Tìm đồng đội ở chiến trường xưa

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/7/2012 | 3:05:09 PM

YBĐT - Kể từ hôm nhận lời đi tìm liệt sĩ Nguyễn Công Định, trong đầu tôi hiện dần biết bao gương mặt, nhớ dần những cảnh huống và nhớ dần từng tên đồng đội, nhớ dần từng địa điểm chôn cất các anh.

Quyết định một chuyến đi

Tôi cùng ông Đào Xuân Thái, 84 tuổi, nguyên Chính trị viên tiểu đoàn 1 (Phai Khắt) thuộc trung đoàn 246, chiến đấu ở Mặt trận Đường 9 Quảng Trị những năm 1967-1970, nhận lời với gia đình liệt sĩ đại đội trưởng Nguyễn Công Định trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của anh sau hơn 43 năm nằm lại ở đồi Con Vịt, chân cao điểm 425, bắc Đường  9.

Chúng tôi nhận lời đi tìm liệt sĩ Nguyễn Công Định bởi lẽ tình đồng đội thôi thúc và thể theo nguyện vọng gia đình, khi biết ông Đào Xuân Thái là người chỉ huy trực tiếp chôn cất liệt sĩ Định. Còn tôi thời ấy là trợ lý quân lực được phân công nhiệm vụ trực tiếp lo phần bảo đảm chính sách, đóng gói di vật, viết giấy báo tử gửi về quê cho từng liệt sĩ. Tôi hỏi gia đình vì sao để 43 năm mới đi tìm anh Định? Câu trả lời của người anh trai là do trước đây nghèo khó không có tiền! Bây giờ toàn thể họ hàng gom góp lại mới có điều kiện đi!

Trước khi lên đường, chúng tôi nói với gia đình rằng chuyến đi là một thử thách lớn, không chắc chắn một điều gì, bởi thời gian quá lâu, trí nhớ có hạn và những thay đổi không lường hết của địa bàn chiến đấu xưa. Ông Đào Xuân Thái bằng trí nhớ đã vẽ lại sơ đồ nơi chôn cất liệt sĩ Định. Chúng tôi làm một số giấy tờ tùy thân đảm bảo cho một chuyến đi, có xác nhận của chính quyền phường nơi cư trú, rồi theo hẹn của gia đình liệt sĩ, đúng 6 giờ sáng ngày 31/5/2012 xuất phát.

Được gia đình đồng ý, tôi mời thêm Nguyễn Xuân Đặng, quê Hoài Đức - Hà Đông, liên lạc xưa của ông Đào Xuân Thái cùng đi. Sau năm 1970, Nguyễn Xuân Đặng giữ chức Tham mưu trưởng Huyện đội Cam Lộ, là người thông thạo địa hình, còn nhanh nhẹn và có trí nhớ tốt, chắc sẽ góp công sức đáng kể cho chuyến đi. Thêm bạn đồng hành là thêm sự yên tâm.

Vừa đến trạm đón tiếp thân nhân liệt sĩ 27/7 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Xuân Đặng với tôi lập tức đi tìm anh Kiệm, đồng đội cũ của Đặng để mượn tấm bản đồ quân sự khu vực Gio Linh - Cam Lộ làm cơ sở đối chiếu căn tìm thực địa. Chiều, chúng tôi phóng xe ngay vào Cam Lộ. Qua cầu Đầu Mầu nổi tiếng bởi các trận đánh phục kích diệt quân lính Mỹ những năm 1968 -1969.

Đến cây số 26- 27, dễ dàng nhận ra ngay khu vực núi đá Hy Gia - Hang Dơi và đoạn dốc Đường 9. Nơi đó, năm 1970 đơn vị tôi đã phục kích tiêu diệt đại đội "hắc báo" khét tiếng của lính Sài Gòn. Nhưng từ Đường 9 ngược lên phía bắc, đến nơi chôn cất Nguyễn Công Định ước lượng trên bản đồ cũng phải tới 13 cây số đường rừng. Tính toán làm sao đến được đó?

Ký ức thức dậy

Kể từ hôm nhận lời đi tìm liệt sĩ Nguyễn Công Định, trong đầu tôi hiện dần biết bao gương mặt, nhớ dần những cảnh huống và nhớ dần từng tên đồng đội, nhớ dần từng địa điểm chôn cất các anh. Tôi nhớ đến liệt sĩ Hoàng Hải Cát, Trung đội trưởng (quê Tuyên Quang) bị thương nặng, ông Đào Xuân Thái đã tuyên bố kết nạp Đảng khi anh nằm trên cáng trước lúc nhắm mắt. Liệt sĩ Nông Hoàng Sôi (quê Cao Bằng), chiến sĩ đội trinh sát một mình lãnh trọn một trái bom, tìm cả buổi sáng mới thu nhặt được dăm cân thi thể sạm đen khói bom và đất. Liệt sĩ Lai Phú Ngọ (quê Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội) bị mảnh pháo vào thái dương hở cả óc, thoi thóp một đêm rồi chết. Hàn Phú Vinh  (quê Phan Đình Phùng - Hà Nội), trung đội trưởng Lê Dân Dụ (quê Y Can, Trấn Yên, Yên Bái), Nguyễn Văn Hùng (quê Phú Thọ) chung nhau một loạt bom trên đỉnh dốc Ba Tum. Trinh sát viên Trần Sinh (quê Đại Từ, Thái Nguyên) chung một trái pháo "mồ côi" của Mỹ cùng với Nguyễn Công Định vào rạng sáng ngày 6 tết Kỷ Dậu 1969.

