Bão số 8 giật tới cấp 11
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2012 | 8:19:53 AM
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
|
Theo Trung tâm, hồi 4 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 260 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Bão số 8 được đánh giá là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, còn diễn biến phức tạp, do vậy, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Ban Chỉ đạo PCLBTW và UBQGTKCN ban hành công điện số 48/CĐ-TW. |
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa biển Đông có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều 26/10, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Từ đêm 26/10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng trị đến Quảng Ngãi, vùng biển vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
* Khẩn trương thông báo diễn biến bão số 8 cho các tàu thuyền
Chiều 25/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp khẩn với các thành viên để bàn các biện pháp chủ động phòng chống cơn bão số 8.
Báo cáo tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cho biết: hôm 25/10, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên đã có công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão. Đến nay, các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Định đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa Hè Thu. Người dân từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã thu hoạch gần 90% diện tích nuôi trồng thủy sản, hiện chỉ lo ngại đối với các hộ nuôi trồng lồng bè trên biển khu vực Trung miền Trung.
Các hồ chứa nước thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế hiện đang tích nước, dung tích đạt khoảng 60 đến 80% thiết kế. Đáng lưu ý là một số hồ đã đầy nước và đang cho xả tràn tự do. Các hồ chứa đang thi công tại khu vực miền Trung đã xây dựng xong tràn xả lũ và chủ động lên phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn công trình. Hiện các hồ này không tích nước, khi có lũ sẽ chảy qua tràn tự do. Còn các hồ thủy điện khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường. Khu vực Tây nguyên có nhiều hồ chứa đã đầy nước, đang cho xả tràn để đảm bảo thực hiện vận hành theo quy trình.
Đến chiều 25/10, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố đã thông báo và hướng dẫn cho gần 27 nghìn tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị quân đội chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và thiết bị để ứng cứu các tình huống khẩn khi bão số 8 đổ bộ vào đất liền.
Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gian tìm kiếm cứu nạn cho biết: “Đến thời điểm chiều 25/10, chúng tôi tập trung bên biên phòng, hải quân, không quân, cảnh sát biển và 4 Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng 6 máy bay trực thăng, tàu xuồng 556 chiếc. Các lực lượng trên bờ đã triển khai các phương án sẵn sàng di dời dân, hỗ trợ ứng phó đê điều. Quân khu 4 và 5 đã thành lập các sở chỉ huy tiền phương sẵn sàng cơ động lực lượng.”
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, ngư dân buộc phải lên bờ.
Các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng đảm bảo cây trồng vụ Đông mới gieo trồng, chủ động tích trữ lương thực, thuốc men và điều các phương tiện máy móc xử lý kịp thời các tính huống bị chia cắt: “Để đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của nhân dân, đề nghị các đồng chí bộ đội, Tổng cục Thủy sản phối hợp với địa phương tìm mọi cách liên hệ với tàu cá, tàu vận tải hoạt động ở khu vực nguy hiểm hướng dẫn vào nơi trú ẩn an toàn, chỉ đạo các địa phương xử lý phù hợp cho từng khu vực đê và hồ chứa ở khu 4 và đồng bằng sông Hồng vừa xuống giống vụ đông, phải bảo vệ được vụ đông, bàn với các địa phương để xử lý nước”.
(Theo Chinhphu.vn - VOV)
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, ở một số địa phương vùng nông thôn của tỉnh Yên Bái như Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên... mô hình xây dựng bể chứa rác công cộng đã phát huy hiệu quả cao khi rác thải sinh hoạt của người dân được thu gom xử lý một cách khá bài bản bảo đảm vệ sinh môi trường.
YBĐT - Chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Tân Đồng từng bước nâng cao với tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,4%; 100% học sinh ra lớp đúng độ tuổi; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi đạt trên 55%; đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng đồng bộ, chuẩn hóa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão Sơn Tinh đang di chuyển với tốc độ nhanh, khoảng 25 km/giờ và trong 24 giờ tới, bão sẽ tiến vào Biển Đông và chuyển thành cơn bão số 8.
YBĐT - Sau 6 năm triển khai thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), đã có 11/14 xã, thị trấn đạt chuẩn; cơ sở vật chất, trang thiết bị của 14/14 trạm y tế xã, thị trấn được quan tâm đầu tư.