Cảnh báo tình trạng bạo lực học đường
- Cập nhật: Thứ ba, 11/9/2012 | 10:15:24 AM
YBĐT - Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) đã trở nên khá phổ biến ở hầu hết các trường học trong cả nước. Cụm từ BLHĐ đã dần trở thành một thuật ngữ để chỉ tình trạng đánh nhau, gây lộn, thậm chí là sát hại lẫn nhau giữa học sinh với học sinh.
Game online - một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng bạo lực học đường.
|
Tại Yên Bái, những câu chuyện về BLHĐ dường như đã không còn là chủ đề mới, song vẫn luôn được nhiều người quan tâm, bàn luận bởi tính chất nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng của một số vụ BLHĐ đã cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử... của một bộ phận học sinh hiện nay.
Theo đánh giá khách quan, hầu hết các đối tượng tham gia vào các vụ BLHĐ đều là những học sinh cuối cấp THPT, THCS (lứa tuổi mà cơ thể các em đang có sự phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn và dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê).
Qua tìm hiểu, lý do dẫn đến các vụ BLHĐ thường rất đơn giản như: không ưa thì đánh, bị khiêu khích nên đánh, đánh vì lý do ghen tuông chuyện “tình cảm”, đánh vì bị nói xấu, hiểu nhầm... Chỉ mới trong tháng 8 vừa qua, tại khu vực Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã xảy ra một vụ BLHĐ khiến dư luận phải xôn xao khi một nhóm học sinh (gồm: Trịnh Công Trường, Trịnh Công Đạt, Nguyễn Ngọc Thắng, Bàn Tòn Kiều, Bàn Tòn Chạn, Lý Văn Hợi, Hà Văn Huyên) chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ, người này cho người kia là “nhìn đểu” mà đã sẵn sàng dùng nhiều hung khí nguy hiểm như dao, cuốc, gậy gộc để tự “xử lý” nhau, dẫn đến hậu quả hai người bị thương, trong đó một người bị thương nặng phải nhập viện.
Chưa dừng lại ở mức độ gây thương tích như vụ BLHĐ nói trên, cùng với việc cãi vã, đánh chửi, xé quần áo của nhau, thời gian qua, ở một số trường học khác trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện những vụ BLHĐ (cả về thể chất lẫn tinh thần) có tính chất nguy hiểm và đáng báo động. Đó là việc đã có trường hợp học sinh dùng dao đâm chết bạn, dùng mối quan hệ với những đối tượng xấu ngoài nhà trường để trấn lột, dọa nạt, lấy đồ dùng của học sinh cùng trường, học sinh lớp trên bắt học sinh lớp dưới phải làm tay sai, đệ tử...
Em P.L.A - học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: “Đã hai lần em bị học sinh nam ở trường khác chặn xe ngang đường, bắt đưa tiền và điện thoại khi đi học thêm buổi tối về. Vì không có những thứ yêu cầu nên các bạn ấy đã đánh và bắt quỳ xuống xin mới tha cho”.
Thực tế cho thấy tình trạng BLHĐ hiện nay đã không còn là vấn đề của riêng ngành giáo dục. Do đó, để tiếp tục phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng BLHĐ cần phải có sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó, việc nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là điều hết sức cần thiết.
Cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc làm công tác chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Hiện nay, có một bộ phận các em học sinh do không được bố mẹ quan tâm, quản lý chặt chẽ về thời gian học tập, sinh hoạt ở nhà nên thường mải chơi, không chịu học và hay sa vào các trò chơi game – online. Có những em ngồi cả ngày trong quán điện tử mà không đến lớp. Khi hết tiền để trả cho chủ quán thì bán xe đạp, vay tiền bạn rồi về nhà ăn trộm tiền của cha mẹ...
Đáng buồn hơn là nhiều em vì chịu ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực mà sinh ra vô cảm, thờ ơ với đời sống thường nhật, học hành sa sút, hay cáu gắt và luôn thích gây gổ đánh nhau với bạn bè. Chúng tôi hy vọng, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phòng chống BLHĐ, để BLHĐ không còn là nỗi ám ảnh và là rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của các em”...
H.O
Các tin khác
YBĐT - Nhằm ổn định mức sinh thay thế và giảm số người sinh con thứ 3 trở lên, những năm qua, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã không ngừng đẩy mạnh công tác truyền thông Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS/KHHGĐ) và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
YBĐT - Ngày 11/9, đại diện Báo Tiền phong đã đến thăm hỏi, động viên và trao số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng vào quỹ cứu trợ tỉnh Yên Bái để giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Ngày 10-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Cho đến ngày 10/9, ba ngày sau vụ lở núi kinh hoàng ở La Pán Tẩn, lực lượng cứu hộ tỉnh Yên Bái vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hai nạn nhân còn mất tích.