Rồi nhớ 13 liệt sĩ trên chốt cao điểm 425 trong một ngày đã đẩy lui 28 đợt tiến công của gần 200 lính Mỹ. Đấy là Trung đội phó Trần Văn Tuyển (quê Đại Đồng, Yên Bình, Yên Bái), tiểu đội trưởng Nguyễn Quốc Hội (quê Gia Viễn, Ninh Bình), chiến sĩ Phí Đắc Mịch (quê Đức Giang, Hoài Đức, Hà Tây), chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng (quê Phú Thọ)… một đi không trở lại! Rồi Trung đội phó Nguyễn Ngọc Tuân (quê Cao Bằng), Đại đội trưởng Hoàng Ổn (quê Thanh Hóa), Trung đội trưởng Lục Văn Khoáy (quê Cao Bằng), Đại đội trưởng Nguyễn Tấn Chiêm (quê Quảng Nam), Đại đội trưởng Nguyễn Văn Hòa (quê Nghệ An), chiến sĩ Dương Công Thoát (quê Bắc Thái)… Mỗi người hi sinh oanh liệt  theo mỗi cách. Họ ra đi ở lứa tuổi 20, hầu hết chưa vợ.

Tôi nhớ Tiểu đoàn 1 Phai Khắt (mang danh trận thắng vẻ vang đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam), khi rời đất Sơn Dương - Tuyên Quang cuối năm 1966 để vào chiến trường, đầy đủ đội hình là 520 người. Đầu năm 1971, tôi rời Đường 9 ra bắc, điểm mặt những người cùng vào chiến trường một ngày, chỉ còn chừng hơn hai chục. Thương vong, bệnh tật, tai ách đủ kiểu đã làm hao hụt hàng trăm người! 

Tham chiến ở mặt trận Quảng Trị, Phai Khắt lúc ấy là Tiểu đoàn Độc Lập, đã tham gia đánh tàu chiến Mỹ bằng thủy lôi ở Cửa Việt. Một bộ phận luồn sang phía nam Đường 9 làm nhiệm vụ nghi binh, thiết kế những "trận địa pháo giả", nòng pháo là những cây gỗ thui đen, ngụy trang như trận địa thật. Khi các đơn vị khác chiến đấu thì trận địa giả hợp đồng tác chiến bằng cách giật bộc phá tạo khói bụi như thật để thu hút máy bay Mỹ ném bom, chia lửa với đơn vị bạn. Chiến công đã lừa máy bay Mỹ trút xuống đó hàng trăm tấn bom đạn. Cũng từ đấy, danh sách thương vong của đơn vị mỗi ngày mỗi tăng thêm.

… Vào trưa ngày 3 tết Kỷ Dậu (1969), Nguyễn Công Định nhờ liên lạc mang đến cho tôi 2 hộp thịt nhỏ khẩu phần lấy được của Mỹ, với dòng chữ bút bi: "Bái, tao gửi mày  để ăn tết". Vậy mà chỉ hơn hai ngày sau Định đã không còn. Ngày ấy, tận dụng mấy ngày tết cổ truyền, hai bên tuyên bố ngừng bắn tạm thời, đơn vị tổ chức trinh sát nắm địa hình. Nguyễn Công Định chỉ huy nhóm trinh sát lên 425, khi xuống đến chân cao điểm thì bị một quả pháo từ căn cứ Phu Lơ (544) bắn trúng vào đội hình. Trần Sinh chết ngay tại chỗ. Còn Định bị mảnh pháo phạt hẳn bên mông. Ra quá nhiều máu. Anh em cáng Định về tới hậu cứ Tiểu đoàn, ông Đào Xuân Thái chỉ kịp hỏi Định vài câu thì Định tắt thở. Định được chôn ở đồi Con Vịt, cùng với Trần Sinh và Lai Phú Ngọ. ít hôm sau, Lai Phú Ngọ "chết lần nữa" vì mộ bị bom Mỹ đánh bay đi nơi khác.

