Đến nơi có những “sóng vàng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/11/2012 | 3:10:32 PM

YBĐT - Mùa này, nhìn màu vàng của lúa, màu xanh khói của sương, tôi chợt nhớ về một vùng đất mà ở đó nhiều cái tên đã gieo vào lòng bao nhiêu người sự khắc khoải, vùng đất của những “sóng vàng”- Mù Cang Chải.

Đi để biết thế nào là đất…

Lần đầu tiên tôi lên Mù Cang Chải ấy là khi mấy anh chị em trong gia đình muốn đi đâu đó vào dịp cuối tuần, bàn đi tính lại cuối cùng quyết định chọn điểm đến là Mù Cang Chải. Lúc đó trong tôi chỉ mơ hồ là đường sẽ xa lắm, cảnh vật sẽ hoang sơ lắm và người vùng cao chắc chắn là nồng hậu lắm..
Đường lên Mù Cang Chải quanh co, những con đèo uốn lượn trên sườn núi.

Ngước lên phía trên thấy xanh ngợp màu lá của cây, nhìn xuống phía dưới, ruộng và nhà li ti như những nét vẽ của trẻ nhỏ, trời buổi sáng sương vấn vít bay theo chân người đi. Mùa thu như người tri ân khi thả xuống những dải ruộng  bậc thang một màu vàng sóng sánh.

Lướt qua kính xe, những nóc nhà có đầy những trái bí bò lổm ngổm, một vài chàng trai người Mông đứng chon von trên đầu cây quạt lúa chông chênh, chốc chốc bên đường lại xuất hiện một bọn trẻ kéo lê thành quả của một ngày lao động là những bó củi… đã làm cho tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chuyến đi ấy tất cả mọi người đều cảm thấy vui vì đã có một ngày cuối tuần thú vị và tôi thì đơn giản nghĩ: “Thế là mình đã biết Mù Cang Chải”.

Đến để biết thế nào là tình…

Thế rồi tôi lại có dịp quay lại vùng đất này, không phải vì thực hiện lời hứa với chú Vừ - một người Mông hiếu khách, mà hoàn toàn là một chuyến đi mới, vai trò mới: làm thành viên của đoàn đại biểu Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái lên thăm và tặng quà kết nghĩa với Trường PTCS xã Mồ Dề. Chương trình nằm trong kế hoạch kết nghĩa giữa 2 phòng giáo dục - đào tạo huyện Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái được triển khai từ năm 2003.

Suốt chặng đường đi lần này, mặc dù đã được đồng nghiệp là thầy giáo Phạm Tiến Lợi - người cũng đã ở Mồ Dề 2 năm kể chuyện, giới thiệu mà chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi đặt chân đến. Toàn bộ số quà tặng gồm chăn bông, sách vở, mì tôm cùng những vị khách được các thầy cô giáo đón và chuyển về trường bằng xe máy.

Nằm cách trung tâm huyện 4km, đường vào trường như đi ngược lên đỉnh núi, con đường mòn vắt vẻo, có những đoạn phải xuống dắt xe. Vẫn là vực, vẫn là dốc núi mà sao lại khiến tôi có cảm giác bất an mặc dù đã có lời động viên của thầy giáo chủ nhà: “Chị đừng quá sợ nhé, nhìn thẳng đường, đừng nhìn xuống vực”. Cô giáo cùng đi có tên là Diễm Hương, khi đến nơi đã quay lại thì thầm: “Chị ơi, mấy lần em định xuống xe để đi bộ đấy”.

Suốt cả buổi tối hôm đó và cả ngày hôm sau nữa, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với các đồng nghiệp giáo viên và các em học sinh nhà trường, được nghe những câu chuyện mà từ trước chỉ nghĩ rằng nó xảy ra ở đâu đó không liên quan gì đến mình. Đó là lần cô giáo Hằng bị lao xe xuống vực, gãy mấy chiếc xương sườn; đó là những buổi đi họp vận động học sinh đến trường về đến nhà thì đã 2h sáng của đa phần anh chị em; đó là những manh áo mà các thầy cô góp từ những đồng lương ít ỏi mua tặng học trò, rồi cả những gói gia vị khi ăn mì tôm phải để lại lấy cái pha làm nước canh cho học sinh ở nội trú. Và có khi nào, ở đâu ngày 20 tháng 11 các cô giáo đã ôm nhau khóc chỉ vì lần đầu tiên sau bao nhiêu năm dạy dỗ, học trò vùng cao đã biết hái tặng các cô một bó hoa rừng…

Nhìn cái cách khi đang tiếp khách, thỉnh thoảng một thầy giáo chạy ra sẻ vào bát học trò một vài thìa canh hoặc miếng thịt, tôi biết các anh chị đã thương các em nhiều lắm và tôi cũng biết mình đã được nhiều hơn các đồng nghiệp ở nhà từ chuyến đi này.

Tạm biệt, để biết mình còn phải quay lại…

Sau buổi gặp gỡ, tặng quà mở đầu ấy, việc quyên góp ủng hộ trường kết nghĩa Mồ Dề đã trở thành hoạt động thường niên của các thầy cô giáo và toàn bộ các em học sinh Trường Nguyễn Du. Những lần lên tặng quà sau đó, đoàn đi không gói gọn thành phần vì rất nhiều giáo viên của nhà trường muốn được lên chia sẻ về chuyên môn cũng như động viên đồng nghiệp bằng tình cảm.

Những món quà của chúng tôi giờ đây ngoài các vật dụng thiết yếu như chăn ấm, bộ âm thanh dùng cho hoạt động tập thể, sách giáo khoa, mì tôm, bánh kẹo, quần áo… còn có thêm những gói bột gia vị mà học trò vùng thấp học các thầy cô giáo vùng cao mỗi khi ăn mì nhớ cất đi đóng lại thành túi chờ đến khi các thầy cô chuẩn bị cho chuyến đi thì mang đến gửi tặng.

Học trò Trường Nguyễn Du giờ đây đã thấm thía hơn những bài học của cuộc sống nhờ vào những câu chuyện thực tế mà các thầy cô kể lại trong các giờ học ngoại khóa, nhờ vào những bức ảnh do các thầy chụp và gần như là thói quen, mỗi khi tháng 10 về các em lại hỏi một câu rất quen thuộc: “Cô ơi, bao giờ lại lên Mù Cang Chải?”

Lên Mù Cang Chải, lên Mồ Dề là việc của hàng năm vì mảnh đất ấy đã dạy cho cô trò chúng tôi bao điều không có trong sách vở. Ở đó tôi và các em đã biết thế nào là bao dung, là tận tụy, là vượt khó theo đúng nghĩa. Ở đó có các đồng nghiệp của tôi mà nhờ sự cống hiến của các anh chị, mảnh đất khắc nghiệt nơi cực tây của Yên Bái sáng bừng thêm những gam màu hy vọng.

Mù Cang Chải trong tôi không chỉ là sự mới lạ khi tìm hiểu về bản sắc của một tộc người, không chỉ là sự kì vĩ của thiên nhiên hay cái đẹp mê hồn của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín. Vùng đất xa xôi ấy đã trở nên gần gũi vì chữ “tình” của người vùng cao dành cho bạn và bạn dành cho vùng cao, chữ tình đã làm nên một “sóng vàng” bên cạnh sóng vàng của lúa, của ngô vào mùa thu hoạch, để một lần  đã đến là phải nghĩ thầm: “Mình sẽ quay trở lại”.

Hoàng Loan (Trường THCS Nguyễn Du - thành phố Yên Bái)

Các tin khác

YBĐT - Giai đoạn 2009 - 2012, xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, chăm lo xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu vừa được Chính phủ ban hành, trong đó có quy định giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tại cửa hàng bán lẻ trên địa bàn một quận, huyện, thị xã được xác định theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/1.000 dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

Ảnh minh họa.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết: Tính đến 16h ngày 13/11, lực lượng Biên phòng phối hợp với các địa phương tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã thông báo, hướng dẫn cho 25.179 tàu với 160.892 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) để chủ động phòng tránh.

Hội đồng kỷ luật Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo sở trong công tác phòng chống cơn bão số 8, ngoài ông Đàm Xuân Lũy - giám đốc Sở GTVT Hải Phòng - bị đề nghị xem xét kỷ luật, hội đồng còn đề nghị UBND TP Hải Phòng xem xét kỷ luật đối với các ông Mai Xuân Phương (phó giám đốc sở), ông Vũ Tiến Dũng (giám đốc) và ông Trần Văn Phúc (phó giám đốc Công ty Quản lý đường bộ Hải Phòng).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục