Phát triển và bảo tồn cây thuốc bản địa ở Cảm Ân

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2012 | 3:04:23 PM

YBĐT - Việc phát triển và bảo tồn cây thuốc nam bản địa đã được xây dựng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã Cảm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bái).

Các hội viên tham gia Dự án kiểm tra chất lượng cây thuốc.
Các hội viên tham gia Dự án kiểm tra chất lượng cây thuốc.

Được sự tài trợ của tổ chức Cordaid Hà Lan, năm 2009, Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối hợp Hội Đông y tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Phát triển và bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa” tại xã Cảm Ân, huyện Yên Bình.

Đến nay, qua 3 năm thực hiện, dự án đã  phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, phát triển đa dạng các loại cây thuốc, đồng thời giúp nhiều hộ dân cải thiện cuộc sống.

Trước đây, để có nguồn thuốc nam cung cấp cho thị trường, hầu hết các ông lang, bà mế làm nghề bốc thuốc nam cổ truyền tại xã Cảm Ân đều hoàn toàn phụ thuộc vào việc tìm kiếm, hái lượm cây thuốc tự nhiên trên rừng hoặc phải nhập nguyên liệu từ nơi khác về.

Điều này đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng (do không có sự đầu tư tái tạo) và giá thuốc thì cao. Song, từ khi Dự án được triển khai trên địa bàn xã, nhận thức của người dân xã Cảm Ân nói riêng và cộng đồng nói chung về việc phát triển, bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa đã được nâng lên rõ rệt.

Tham gia thực hiện Dự án, xã Cảm Ân có 112 hộ ở 4 thôn: Ngòi Cát, Đèo Thao, Tân Tiến, Tân Yên. Các hộ này hầu hết đều là những hộ nông dân nghèo và gia đình có người bốc thuốc nam cổ truyền.

Sau khi được Ban điều hành dự án đưa đi thăm quan một số mô hình trồng cây thuốc và học hỏi kinh nghiệm trồng, chế biến sản phẩm cây thuốc nam, những hộ này đã tự đăng ký nhận trồng, chăm sóc diện tích gần 50 ha các loại cây thuốc, gồm: gừng, hoài sơn, ba kích, đinh lăng, kim tiền thảo, mạch môn. Hiện tại, tất cả các loại cây thuốc này đều sinh trưởng, phát triển tốt, một số đã cho thu hái, góp phần tăng thêm thu nhập cho các gia đình.

Ông Hà Ngọc Cát, thôn Tân Tiến - thành viên tham gia Dự án cho biết: “Được sự hỗ trợ, tư vấn về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thuốc nam, gia đình tôi đã biết tận dụng diện tích đất rừng quanh nhà và đất vườn tạp để trồng các loại cây thuốc. Hàng năm, chỉ tính riêng từ tiền bán sản phẩm cây thuốc, gia đình cũng có khoản thu nhập trên 10 triệu đồng. Số tiền này tuy chưa lớn vì diện tích thu hái còn nhỏ hẹp nhưng so với thu nhập từ các loại cây trồng khác như chè và sắn thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”.

Được biết, hiện nay việc phát triển và bảo tồn cây thuốc nam bản địa đã được xây dựng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã Cảm Ân. Bởi vậy nên mô hình trồng cây thuốc nam hiện đang được tích cực đẩy mạnh nhân rộng tại địa phương này. Có 2 loại cây thuốc bản địa được xác định là cây trồng mũi nhọn, có giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn đã được nhân dân xã Cảm Ân di thực, tạo giống để trồng lại trên đất vườn rừng với số lượng cây khá lớn là cây ba kích và hoài sơn. Theo ý kiến nhận xét từ phía người dân địa phương, từ khi có dự án triển khai trên địa bàn, nhận thức và kiến thức về bảo vệ rừng của bà con nơi đây đã tiến bộ hơn nhiều.

Bà Vũ Thị Hồng Ngát, thôn Ngòi Cát  nói: “Giờ đây, những người thường xuyên vào rừng tìm cây thuốc đều đã biết khai thác cây thuốc hiệu quả mà không làm tổn hại tới rừng, không làm nguồn cây thuốc tự nhiên quý hiếm trong rừng bị cạn kiệt…”.

Hiện tại, cả 4/4 thôn có hộ gia đình tham gia dự án đều đã xây dựng được bản hương ước về bảo vệ rừng. Song song với việc hỗ trợ bảo tồn và phát triển vùng cây thuốc, trong quá trình triển khai, Dự án cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ông lang, bà mế và các thành viên Chi hội Đông y xã Cảm Ân được tham gia vào các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền (YHCT), góp phần thiết thực vào việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại địa phương và các vùng lân cận.

Ông Nông Văn Bút - Chi hội trưởng Chi Hội Đông y xã Cảm Ân cho biết: “Đến nay, số bệnh nhân được chăm sóc và điều trị bằng thuốc YHCT tại xã đã tăng lên trên 30%. Nhiều bệnh nhân nhờ chữa trị bằng thuốc nam đã khỏi bệnh hoàn toàn mà không cần phải sử dụng đến các loại thuốc tân dược đắt tiền. Điển hình trong năm 2011 vừa qua, bài thuốc chữa bệnh việm đường tiết niệu của Chi hội đã được Hội đồng khoa học Sở Y tế thẩm định, công nhận sử dụng có hiệu quả và cấp Giấy chứng nhận là bài thuốc gia truyền, nên đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trong tỉnh”.

Từ những thành công bước đầu của Dự án, thời gian tới, Hội Đông tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây thuốc nam theo kinh nghiệm của xã Cảm Ân ra các địa bàn khác trong tỉnh, đặc biệt là các huyện có tiềm năng đất rừng, hệ sinh thái đa dạng như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải… Đây sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giúp người dân Yên Bái tiếp tục xoá đói giảm nghèo và bảo tồn, phát triển cây thuốc bản địa.

Hồng Oanh - Quang Tuấn
 

Các tin khác
Một bữa cơm có thức ăn tươi của học sinh bán trú Trường TH&THCS Nậm Mười.

YBĐT - Một ngày nghỉ cuối tháng 5, tôi may mắn được theo đoàn công tác của Đảng bộ Văn phòng UBND huyện Văn Chấn lên thăm Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Nậm Mười - đơn vị trường học có trên 570 học sinh bán trú do Đảng bộ nhận đỡ đầu.

Những chuyên gia Việt Nam và Mỹ đã có nhiều chuyến khảo sát tại sân bay Đà Nẵng.

Hôm nay 9.8, dự án xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng đã chính thức khởi động sau giai đoạn rà phá bom mìn. Dự án do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID) phối hợp thực hiện.

Phòng tập nhược thị cho trẻ em.

Việt Nam ước tính có gần 3 triệu học sinh phổ thông bị tật khúc xạ, 2/3 trong số đó bị cận thị.

Giao dịch mua hồ sơ đấu giá tại trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh.

YBĐT - Những năm qua, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS) Yên Bái có bước phát triển nhanh, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của hoạt động bổ trợ tư pháp trong nền kinh tế thị trường và đáp ứng nhu cầu trong mua, bán tài sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục