Bảo tồn đa dạng sinh học: Nâng cao trách nhiệm cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/5/2012 | 9:34:45 AM

YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi cửa ngõ Tây Bắc, nơi có khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều nên độ ẩm cao. Địa hình, thời tiết như vậy đã tạo cho Yên Bái nhiều kiểu rừng rừng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới núi cao với hệ động thực vật vô cùng phong phú.

Loài Voọc xám cần được bảo tồn.
Loài Voọc xám cần được bảo tồn.

Tuy nhiên, Yên Bái cũng như rất nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang bị suy thoái đa dạng sinh học do hai nguyên nhân chính là: hiểm hoạ của tự nhiên (núi lửa, động đất...) và do con người, trong đó con người là chủ yếu. Con người làm mất nơi sống của các loài sinh vật, cháy rừng, khai thác lâm sản quá mức làm cho rừng tự nhiên bị chia cắt nhỏ và thu hẹp; nạn du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy; ô nhiễm nước do nguồn nước thải công nghiệp.

Trước tình hình thực tế, UBND tỉnh Yên Bái giao cho Chi cục Kiểm lâm làm chủ các dự án bảo tồn cho 2 KBT loài, sinh cảnh Mù Cang Chải, KBT thiên nhiên Nà Hẩu và một số địa điểm có hệ sinh thái, hệ động thực vật đa dạng và phong phú để tiến hành xây dựng thành KBT.

KBT loài, sinh cảnh Mù Cang Chải được thành lập theo Quyết định số 513/QĐ-UB ngày 09/10/2006 của UBND tỉnh Yên Bái. Tổng diện tích của KBT là 20.293,3 ha và có vùng đệm rộng 94.325,2 ha. Nơi đây có hệ động vật, thực vật vô cùng phong phú.

Về hệ thực vật bước đầu thống kê được KBT có 788 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 488 chi, 147 họ và 5 ngành thực vật được ghi nhận, trong đó có 33 loài thuộc diện quý hiện ghi vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách Đỏ thế giới. Hệ động vật của KBT càng phong phú và có tính đặc hữu cao.

Đến nay ở KBT đã thống kê được 241 loài thuộc 74 họ, 24 bộ trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư; trong đó có tới 42 loài quý hiếm cho Việt Nam và 28 loài ở mức độ đe dọa toàn cầu, đặc biệt là có 4 loài: Niệc cổ hung, gà lôi tía, vượn đen, voọc xám đang có nguy cơ bị đe doạ tiêu diệt ở mức toàn cầu.

KBT thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập theo Quyết định 512/QĐ-UB ngày 09/10/2006 của UBND tỉnh Yên Bái ngoài cảnh quan đẹp, còn có hệ thực vật, động vật vô cùng đa dạng và phong phú. Hiện nay, hệ thực vật KBT thiên nhiên Nà Hẩu có 657 loài thuộc 440 chi và 154 họ, trong đó có 28 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Hệ động vật có 214 loài thuộc 80 họ và 7 bộ; trong đó có nhiều loài quý hiếm như hổ, báo hoa mai, vượn đen tuyền.

Nhìn chung, KBT loài sinh cảnh Mù Cang Chải và KBT thiên nhiên Nà Hẩu là những khu rừng đặc dụng đã được đánh giá là có độ đa dạng sinh học cao; có nhiều loài thực động vật quý, hiếm, đa tác dụng, có giá trị cao về mặt sinh thái và kinh tế cần phải được cộng đồng dân cư, các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp quan tâm bảo vệ.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đang triển khai Dự án "Đầu tư, xây dựng KBT thiên nhiên Tân Phượng - huyện Lục Yên". Bước đầu điều tra khu vực có 867 loài thực vật thuộc 569 chi, 177 họ thuộc 5 ngành thực vật trong đó có 37 loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và có 179 loài động vật thuộc 62 họ, 19 bộ trong đó có 37 loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Khu Tân Phượng đã được các chuyên gia về sinh thái học, thực vật, động vật hàng đầu của trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Khoa học tự nhiên đánh giá có độ đa dạng sinh học cao, xứng đáng được công nhận là KBT thiên nhiên. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm đang nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để các cấp chính quyền công nhận Tân Phượng là KBT thiên nhiên thứ ba của tỉnh Yên Bái và có những đầu tư thoả đáng để bảo vệ khu hệ sinh thái có độ đa dạng cao và có nhiều giá trị về cảnh quan môi trường.

Hiện tại, Việt Nam và các nước trên thế giới đang áp dụng ba giải pháp chủ yếu để bảo tồn đa dạng sinh học, đó là: sử dụng các công ước quốc tế nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu; bảo tồn nội vi, đây chính là giải pháp bảo tồn tại ngay nơi chủng loài đang tồn tại thông qua hoạt động xây dựng hệ thống các khu rừng đặc dụng và bảo tồn ngoại vị tức là đưa các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cao vào nuôi trồng chăm sóc thông qua các hoạt động xây dựng các vườn thực vật, vườn cây gỗ, ngân hàng hạt giống, vườn thú, trung tâm cứu hộ, bể nuôi.

Lực lượng Cảnh sát Môi trường trao trả Voọc xám cho Trung tâm cứu trợ linh trưởng nguy cấp - Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).

Xuất phát từ thực tế, các loài động vật quý hiếm gần như phân bố ở những nơi xa xôi, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Khi cái đói, cái nghèo còn đang đeo bám cuộc sống thì người dân vùng đệm vẫn còn và sẽ tiếp tục vào rừng khai thác lâm sản, lâm sản ngoài gỗ, săn bắn động vật phục vụ đời sống mặc dù họ có thể nhận thức được rằng làm như thế là sai, là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của con em mình. Chính vì vậy, bảo tồn đa dạng sinh học cần phải gắn liền với phát triển kinh tế, đời sống, văn hoá của người dân địa phương với các giải pháp chi tiết như sau:

Các hoạt động bảo tồn vừa phải hướng đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vừa cải thiện đời sống của người dân để giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng. Chính quyền các cấp cũng như các tổ chức, cơ quan, ban ngành có tâm huyết với công tác bảo tồn cần phải có dự án hỗ trợ người dân vùng đệm KBT tạo sinh kế bền vững và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân vùng đệm; thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất tăng năng suất trên diện tích đất canh tác, như vậy sẽ không cần phải tăng diện tích đất sản xuất mà vẫn có thể tăng được sản lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống người dân. 

Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là việc Nhà nước, người dân, cộng đồng địa phương cùng có trách nhiệm chia sẻ tham gia quản lý bảo vệ rừng, qua đó người dân và cộng đồng sẽ được hưởng lợi ích nhất định từ tài nguyên rừng.

Việc chia sẻ lợi ích là việc trả lại cho người dân những quyền mà người dân đã thực hiện và coi trong người dân, đặt họ là trung tâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Đây được coi là một trong những hình thức nhằm xã hội hoá công tác quản lý bảo vệ rừng, Nhà nước giữ được rừng, người dân được ấm no. Các hoạt động bảo tồn cần phải được xây dựng theo hướng do các cộng đồng thôn, bản đề xuất, lập kế hoạch và thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, các hạt kiểm lâm và ban quản lý các KBT.

Việc nâng cao đời sống của cộng đồng cần phải gắn liền với nâng cao nhận thức của người dân bằng các biện pháp tuyên truyền. Việc tuyên truyền cần phải "sâu rộng đến nhiều đối tượng" đặc biệt là thế hệ trẻ để có một nhận thức rõ ràng về đa dạng sinh học và sẽ là đối tượng chính bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai. Mặt khác, chính thế hệ trẻ sẽ là người truyền tải tốt nhất vai trò của bảo tồn đa dạng sinh học đến các đối tượng khác trong cộng đồng. Tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức như: pa nô, áp phích, mở các buổi họp cộng đồng...

Nâng cao năng lực cho các ban quản lý: sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các KBT vẫn còn rất hạn chế, vì vậy sự hoạt động của ban quản lý còn nhiều khó khăn, chưa thể hiện được hết năng lực của mình. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cho ban quản lý các KBT là điều cần thiết hiện nay.

Bảo vệ đa dạng trong các KBT thiên nhiên là bảo vệ, phát triển bền vững rừng, gia tăng độ che phủ rừng để làm tăng hiệu quả của "bể hấp thụ cácbon", tăng hấp thụ khí nhà kính là góp phần vào mục tiêu, giải pháp trọng tâm của "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam". Đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiết lập, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp và nâng độ che phủ rừng lên đến 45%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt lũ và lũ quét tại các điểm xung yếu.

Đa dạng sinh học bao gồm sự phong phú của thế giới sinh vật ở tất cả các dạng, các bậc phân loại, các mức độ và sự tổ hợp của chúng trong các mối quan hệ phức tạp giữa chúng với nhau với thể vô sinh và xã hội loài người.

Hiện nay, vấn đề đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học đã và đang trở thành một chiến lược trên toàn cầu nhằm làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều tổ chức quốc tế ra đời để hướng dẫn, giúp đỡ và tổ chức việc đánh giá, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên toàn phạm vi thế giới.

Một số tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học như: Hiệp hội Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (IUCN), Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Viện Tài nguyên di truyền quốc tế (IPGRI)...

Công ước Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên CBD, RAMSAR, CITES. Cùng với công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học của toàn cầu, Việt Nam đã thông qua Luật đa dạng sinh học ngày 13/11/2008 cùng với các cấp chính quyền các ban, ngành tỉnh Yên Bái cũng cố gắng và nỗ lực hết mình để bảo vệ đa dạng sinh học của tỉnh nhà, đặc biệt là các khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên.

Nguyễn Quang Vinh - Chi cục Kiểm lâm Yên BáiẢnh: P.V

Các tin khác

YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011 – 2012, huyện Trấn Yên có 806 thí sinh đăng ký dự thi ở 3 hội đồng thi, là Trường THPT Lê Quý Đôn, Liên cấp 2-3 Trấn Yên 2 và Hội đồng thi ghép Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Hướng nghiệp dạy nghề và phân hiệu 2 của Trường THPT Đồng Tâm.

Ở Việt Nam mỗi năm thuốc lá gây tử vong 40.000 người và ước tính con số ngày sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030.

Ngày 22-5, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã họp báo công bố kế hoạch tổ chức chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2012.

Ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn”
của chị Bùi Thị Hợi.

YBĐT - Chương trình “Mái ấm Công đoàn” được khởi nguồn vào tháng 11 năm 2006 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục