Khi nông dân thành đầu bếp
- Cập nhật: Thứ tư, 7/3/2012 | 3:36:20 PM
YBĐT - Ở Chi hội Phụ nữ thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), chị em hội viên đã chọn nghề học nấu ăn nâng cao tay nghề để có nguồn thu phụ giúp gia đình và bằng đức tính hay lam hay làm của phụ nữ nông thôn họ đã khẳng định được sự khéo léo của mình như những đầu bếp thực thụ.
Những phụ nữ “ba đảm đang” trên đồi chè xuân.
(Ảnh: Hà Linh)
|
Chiều tháng 3 mặc cho cái rét nàng Bân cắt da cắt thịt, chị Nguyễn Thị Mậu - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Thôn Minh Thành và chị Hoàng Thị Chấn, hội viên vẫn cọ rửa mấy chiếc nồi to cùng dao thớt để chuẩn bị cho ngày hôm sau đi nấu ăn cho một tổ chức hội đồng hương.
Chị Mậu phấn khởi cho biết: “Đây là lần thứ 2 các chị nấu ăn cho hội đồng hương này, lần trước là vừa vào dịp tổng kết cuối năm. Như thế là lần trước mình làm vừa ý họ. Tôi đùa: “Các chị tay cấy, tay hái, tay trồng rau mà cũng biết nấu ăn ngon nhỉ”. Chị Mậu kể: Trước đây mấy chị em trong thôn thường đi giúp các đám hiếu, đám hỉ trong xã, đầu tiên là học cách nấu của mấy thợ nấu ăn thành phố mà các đám thuê về, sau đó chị em tự mầy mò nấu lấy. Đầu tiên chị làm giúp các đám trong làng, sau này họ thấy mình nhiệt tình giúp đỡ họ trả công, mấy đám như thế tự nhiên mình nảy ra ý nghĩ lập 1 đội chuyên nấu ăn cho các đám hiếu, hỉ trong làng”.
Tâm sự với chị tôi, còn được biết, để nâng cao tay nghề nấu bếp, bản thân chị Mậu cũng phải bỏ chút vốn liếng vào các nhà hàng để thưởng thức các món ăn ngon, và học cách trình bày cỗ của họ. Bên cạnh đó, chị cũng dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu và học cách làm cỗ của các nhà hàng. Bằng năng khiếu bẩm sinh chị nấu khá thành thạo các món ăn thường để làm cỗ. Rồi bằng kinh nghiệm của mình, chị truyền đạt lại cho các chị em trong chi hội. Vậy là từ năm 2007 đến nay, tổ nấu ăn của chị gồm 3 thành viên chính (nhiều thành viên phụ tùy thuộc vào số lượng ít hay nhiều của cỗ) đã nấu cho hàng trăm đám hiếu, đám hỉ trong làng.
Chị Hoàng Thị Chấn, thành viên của tổ nấu ăn tâm sự: “Khi mới thành lập, chúng tôi cũng sợ nấu không đạt chất lượng nên chỉ nhận những đám có số lượng từ 30 mâm trở xuống và vừa làm vừa giúp những đám quanh thôn, sau đó thấy mọi người mời nhiều chúng tôi mới mạnh dạn nhận những đám có số lượng 70 mâm”. Tiếng lành đồn xa, không phải mất kinh phí quảng cáo, tổ nấu ăn của chị Mậu bắt đầu “ chiếm lĩnh” thị trường cỗ cưới, hỏi các đám hiếu trong xã và giờ đây còn vươn ra cả các xã, phường trong thành phố, tỉnh nơi xa nhất là xã Hưng Khánh của huyện Trấn Yên.
Bà Chu Thanh Bình - người dân thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc cho biết: “ Nhà tôi có 2 cô con gái đi lấy chồng, cả hai đám cưới của chúng nó đều mời tổ nấu ăn của hội phụ nữ thôn làm cỗ cưới. Các chị không chỉ làm cỗ cho gia đình mà còn lên giúp thực đơn và tính toán cẩn thận để không thừa, không thiếu khiến chúng tôi rất yên tâm”.
Cô Nguyễn Thị Đông, thôn Minh Đức, xã Tuy Lộc chia sẻ: “Cô con gái đầu đi lấy chồng, gia đình tôi tự lo chuyện cỗ bàn, cả bố mẹ anh em cô bác đều mệt. Cưới đứa thứ 2 này, tôi đã nhờ tổ nấu ăn của hội phụ nữ thôn làm giúp. Trước khi đám cưới diễn ra một tuần, các chị đã giúp gia đình lên thực đơn, tính toán số lượng khách và chuẩn bị cho cỗ cưới nên gia đình đỡ mệt hơn rất nhiều”.
Bằng tình làng nghĩa xóm, các chị trong tổ nấu ăn của Chi hội Phụ nữ thôn Minh Thành không chỉ chu đáo trong chất lượng các mâm cỗ để khẳng định tay nghề và uy tín mà còn nhiệt tình giúp đỡ các gia đình có đám hiếu, đám hỷ từ lúc lên thực đơn đến thu dọn “chiến trường” khi kết thúc, chia vui với những gia đình dựng vợ gả chồng cho con, chia buồn với những tang gia bối rối, nhờ vậy tình làng nghĩa xóm cũng được vun đắp thêm.
Chị Nguyễn Thị Hòa - thành viên của tổ nấu ăn cho biết: “Tham gia nấu ăn, tôi thấy rất vui vì không chỉ phục vụ bà con lối xóm mà quan trọng là nấu được những món ăn ngon động viên các thành viên trong gia đình sau một ngày lao động mệt nhọc”. Chị Mậu cho biết thêm: “ Những đám cưới trong làng chúng tôi lấy công 35.000đ/mâm cỗ, xa hơn chúng tôi lấy 40.000 đ/mâm. Tháng nhiều cũng làm được cho 4 - 5 đám, tháng ít cũng được 2 đám. Vì vậy, cũng giúp chị em có thêm thu nhập”. Giờ đây không chỉ đám hiếu, đám hỷ mà các hội đồng hương, các buổi gặp mặt, các lễ tổng kết… họ đã mời các chị đến như biết đến một “đầu bếp làng” thực thụ.
Chị Chu Thị Hương - thôn Bái Dương xã Tuy Lộc khẳng định : “Các cô trong tổ nấu ăn của Chi hội Phụ nữ thôn Minh Thành không chỉ nấu ăn ngon, mà còn rất sạch sẽ. Đám cưới nào mà các cô nấu chúng tôi cũng ăn no rồi mới về…”.
Có lẽ cách làm của những người phụ nữ trong Chi hội Phụ nữ thôn Minh Thành chưa thể làm giàu nhưng họ đã tìm cho mình một cách làm mới hay và hiệu quả, không chỉ giúp chị em rèn luyện khả năng nữ công gia chánh mà còn giúp cho hoạt động hội thêm hấp dẫn, hiệu quả.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng lên. Phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ tỉnh Yên Bái hăng hái thi đua hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, từ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Sáng nay, 7-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã chủ trì Lễ công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.
YBĐT - Sau hơn 5 tháng tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu cách xây dựng phần mềm trên các trang báo mạng điện tử, sưu tầm vốn từ tiếng Mông trong các tài liệu và khảo sát thực tiễn, nhóm nghiên cứu (gồm 5 thành viên) thuộc Đội Viễn thông tin học - Văn phòng Hồ sơ Công an tỉnh Yên Bái đã hoàn thiện và bước đầu đưa ứng dụng phần mềm Từ điển Việt - Mông áp dụng vào thực tiễn.
YBĐT - Tháng Thanh niên năm 2012 của Huyện đoàn Trấn Yên (Yên Bái) tập trung chủ đề “Tuổi trẻ Trấn Yên chung tay xây dựng nông thôn mới” với phương châm “Mỗi thanh niên một việc làm, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”.