Những cựu chiến binh giúp nhau làm giàu
- Cập nhật: Thứ tư, 7/11/2012 | 9:19:49 AM
YBĐT - Từ 16 hội viên CCB làm nòng cốt, đến nay tổ hợp sản xuất thôn Đồng Phúc, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho gần 100 lao động là con em CCB và nhân dân trong xã, cho thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/ tháng.
Tổ hợp sản xuất của Hội CCB thôn Đồng Phúc, xã Việt Thành (Trấn Yên) đang thu hoạch vỏ quế.
(Ảnh: Hồng Thoa)
|
Tìm một hướng đi phát triển kinh tế hộ gia đình để xoá đói, giảm nghèo bền vững là một việc khó. Song, có một mô hình phát triển kinh tế tập thể trồng rừng và bảo vệ rừng đã thành công, 100% gia đình hội viên từ nghèo khó đã trở thành những hộ khá và giàu, trong đó có trên 85% là hộ giàu theo tiêu chí mới, đó là cách làm có hiệu quả cao của Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Đồng Phúc, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên.
Cách đây vài chục năm về trước, nạn phá rừng diễn ra ồ ạt không thể kiểm soát được với lý do thật đơn giản: vì miếng cơn manh áo, vì cái lợi trước mắt và một cơ chế lỏng lẻo, khiến cho diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Yên Bái nói chung cũng như huyện Trấn Yên nói riêng bị thu hẹp lại nhanh chóng. Nhiều diện tích rừng tự nhiên bị khai thác kiệt quệ, rừng bị chặt phá nham nhở làm nương rẫy, rồi trở thành đồi trọc bạc màu chỉ còn cỏ dại và lau lách.
Sau khi có chính sách giao đất giao rừng của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ gia đình và tập thể đã chọn cho mình nghề trồng rừng và bảo vệ rừng là nguồn thu nhập chính để bảo đảm cuộc sống ổn định, đây cũng là nghề cứu cánh cho những người lính, những CCB đã vượt qua chiến tranh hầu như không có tư liệu sản xuất trở về với đời thường. Họ hiểu được giá trị của rừng, cái giá phải trả khi không còn rừng để rồi chấp nhận con đường khó khăn, vất vả tìm cách cứu rừng và cũng để tự cứu chính mình trong cuộc sống mưu sinh.
Năm 2003, ngay sau khi được chính quyền địa phương giao cho 74 ha đồi núi hoang hoá, Chi hội CCB thôn Đồng Phúc đã vận động được 16 hội viên có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc cùng nhau khai hoang phục hoá quyết tâm trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc để bảo vệ sinh thái rừng, bảo vệ nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa nước và hoa màu của nhân dân trong thôn, mang lại lợi ích cho các hội viên từ việc phát triển kinh tế rừng trồng.
Cùng với các mô hình trang của hợp tác xã mùng 6-12 và mùng 3-2 của Hội CCB xã Đào Thịnh đã phát triển thành công từ trồng quế cho thu nhập kinh tế cao, tổ hợp sản xuất của chi hội CCB thôn Đồng Phúc - xã Việt Thành ngoài việc phát triển cây quế là chủ đạo đã chú trọng phát triển cây lấy gỗ như bồ đề, keo tai tượng… xen canh với cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày phù hợp “ lấy ngắn nuôi dài ” lấy hiệu quả kinh tế từ sắn, ngô, đậu, lạc.. để đầu tư mở rộng, chăm sóc diện tích rừng trồng, tận dụng đất đai tạo độ che phủ cần thiết, giữ độ ẩm chờ cho rừng khép tán. Gần 10 năm bám đất bám rừng, đất không phụ người có công, đến nay 74 ha rừng trong đó có 20 ha khoanh nuôi, 54 ha rừng sản xuất đã phát huy hiệu quả kinh tế.
Năm 2011, đã cho khai thác trên 120m3 gỗ keo, đạt giá trị 55 triệu đồng, quế tỉa thưa thu hoạch trên 40 tấn vỏ đạt 400 triệu đồng, lá quế thu trên 60 triệu đồng, các nguồn thu từ cây ngắn ngày cũng cho thu cả trăm triệu, đến năm 2012 chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm tổng thu từ nguồn lợi kinh tế rừng trồng đã đạt trên 500 triệu đồng.
Từ 16 hội viên CCB làm nòng cốt, đến nay tổ hợp sản xuất đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho gần 100 lao động là con em CCB và nhân dân trong xã, cho thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/ tháng. Vì thế các gia đình hội viên trước đây hầu hết là hộ nghèo, sau gần 10 năm chung sức, chung lòng vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật đến nay 100% gia đình hội viên CCB ở thôn Đồng Phúc đã trở thành hộ khá và giàu, có đến 85 % là hộ giàu có nhà xây khang trang và khá đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.
Mảnh đất quê hương không phụ công người có trí, cần cù, dám nghĩ dám làm với diện tích 74 ha rừng khoanh nuôi và rừng sản xuất đã khép tán, đang đến độ cho thu hoạch cao thì cuộc sống người lao động càng gắn bó với rừng, việc trồng rừng và bảo vệ rừng đã là nghiệp sống lâu dài không chỉ riêng đối với các CCB trong thôn Đồng Phúc mà là nguồn sống cơ bản của nhân dân trong vùng, đúng như những lời ông Nguyễn Văn Vinh - Bí thư Đảng uỷ xã Việt Thành: “Mô hình trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế từ rừng trồng của các CCB thôn Đồng Phúc là một mô hình có hiệu quả kinh tế cao, đã được nhân rộng ra trong toàn xã, đặc biệt là môi trường rừng tự nhiên và rừng trồng đã phát triển nhanh chóng và trở thành mô hình kinh tế mũi nhọn của địa phương”.
Lại Tấn
Các tin khác
YBĐT - Trường Mầm non xã Bảo Ái (Yên Bình) có 207 cháu với 8 phòng học, trong đó có 6 phòng học tạm và 2 phòng bán kiên cố. Hiện tại nhà trường còn thiếu toàn bộ các phòng học chức năng (phòng làm việc của Ban giám hiệu, phòng y tế, phòng hoạt động âm nhạc, bếp ăn) nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và nuôi dưỡng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, cao đẳng, các viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ và các trường trung cấp chuyên nghiệp rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Khoảng 6 giờ sáng 6/11, mặt đất huyện Bắc Trà My lại tiếp tục rung lắc kèm theo tiếng nổ phát ra từ lòng đất… Người dân sống ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 càng thêm lo sợ.
YBĐT – Sáng 6/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở về DS-KHHGĐ khu vực phía bắc.