biết về các biện pháp phòng ngừa, tránh sa ngã vào con đường vi phạm pháp luật.

Tính đến cuối tháng 12-2011, cả nước đã có tổng số 88.299 người được đi xuất khẩu lao động, đạt 101,5% so với chỉ tiêu Chính phủ giao.

Năm 2012, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục sẽ tăng 5,4% so với năm cũ 2011 và đạt gần 5.800 tỷ đồng. Riêng dự toán chi thường xuyên sẽ là 4.832.530 triệu đồng, tăng hơn 15% so với năm 2011.

Sapa có thể lại xuất hiện băng tuyết như màu đông năm ngoái.

Từ đêm qua 3/1, miền Bắc trong đó có Hà Nội chìm sâu trong giá rét dưới 10 độ C. Trong những ngày tới, Hà Nội bước vào đợt rét đậm, rét hại kỷ lục trong năm, với nền nhiệt thấp nhất 9-12 độ C; vùng núi dưới 0 độ, có thể có băng tuyết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục