Xuất bản sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”
- Cập nhật: Thứ tư, 8/8/2012 | 8:14:31 AM
“Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” lược lại cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và đổi mới, hội nhập đất nước…
Bìa cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”
|
Được xuất bản đúng thời điểm Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, cuốn sách góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến với mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn, khách quan của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề tranh chấp, trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền, các quyền, lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông và trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.
“Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” gồm 400 trang với 4 chương. Chương một giới thiệu vai trò của biển, đảo Việt Nam với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước. Chương hai đưa ra các cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế.
Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình và kết quả pháp điển hóa Luật Biển quốc tế mới tại Hội nghị Luật Biển của Liên Hợp Quốc lần thứ 3; đồng thời cũng từng bước ban hành các biện pháp nhằm quản lý các vùng biển và thềm lục địa của đất nước. Ngoài ra, chương này cũng nêu rõ phạm vi và quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Trong chương ba, cuốn sách đã lược lại cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và đổi mới, hội nhập đất nước. Từ đó, khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Ngoài Việt Nam, biển đông được bao bọc bởi 9 nước và vùng lãnh thổ khác là Trung Quốc, Phillipines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Đài Loan. Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân của các nước này, là địa bàn chiến lược quan trọng không chỉ với các nước trong khu vực mà của cả Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Mỹ. |
Nhân dịp này, cuốn sách “Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế” do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ đạo biên soạn, cũng được xuất bản. Cuốn sách do phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế (Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) làm chủ biên.
Cuốn sách trình bày và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản nhất của luật biển quốc tế về thềm lục địa như: Khái niệm khoa học địa chất, khoa học pháp lý về thềm lục địa, quy chế pháp lý của thềm lục địa, xác định ranh giới của thềm lục địa theo quy định của pháp luật quốc tế, quy trình chung thực hiện việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý theo quy tắc của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, phân định thềm lục địa của các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, quy chế pháp lý và vai trò của các đảo trong xác định ranh giới thềm lục địa, vấn đề xác định thềm lục địa theo pháp luật và thực tiễn Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về thềm lục địa của một số quốc gia trên thế giới thông qua các án lệ điển hình của cơ quan tài phán quốc tế.
“Là một quốc gia nằm bên bờ biển Đông, nhà nước, dân tộc Việt Nam qua các thời đại với bản chất cần cù, nhẫn nại, ý chí quật cường và trên tinh thần tôn trọng các quyền và lợi ích chinh đáng của các quốc gia liên quan khác, đã để lại những dấu ấn, nói một cách chuẩn xác hơn là đã để lại những chứng tích của mình trên biển Đông. Trong lịch sử, Việt Nam đã xác lập và thực thi các quyền và lợi ích chính đáng của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và đối với các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” – TS Trần Công Trục. |
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Ngày 7-8, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT chủ động phối hợp với các sở y tế và cơ quan có liên quan của địa phương triển khai việc phòng chống dịch bệnh trong trường học.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đoàn sinh viên Việt Nam gồm 4 sinh viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự thi Olympic Toán sinh viên quốc tế (IMC) năm 2012 đã giành được 2 huy chương bạc và 2 bằng khen.
Sáng mai, 8-8, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ họp để công bố mức điểm sàn của kỳ thi đại học, cao đẳng 2012. Theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, sau khi có điểm sàn, các trường sẽ công bố điểm chuẩn vào trường.
YBĐT - 6 tháng đầu năm, Toà án nhân dân (TAND) huyện Văn Yên thụ lý 27 vụ án hình sự, tỷ lệ giải quyết án đạt 81%.