Sau cái ngày Nguyễn Công Định hi sinh được hơn tuần lễ thì một trận chiến đấu không cân sức giữa những người giữ chốt 425 với một đại đội tăng cường của lính thủy đánh bộ Mỹ đã xảy ra. Từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, chốt B425 mịt mù khói lửa bởi phi pháo và các đợt lính Mỹ tấn công. Khi chiếc máy bay trực thăng bị súng phòng không do Đại đội 4 của Đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Văn chỉ huy bắn rơi ngay trên trận địa, qua ít phút giành giật, cả chốt B425 không còn một tiếng súng. Mười ba chiến sĩ chốt không ai trở về! Sau này, anh Nguyễn Ngọc Văn trở thành Trung tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quân sự, đã có lần cùng tôi xót xa ôn lại kỷ niệm đau thương đó, nhắc tên từng người ngày cùng hành quân vào chiến trường.

Cứ sau mỗi đợt chiến đấu, gian nhà hầm của ông Đào Xuân Thái ở bản Thúc lại chất đầy những chiếc ba lô đỏ quạch bùn đất di vật của các liệt sĩ. Tôi cùng anh em lựa chọn những quần áo còn tốt, những vật lưu niệm sổ tay, ảnh, khăn tay… của từng người, đóng gói cẩn thận gửi Trung đoàn chuyển về cho các gia đình liệt sĩ. Chúng tôi cố làm trọn bổn phận của những kẻ sống sót.

1-Những người đồng hành tự nguyện

Không hẹn trước, nhóm phóng viên "Trở về từ ký ức", chương trình mang "thương hiệu" Thu Uyên đang trực ở Quảng Trị liền gặp chúng tôi. Biết chúng tôi đi tìm đồng đội, họ đã sắp xếp lại lịch công tác để tham gia với chúng tôi đến thực địa. Sáng sớm hôm sau, phóng viên Tân Lâm cùng Lê Tiến Sỹ và Hồ Sĩ Bảy, lỉnh kỉnh máy thu hình, mỗi người một xe máy, cùng chúng tôi vào rừng. Chúng tôi thuê thêm 2 xe máy với ý định chỗ nào đi xe máy được thì cố chở nhau cho đỡ vất vả, khi nào không đi được nữa thì gửi xe lại.

Xe phóng qua ngầm Khe Van, cứ chiểu theo hướng bản đồ mà đi. Qua đoạn suối sâu, phải khiêng xe máy, hỏi thăm người đi bẫy gà rừng đường đến 425. Không rõ mà! Họ đâu biết tên gọi những ký hiệu địa danh quân sự.  Bế tắc! Chúng tôi phóng bừa xe máy trên lối mòn sau mưa đầy hố nước trơn trượt, người ngồi sau không bám chắc chỉ có văng xuống đất đá. Gặp một nhà dân bên suối, tạt vào hỏi tiếp.

Chủ nhà là ông già người nhỏ thó. Chúng tôi nói rằng muốn đến chỗ máy bay Mỹ rơi. Ông ta bảo Mỹ đã đến cẩu máy bay đi rồi! Chúng tôi nói rằng đoàn không phải đi tìm xác chiếc máy bay, mà chỉ tìm chỗ máy bay rơi để xác định trận địa xưa làm điểm mốc tìm mộ liệt sĩ. Chúng tôi thuê ông dẫn đường. Ông nói xa lắm, phải đi hết ngày chưa tới. Đành mở bản đồ ra tiếp tục "nghiên cứu"! Hàng giờ đồng hồ tưởng như vô vọng. Lúc sau, tôi hỏi chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bây giờ còn không?

Ông à lên một tiếng rồi bảo rằng chỗ chiếc trực thăng rơi thì gần thôi, chỉ đi vài giờ là tới. Nơi ấy thì ông rành lắm! Thế là ông vui vẻ dẫn đường. Ông bảo, ở đây có mấy nơi máy bay Mỹ rơi. Dân thường gọi theo thứ tự: máy bay 1, máy bay 2, máy bay 3… Còn chỗ đó là trực thăng! Từ đây, xe máy bỏ lại, chỉ có mỗi cách cuốc bộ. Ông Đào Xuân Thái đi đường nhẩm đếm phải qua 13 đoạn suối và khe, có chỗ nước sâu ngang ngực, và chừng ấy đoạn đèo mới đến được chân cao điểm 425. Trông ông Thái chống gậy lội suối, leo dốc, cực nhọc chẳng khác gì xưa hành quân. Lắm lúc thấy ông mệt, mọi người bảo nhau dừng lại chờ.

Đầu giờ chiều cả đoàn trèo dốc "lên chốt" xưa. Dấu vết những hố bom hố pháo vẫn còn sâu hoắm. Lên cao, chúng tôi nhận ra từng mỏm đồi, từng điểm chốt. Kia là mỏm A425, nơi bị Mỹ đánh chiếm. Đó mỏm B425, ta bị Mỹ tấn công suốt một ngày. Theo vòng cánh cung xuống là đồi Con Vịt. Chính đây rồi! Ông Đào Xuân Thái nhận ra vị trí ngồi cùng liên lạc quan sát lính Mỹ tấn công trận địa ta.

Ngay nơi trận địa xưa, nhà báo Tân Lâm tranh thủ phỏng vấn người chỉ huy Tiểu đoàn Phai Khắt. Ông Đào Xuân Thái thong thả mở lá cờ đã bạc màu, đôi chỗ đã rách thủng, rồi nói đây là lá cờ do Trung đoàn 246 Việt Bắc tặng Tiểu đoàn Phai Khắt khi vào Nam, ông đã giữ 46 năm, hôm nay mang trở lại chiến trường để những linh hồn chiến sĩ còn nằm trên đất này chứng giám rằng những người sống vẫn nhớ đồng đội. Xin linh ứng báo cho người thân nơi yên nghỉ, để cuộc tìm kiếm liệt sĩ bớt đi những trở ngại.

Nhà báo Tân Lâm hỏi: "Đã ở tuổi 84, sao ông vẫn trở lại chiến trường xưa?". Ông Thái nói: "Các Liệt sĩ hi sinh vì đất nước nhưng cũng vì chính cuộc sống của tôi. Tôi nhớ ơn họ. Và cũng là mệnh lệnh của lương tâm. Để thấy chúng tôi không bội bạc"! - "Điều gì khiến ông nhớ nhất?" - "Địa bàn này đơn vị tôi đã tác chiến 117 trận lớn nhỏ, có trận thắng và có cả những trận hi sinh quá lớn"!  - "Trở lại nơi này, cảm tưởng của ông thế nào?" - "Tôi tự hào về lòng dũng cảm của các chiến sĩ đơn vị tôi. Nơi này xưa là đồi trọc do thuốc hóa học Mỹ hủy diệt. Bây giờ đã có màu xanh…". - "Ông đi vào đây, có điều gì lấn cấn không?" - "Có chứ! Các con tôi không muốn cho tôi đi, lo cho tôi về sức khỏe, tôi giải thích, vì đồng đội, tôi còn đi được! Hình như vong linh các liệt sĩ phù trợ, tôi như thấy khỏe ra!".

Mọi người xem tờ sơ đồ ông Thái vẽ trước khi lên đường, nơi chôn cất liệt sĩ Nguyễn Công Định, so với thực địa gần như chính xác. Ông Thái đối chiếu các mốc và đo đoạn đường xuống suối để xác định lần nữa chỗ liệt sĩ nằm.

Theo vị trí ông Thái chỉ dẫn, người nhà liệt sĩ Nguyễn Công Định đã đào tìm mộ anh trên đồi Con Vịt. Không hiểu trong cõi u u minh minh kia linh ứng đến đâu mà hơn một ngày đào bới cũng chỉ thấy được mấy đốt xương, ít mảnh tăng đã nát và một mảnh đuya- ra dùng khắc tên người hy sinh. Bom đạn đào đi xới lại, còn chút gì cũng là quý. Tôi thầm nghĩ, xương thịt Định đã thấm vào đất, thấm vào tận long mạch, đất ở đây chỗ nào chẳng là máu xương!

Ông Đào Xuân Thái cùng tôi và đại diện gia đình đến các cơ quan chức năng để làm thủ tục đưa di hài Nguyễn Công Định về quê. Nơi nào nhìn thấy ông Thái và tôi tóc đều bạc, qua ngót ngàn cây số đi tìm đồng đội, cũng ân cần nể trọng. Chia tay Quảng Trị trong nghi ngút khói hương.

Lời cảm ơn là nghi thức không thể thiếu đối với những người đã giúp đỡ chúng tôi đi tìm đồng đội ở chiến trường xưa. Cảm ơn Quảng Trị!

Ngọc Bái (10/6/2012)

Các tin khác
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dâng hương tưởng niệm các nữ Thanh niên xung phong.

Kỷ niệm 44 năm sự kiện Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2012), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khánh thành giai đoạn 2 công trình cụm tượng đài 10 nữ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc và chính thức bàn giao công trình này cho Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc quản lý.

Cán bộ BHXH thành phố Yên Bái hướng dẫn đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Xác định năm 2012 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như: sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến đời sống, lao động và việc làm giảm sút, kéo theo tình trạng nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

YBĐT - Yên Bình trong những ngày gần Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2012 - 2017, không khí trên các công trình thanh niên càng trở nên sôi nổi. Bằng những công trình, phần việc của mình, tuổi trẻ đang chung tay xây dựng nông thôn mới và hướng về Đại hội.

Sơ đồ dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Đêm 24-7, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lúc 4g sáng 25-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục