Hồng Ca chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/5/2012 | 11:17:34 AM

YBĐT - Trong những năm qua, tình hình biến đổi trạng thái thời tiết trên địa bàn xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên(Yên Bái) có những diễn biến phức tạp. Rét đậm rét hại liên tục xảy ra, tiếp đó là các đợt nắng nóng đột biến trên diện rộng rồi hạn hán, mưa lũ...

Khoảng hai thập kỷ trở lại đây, diễn biến thời tiết tại xã Hồng Ca diễn ra rất phức tạp, thể hiện ở sự chuyển mùa đột ngột, mùa hè mưa thường kéo dài hơn, hay gây lũ cục bộ, lốc xoáy nhỏ xảy ra tại nhiều nơi, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn.

Trong mùa đông, hiện tượng nước ngầm, khe suối giảm tới 50% so với trước và thời gian hạn hán kéo dài tới 5 tháng mỗi năm.

Địa hình của xã bị chia đôi bởi con suối Mường Hồng. Thường ngày, dòng suối chảy hiền hòa và có năng lực tưới tiêu cho 226ha lúa hai vụ của hơn 1.300 hộ sinh sống nơi đây. Mùa mưa đến, con suối trở nên rất hung dữ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Hàng năm, con suối này gây ra trên dưới 10 lần lũ ống, trong đó có 3 - 4 lần lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hồng Ca còn chịu nhiều tác động của thiên tai như: lốc xoáy, sạt lở, hạn hán...

Ông Hà Ngọc Toanh - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Ngay từ đầu năm, xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn xã đến các thôn, bảo đảm 100% các thôn đều có tổ phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân chủ động phòng tránh và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ”.

Thực tế cho thấy, đối phó với thiên tai đã xảy ra là nhiệm vụ trước mắt nhưng về lâu dài rất cần sự thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu của nhân dân. Việc này, xã Hồng Ca đã và đang triển khai có hiệu quả với sự góp sức tích cực của cả cộng đồng và hệ thống chính trị.

Một năm trước đây, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã triển khai Dự án phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai tại 5 trường tiểu học của huyện Trấn Yên, trong đó có 2 trường tiểu học của Hồng Ca. Nhờ đó, trẻ em ở đây đã hiểu và nắm vững những kiến thức về phòng ngừa thiên tai, sự biến đổi khí hậu, cách sơ cấp cứu...

Tổ chức này còn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trường như: sân chơi, bể nước, mái nhà. Do ảnh hưởng của thiên tai nên tại Trường Tiểu học số 2 Hồng Ca đã xảy ra hiện tượng sạt lở ta-luy với khối lượng lớn.

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuân - Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trước tình hình sạt lở đất, nhà trường đã lập phương án vừa bảo đảm chương trình dạy học vừa bảo đảm an toàn cho các thầy cô giáo và học sinh. Ngoài ra, chúng tôi đã lồng gắn dạy kiến thức văn hóa với kiến thức bảo vệ môi trường, kiến thức phòng chống thiên tai cho học sinh”.

Trước kia, đồng bào Mông thường nay đây mai đó thì nay họ đã xuống núi để định cư, biết trồng lúa nước và sống quần tụ thành các làng bản như những dân tộc khác. Anh Hờ A Tính ở thôn Hồng Lâu chia sẻ: “Sự thay đổi này bắt nguồn từ việc cạn kiệt tài nguyên rừng, tài nguyên nước và một bộ phận người dân đã ý thức rõ về sự biến đổi khí hậu. Đến nay, xã Hồng Ca đã tập hợp được 1.600 khẩu người Mông sinh sống tập trung tại 4 bản”.

Một điều dễ nhận thấy nhất về sự biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hồng Ca là trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. Với đặc điểm mưa nhiều, thời gian cây quang hợp ánh sáng ít nên các loại cây ăn quả thường không kết trái. Do đó, nhân dân phải chuyển đổi diện tích cây ăn quả sang trồng những cây thu hoạch lá như cây chè, những cây cho thu hoạch củ như cây tre măng Bát Độ, cây cho thân như các loại cây nguyên liệu giấy.

Cũng bởi nguyên nhân này nên thời gian gần đây, hiện tượng cục bộ sâu ăn lá trên cây bồ đề, sâu đục thân trên cây quế thường xuyên xảy ra. Đối với cây lúa, nông dân phải cấy trước khung lịch thời vụ 5 - 7 ngày, thu hoạch muộn hơn 10 - 15 ngày và phải phun thuốc bảo vệ thực vật gấp 3 lần các nơi khác.

Hàng năm, xã phải huy động hơn 20.000 công lao động để tu sửa toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn. Những trục đường chính, những đoạn xung yếu, địa phương tranh thủ các nguồn đầu tư để cứng hóa; các cầu, cống qua đường cơ bản được cứng hóa và được xây dựng theo đặc điểm địa hình, thoát nước nhanh chóng; các công trình khác được xây dựng trên cơ sở không chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Các công trình của người dân cũng được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm của cha ông để lại và kinh nghiệm sau mỗi lần thiên tai xảy ra như: nhà ở làm xa nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ấm về mùa đông, mát về mùa hè...

Hồng Ca đã xác định rõ mối nguy hiểm cũng như chủ động thích ứng, giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước những rủi ro, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.

Thanh Hùng

Các tin khác

Chiều tối và đêm nay, thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa dông do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh.

Ngày 4-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Phú Thọ, sớm hơn dự kiến 3 năm.

Đó là một phần nội dung trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 13/2010/TT-BNV quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức mà Bộ Nội vụ đang xây dựng.

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đã phát động phong trào "Bảo vệ sự sống: Vệ sinh tay trong cơ sở khám, chữa bệnh (KCB)".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục