Năm học 2012-2013: Chuẩn bị đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/9/2012 | 8:07:57 AM

Nhân khai giảng năm học mới 2012-2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận đã có cuộc trao đổi về những định hướng lớn nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Cũng như giải pháp khắc phục những khuyết điểm, yếu kém và các vấn đề nổi cộm của ngành gây bức xúc cho xã hội trong thời gian qua.

Niềm vui của học sinh Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới sáng 4-9.
Niềm vui của học sinh Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới sáng 4-9.

Việc triển khai đề án đổi mới giáo dục và lộ trình thực hiện tiếp theo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết:

- Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” để báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ, trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 (khóa XI).

Đến nay, bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thành lập ban nghiên cứu, tổ biên tập xây dựng dự thảo đề án, giao Viện Khoa học giáo dục VN, một số trường ĐH, một số địa phương cùng nghiên cứu xây dựng. Ban soạn thảo đề án cũng đã tham vấn ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của ngành; tham vấn ý kiến các bộ, ngành và một số địa phương, các chuyên gia trong và ngoài ngành, trong và ngoài nước... Hiện bản dự thảo đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6.

* Vậy nội dung của đề án tập trung vào những vấn đề gì, thưa bộ trưởng?

- Dự thảo đề án tập trung phân tích các thành tựu và bất cập, yếu kém của giáo dục và đào tạo VN, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan - nhất là đối với khuyết điểm, hạn chế của giáo dục - đào tạo. Đề án cố gắng lý giải, làm rõ các vấn đề: Một là, vì sao phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo VN. Hai là, những nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo, nội dung của đổi mới. Ba là, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện phải đạt được. Bốn là, nhiệm vụ, giải pháp triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Năm là, một số đề xuất, kiến nghị và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau để trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương thảo luận.

* Trong năm học mới, những việc gì được Bộ GD-ĐT chú trọng nhằm tạo bước đệm cho việc thực hiện đề án đổi mới giáo dục?

- Năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT dự kiến hoàn thành điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2011-2020 cho phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia 2011-2020. Bộ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bộ đang tiếp tục triển khai các nghiên cứu cần thiết cho đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”, dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trong năm học này, sẽ tiếp tục điều chỉnh, đổi mới một số nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi - kiểm tra - đánh giá ở các cấp học, bậc học theo hướng chú trọng năng lực sáng tạo, tự học, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Bộ GD-ĐT cũng triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện các trường sư phạm, đặc biệt là các trường ĐH sư phạm trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho toàn ngành.

Cô giáo và học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TP.HCM hân hoan trong ngày khai trường - Ảnh: TƯ TRUNG

* Trong năm học này, đổi mới phương pháp dạy học - đánh giá có phải là vấn đề được xem là nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục phổ thông?

- Năm học trước, bộ đã thực hiện điều chỉnh, xử lý những bất hợp lý trong nội dung dạy học theo hướng tinh giản, tích hợp các môn học nhằm giảm tải cho học sinh, phù hợp với thời lượng dạy học, điều kiện thực tế các nhà trường. Nhờ vậy đã khắc phục một bước tình trạng nội dung giảng dạy vượt quá khả năng nhận thức của học sinh, sự trùng lặp giữa các môn, giữa các lớp trong cùng môn ở tất cả các môn học, tạo điều kiện về thời gian cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém. Đây cũng là việc sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm học mới trên cơ sở rút kinh nghiệm năm học trước.

Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng diện thí điểm áp dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột của Pháp’’, tăng cơ hội cho học sinh tự thực hành, thí nghiệm tìm ra giải đáp về kiến thức, đồng thời mở rộng sử dụng chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 của trung tâm công nghệ giáo dục ở vùng khó khăn, có học sinh dân tộc thiểu số. Bộ cũng chỉ đạo các trường lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, nội dung giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương vào bài học chính khóa và các hoạt động giáo dục trong nhà trường, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ vừa dạy chữ vừa dạy người.

* Nhìn lại năm học vừa qua, không ít người tỏ ra lo lắng cho chất lượng giáo dục phổ thông khi việc đánh giá thi cử ở nhiều nơi còn chưa thực chất. Năm học mới Bộ GD-ĐT có động thái tích cực nào để khắc phục bất cập trong thi cử, khôi phục niềm tin của xã hội?

- Việc đổi mới phương pháp dạy học sẽ phải song song với đổi mới đánh giá, đánh giá học sinh trong cả quá trình học tập, quan tâm đến tiến bộ của các em. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được duy trì đổi mới theo hướng nâng cao trách nhiệm của các cơ sở GD-ĐT, đổi mới cách ra đề thi. Các môn tự luận ở kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH-CĐ tiếp tục ra theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức của học sinh, gắn với các vấn đề thời sự của đất nước và thế giới, qua đó tác động lại việc đổi mới phương pháp dạy học.

Hiện tại, bộ đang tổ chức chấm thanh tra bài thi của một số phòng thi, hội đồng thi một số địa phương có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đột biến. Kết quả chấm thanh tra không làm thay đổi kết quả tốt nghiệp của học sinh, song là căn cứ để bộ làm việc với lãnh đạo UBND các địa phương về trách nhiệm của các cấp quản lý.

Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên để đổi mới căn bản về mục tiêu trường chuyên: không chỉ là nơi phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu trên cơ sở giáo dục chất lượng cao mà còn là mô hình hướng tới của các trường THPT đại trà về phương thức hoạt động, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất. Bộ sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia, bồi dưỡng đội tuyển Olympic dự thi khu vực và quốc tế theo hướng tách bạch công tác quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động quản lý thi, phối hợp với các hiệp hội chuyên môn (toán, vật lý, lịch sử) đổi mới công tác ra đề thi, bồi dưỡng học sinh giỏi sát với yêu cầu của các kỳ thi khu vực và quốc tế như thi nói môn ngoại ngữ, thi thực hành với các môn vật lý, hóa học, sinh học...

(Theo TTO)

Các tin khác

Ngày 4-9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước đã ghi nhận trên 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 53 tỉnh, thành phố, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 26 trường hợp tử vong. Các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên có số người mắc SXH tăng cao nhất.

Đồng chí Hà Đức Hoan nổi trống khai giảng năm học mới.

YBĐT - Sáng 4/9, các Trường Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường Tiểu học Tân Đồng, huyện Trấn Yên, Tiểu học An Thịnh I (Văn Yên) và Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai giảng năm học mới.

Lãnh đạo các nhà tài trợ trao quà cho đại diện Trường THCS bán trú xã Bản Công

YBĐT - Hòa chung với không khí tưng bừng đón chào năm học mới của cả nước, sáng 4/9, thầy và trò Trường THCS bán trú xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đã chính thức khai giảng năm học mới 2012 - 2013.

Tráng men sản phẩm ở Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

YBĐT - Trong số trên 300 hợp tác xã (HTX) ở Yên Bái thì mới có 9 HTX thành lập được tổ chức công đoàn và trong hơn 1 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước (NNN) ( trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp sử dụng từ 30 lao động trở lên) thì mới có 95 đơn vị có tổ chức Công đoàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục