"Chóng mặt" với tốc độ tăng giá cước truyền hình
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/8/2012 | 8:39:00 AM
Trước thềm mùa giải bóng đá quốc tế 2012-2013, thị trường truyền hình trả tiền lại như sôi lên đối với cả các nhà cung cấp dịch vụ và khán giả.
Các nhà đài đã dốc túi mạnh hơn để mua bản quyền truyền hình bóng đá cho mùa giải 2012-2013 trở đi.
|
Giá cước tăng chóng mặt
Thông tin gây bức xúc nhất: Từ ngày 1.9.2012 VCTV sẽ tăng giá cước thuê bao lên 110.000 đồng/tivi/tháng, tức là tăng 22.000 đồng, tương đương 25%. Lý do tăng được đưa ra là để mua bản quyền, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng kênh. Tuy nhiên, người tiêu dùng (NTD) ngán ngẩm vì đã trải qua quá nhiều lần tăng cước của nhà đài.
Tính mốc xa, năm 2005, cước thuê bao tháng chỉ có 30.000 đồng/tháng, nếu so với cước từ ngày 1.9 tới thì tăng gấp 4 lần. Lấy mốc gần hơn, tính từ ngày 1.5.2011, VCTV tăng giá cước thuê bao đến hai lần: Từ 65.000 đồng tăng lên 88.000 đồng (35%) và từ 88.000 đồng tăng lên 110.000 đồng (25%). Còn tính gộp, trong 16 tháng, VCTV tăng cước hai lần, với mức tăng tổng cộng gần 85%.
Ở phía nam, SCTV cũng đã nhiều lần tăng giá cước. Từ ngày 1.9.2009 gói cước loại A tăng từ 44.000 đồng lên 66.000 đồng (50%); và tiếp đó từ ngày 1.9.2010 lại tăng thêm 22.000 đồng (33%) lên 88.000 đồng/tháng. Có dư luận cho rằng, SCTV cũng sắp tăng cước với mức như VCTV. Trên diễn đàn hdvietnam.com, nhiều thành viên đã bày tỏ sự không hài lòng đòi bỏ VCTV chuyển sang K+ hoặc VTC. Thậm chí có thành viên còn lập luận rằng, việc tăng giá của VCTV vô hình trung ép người dùng chuyển sang K+.
Tuy nhiên cũng có ý kiến, như thành viên “Vietkor84” tỏ ra thông cảm với nhà đài: “Tỉ giá đồng VN ngày càng tụt giảm so với USD. Chưa kể đến việc họ đầu tư mua thêm bản quyền các giải thể thao quốc tế hấp dẫn nữa”.
Gánh nặng cuộc đua bản quyền đè lên vai người tiêu dùng
Nếu cho rằng vì mua bản quyền, tăng kênh nên phải tăng giá cước, thì lại có thêm câu hỏi: Vì sao VTC và đặc biệt là K+, không tăng giá cước? Đành rằng năm nay VCTV có bản quyền của nhiều giải đấu mới, như Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Serie A (Italia), Bundesliga (Đức), League 1 (Pháp), nhưng so với con số hơn 1.000 trận đấu có bản quyền K+ nắm giữ trong ba mùa bóng tới thì vẫn còn kém xa. Trong khi giá cước của K+, VTC đang đứng im, thì cước truyền hình cáp (THC) đang nhích lại gần, từ thấp hơn giá gói cước Premium+ (phát nhiều giải bóng đá quốc tế) 2,16 lần giờ sẽ thu hẹp lại còn 1,72 lần.
Ngoài bản quyền 7 giải hàng đầu đã có, trong mùa bóng mới K+ tiếp tục duy nhất nắm bản quyền trận đấu ngày chủ nhật Giải Ngoại hạng Anh, còn thêm các giải mới như League One, League Two, Carling Cup, World Cup Friendship v.v…K+ đã đấu để giành quyền chọn phát ưu tiên 1 và 3 các giải La Liga và Serie A trong ba mùa giải tới, các đài THC chỉ nắm quyền chọn 2 và 4. Nhưng trên thực tế, khách hàng của K+ xem được tất cả các lựa chọn nhờ các kênh được tích hợp phát trên K+.
Nhìn chung về bản quyền truyền hình bóng đá, THC vẫn đang gặp bất lợi hơn trên thị trường. Với việc tăng giá cước khiến NTD không hài lòng, bất lợi ấy càng tăng.
Nhà đài THC đã ngộ nhận về đòi hỏi của NTD khi quyết định tăng cước. Điều người tiêu dùng quan tâm nhất là chất lượng nội dung mỗi kênh đang phát được củng cố và nâng cao chứ không cần tăng kênh vô tội vạ rồi cắt đi bất chợt. NTD cần chất lượng sóng ổn định, hình ảnh rõ ràng, sắc nét chứ không phải nhiễu nhạo, chập chờn như đã và đang thấy.
Năm nay, các nhà đài dốc túi mạnh hơn để mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế. Nhưng nỗ lực này có còn ý nghĩa gì nhiều đối với NTD khi gánh nặng từ những cuộc đua nóng này cứ đè lên vai họ qua việc liên tục tăng giá cước?
(Theo LĐO)
Các tin khác
Bão số 5 giật cấp 14 đang thẳng tiến vào khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Dự báo, khoảng chiều tối nay bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh - Hải Phòng, đặc biệt tại các huyện đảo. Ở các tỉnh Bắc Bộ từ chiều nay cũng diễn ra mưa to đến rất to.
YBĐT - Ngày 16/8 tại Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), giám sát thi hành pháp luật và phản biện xã hội giai đoạn 2012 -2016.
YBĐT - Mùa mưa lũ làm mực nước ở nhiều dòng suối dâng cao, chảy xiết, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét rất cao. Thế nhưng, nhiều người dân tại xã Phúc Sơn và Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã bất chấp tính mạng ra suối khai thác cát, nhiều trẻ em tăm suối mà không có sự quản lý của người lớn.
Sau khi vào Biển Đông, bão Kai-tak nhanh chóng mạnh lên, đạt cấp 12. Đường đi của bão cũng thay đổi, chệch xuống phía nam và có khả năng ảnh hưởng tới miền Bắc.