Vững vàng sự nghiệp “trồng người”
- Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2012 | 3:11:27 PM
YBĐT - Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái - tiền thân là Trường cấp 3 thị xã Yên Bái - Trường cấp 3A thị xã Yên Bái và là trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh Yên Bái.
|
Trường được thành lập năm 1957 theo quyết định của Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái với đội ngũ giáo viên ban đầu có 6 người, hơn 40 học sinh của nhiều vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai... Đến nay, Trường THPT Nguyễn Huệ có 31 lớp, 1.300 học sinh, 82 cán bộ và giáo viên, trong đó 13 giáo viên là thạc sỹ và 2 giáo viên đang học cao học. Đảng bộ nhà trường có 45 đảng viên; nhà trường có các tổ chức đoàn the: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ vững mạnh xuất sắc. 55 năm qua là quá trình phấn đấu liên tục của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.
Với sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền, của lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo qua các thời kỳ cũng như có sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự đồng hành của hội cha mẹ học sinh, nhà trường đã vượt lên mọi khó khăn để dần khẳng định vị trí là trung tâm chất lượng quan trọng trong hệ thống giáo dục tỉnh Yên Bái.
Nhà trường kiên trì phấn đấu thực hiện quan điểm giáo dục của Đảng, không ngừng phát triển và trưởng thành, xứng đáng là trung tâm chất lượng cao và luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và thành phố Yên Bái.
Sự phát triển đi lên suốt 55 năm qua cùng những thành tích xuất sắc của nhà trường được bắt đầu từ những định hướng đúng, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của Chi bộ Đảng, của tập thể Ban Giám hiệu và lãnh đạo các đoàn thể cũng như tinh thần đoàn kết, tâm huyết nghề nghiệp của các thế hệ cán bộ, giáo viên nhà trường. Những định hướng đó là: "Tất cả vì lợi ích của học sinh; lấy kỷ cương, dân chủ tạo nên chất lượng giáo dục; xây dựng nội lực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện từ chất lượng người "thầy"; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hiệu quả; Dạy thực chất - Học thực chất - Kiểm tra đánh giá thực chất; chất lượng là danh dự, là sức sống của nhà trường".
55 năm qua, những mốc thời gian đầy ý nghĩa gắn với các dấu ấn và thành tích nổi bật trong từng giai đoạn phát triển của Trường THPT Nguyễn Huệ. Giai đoạn 1957 - 1965, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, theo tiếng gọi của Đảng, nhiều thanh niên trí thức và giáo viên trẻ từ miền xuôi đã xung phong đi xây dựng vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái. Có 6 giáo viên đã được phân công về để thành lập và giảng dạy tại Trường cấp 3 Yên Bái - ngôi trường đầu tiên của hệ thống giáo dục cấp 3, ngày nay là hệ trung học phổ thông vào năm 1957 trong điều kiện vô cùng thiếu thốn cả về con người cũng như cơ sở vật chất, phương tiện dạy học.
Song cũng chính trong hoàn cảnh đó, những giáo viên cấp 3 đầu tiên của tỉnh đã phấn đấu với quyết tâm cao nhất để có chất lượng giáo dục tốt, kết quả tốt nghiệp đạt trên 70% trở lên. Nhiều học sinh của những khóa học đầu tiên này đã và đang giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng và chính quyền, các cơ quan chuyên môn trong các lĩnh vực từ các tỉnh đến Trung ương.
Giai đoạn 1965 - 1975, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, thầy và trò nhà trường phải đi sơ tán nhiều nơi nhưng trường vẫn duy trì từ 9 đến 12 lớp, trên 500 học sinh. Lớp học lợp tranh tre, nứa lá, có những lớp học nửa nổi nửa chìm trong lòng đất để vừa học vừa tránh máy bay Mỹ. Nói tới Trường cấp 3A thị xã Yên Bái trong thời kỳ này là nghĩ tới những năm tháng gian khổ mà đẹp đẽ. Dưới mưa bom bão đạn, thầy và trò vẫn bám trường, dựng lớp, quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt" và vừa thi đua dạy tốt - học tốt vừa sẵn sàng lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Giai đoạn 1975 - 1986, năm 1975, trường chuyển về đóng tại Km7 đường Yên Bái - Hà Nội thuộc phường Yên Thịnh, thị xã Yên Bái. Thầy và trò nhà trường lại một lần nữa phát huy tinh thần tự lực tự cường, bắt tay xây dựng lớp học, nhà làm việc từ tranh tre, nứa lá, đáp ứng cho 33 lớp, trên 1.500 học sinh và hơn 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập và giảng dạy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1982, nhà trường được vinh dự mang tên người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Năm 1983, trường chuyển về địa điểm ngày nay tại đường Yên Ninh, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái với điều kiện cơ sở vật chất kiên cố; trang thiết bị được tăng cường và hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng được bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục - đào tạo bậc trung học phổ thông trong thời kỳ mới với các chương trình cải cách giáo dục. Quy mô trường có nhiều năm lên tới 36 lớp, gần 1.800 học sinh và hơn 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Giai đoạn 1986 - 2000, những năm đầu đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đòi hỏi đào tạo thế hệ trẻ có kiến thức thực sự, có năng lực suy nghĩ, năng động để có thể thích nghi với nhiều vấn đề cuộc sống đặt ra. Nhà trường đã tập trung xây dựng nội lực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh từ chất lượng người "thầy" và lấy kỷ cương, dân chủ tạo ra chất lượng giáo dục. Vì vậy, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, nhà trường vươn lên thành trường có chất lượng giáo dục xếp hàng nhất, nhì của tỉnh Yên Bái.
Chúng ta khâm phục sự tìm tòi sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của các thầy cô trong Ban Chi ủy, Ban Giám hiệu thời kỳ ấy là thầy Nguyễn Đình Lưu, cô Hoàng Thị Chiến, thầy Nguyễn Văn Khính, thầy Hoàng Văn Trường... và tập thể sư phạm nhà trường trong những năm 90 của thế kỷ XX. Các thầy cô tiêu biểu cho tinh thần tận tuỵ, say sưa, không quản vất vả ngày đêm, hết mình với công việc để có khuôn viên nhà trường và chất lượng giáo dục như hiện nay. Ít người biết được rằng, thầy và trò nhà trường vẫn tập thể dục, thi đấu thể thao trên sân vận động mà ở dưới có một dòng suối - cái mạch ngầm thần thái nhà trường chảy mãi không ngừng...
Trong danh sách hơn hai vạn cựu học sinh cấp 3, cấp 3A thị xã Yên Bái, Trường THPT Nguyễn Huệ ngày nay, chúng ta có quyền tự hào khi nhắc tới những cán bộ cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam như: Thiếu tướng Vũ Lục Quốc, Đại tá Trịnh Ngọc An, Nguyễn Văn Kỳ...; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Quân; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phùng Quốc Hiển; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Quý Đăng; nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Yên Bái Trần Cương; nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Yên Bái Ngọc Bái; Phó giáo sư - Tiến sĩ Khổng Doãn Điền; Phó giáo sư - Tiến sĩ nghệ thuật Lê Bá Dũng; Tiến sĩ dược khoa Nguyễn An Ninh...
Thành quả thi đua dạy tốt - học tốt của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ đã liên tục nhiều năm liền đạt tập thể tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái tặng cờ "Tập thể xuất sắc dẫn đầu khối trung học phổ thông". Nhà trường đã phát triển vững chắc và trở thành trung tâm chất lượng cao của tỉnh Hoàng Liên Sơn trước đây và tỉnh Yên Bái ngày nay. Năm 1997, nhà trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Từ năm 2001 - 2012, đất nước tiếp tục đổi mới và hội nhập, nhà trường chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, chất lượng với phương châm "Dạy thực chất - Học thực chất - Kiểm tra đánh giá thực chất"; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống; tuyên truyền phòng tránh và ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường; làm tốt công tác phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Nhà trường tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất, thẩm mỹ, văn nghệ và cùng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo trong nghề nghiệp đã tạo nên bước tiến dài và vững chắc về chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng học sinh khá giỏi, chất lượng học sinh thi đỗ đại học và có những hoạt động giáo dục theo mô hình chất lượng cao. Nhà trường tích cực thực hiện phong trào "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".
Một giờ thực hành của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ.
Thầy và trò nhà trường đều có những việc làm cụ thể "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; làm tốt phong trào xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch". Nhà trường ra sức tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ.
Phát huy truyền thống tốt đẹp, đội ngũ nhà giáo Trường THPT Nguyễn Huệ luôn là người thầy tận tâm với học sinh - tận tụy với nghề; tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách kiểm tra nhằm đánh giá đúng kết quả học tập, tu dưỡng của học sinh; bảo quản tốt, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tích cực bổ sung cơ sở vật chất cho dạy và học.
Bên cạnh đó làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục; tập trung xây dựng nền nếp, kỷ cương, chống tiêu cực trong thi cử, kiểm tra đánh giá học sinh; tăng cường xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; giáo dục thái độ, hành vi ứng xử thân thiện trong đội ngũ nhà giáo, học sinh; rèn tính trung thực và phát huy vai trò tích cực của học sinh.
Thành quả tất yếu cho sự quyết tâm xây dựng, giữ vững trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 để khẳng định vị thế của nhà trường trong tốp các trường có chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường trước yêu cầu đào tạo thế hệ trẻ trở thành con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức - trí tuệ - sức khỏe, kỹ năng và tác phong công nghiệp, trở thành người công dân tốt đã tạo nên thành tích xuất sắc trên nhiều hoạt động giáo dục.
Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, nhà trường đã di chuyển địa điểm 5 lần, từ ban đầu là 1 lớp với 6 giáo viên, chia tách thành các trường mới và trải qua những khó khăn của các thời kỳ đặc thù, đến nay, chúng ta có quyền tự hào vì đã đào tạo được 52 khóa học sinh với hơn 22.000 học sinh ra trường.
Trong số đó, có hàng trăm học sinh đã trở thành chiến sỹ bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền của đất nước, có hàng chục liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì hòa bình dân tộc và cuộc sống bình yên của chúng ta hôm nay, có nhiều người đã là sĩ quan cao cấp; có hàng trăm cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền từ cấp huyện thị, tỉnh và Trung ương, có người là bộ trưởng, thứ trưởng, tổng giám đốc, chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; nhiều người đã trở thành cán bộ khoa học kỹ thuật, trong đó nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà giáo dục, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ...
Họ đã và đang phát huy truyền thống của nhà trường, cống hiến tài năng và trí tuệ của mình để xây dựng Tổ quốc và tỉnh Yên Bái ngày càng giàu mạnh. Họ là đại diện tiêu biểu ưu tú nhất của các thế hệ học sinh trong những năm qua. Họ là niềm tin yêu của bạn bè, thầy cô. Nhiều cán bộ, giáo viên trưởng thành từ mái trường này đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp, trưởng - phó các ban Đảng, giám đốc - phó giám đốc các ngành, bí thư, chủ tịch tỉnh, huyện, thị các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái...
Những tên tuổi lớn như thầy giáo Lê Văn Nhẫn, thầy giáo An Viết Vân, thầy giáo Hoàng Trường Kỳ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Lưu, Hoàng Thị Chiến, Hoàng Văn Trường, Nguyễn Thị Thanh Nội. Các thầy, cô đã để lại nhiều dấu ấn và kỷ niệm đẹp ở mái trường này. Chúng tôi - những thế hệ tiếp theo luôn luôn tự hào về những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã đạt được, nguyện phấn đấu noi theo những tấm gương hết lòng vì sự nghiệp trồng người, vì học sinh thân yêu của các đồng chí.
Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục tham mưu với cấp trên tăng cường cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa; phối hợp với cha mẹ học sinh, các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng thực hiện các hoạt động giáo dục; tăng cường nền nếp, kỷ cương, khắc phục và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục; tạo môi trường giáo dục lành mạnh, xây dựng khối đoàn kết, thi đua dạy tốt -học tốt, phát huy truyền thống, vững bước đi lên, đạt nhiều thành tích hơn nữa, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, UBND tỉnh, thành phố Yên Bái đã dành tặng cho trường.
Nhiệm vụ trồng người của chúng ta ở phía trước thật vinh quang nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức của thời kỳ hội nhập. Chúng ta nguyện sát cánh cùng nhau xây dựng Trường THPT Nguyễn Huệ xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Chỉ tính từ năm 1987 đến nay, Trường THPT Nguyễn Huệ có 393 học sinh giỏi cấp tỉnh, 53 giải học sinh giỏi quốc gia. Các tổ chức đoàn thể của nhà trường hoạt động khá hiệu quả và đã giành được nhiều thành tích xuất sắc: hơn 60 lần các tổ được phong danh hiệu tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, 150 lượt giáo viên là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh, 01 giáo viên là chiến sĩ thi đua toàn quốc. Nhà trường liên tục 18 năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, 5 lần được công nhận là đơn vị dẫn đầu khối trung học phổ thông toàn tỉnh. Nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa về văn nghệ, thể dục thể thao... Đặc biệt, năm 1997, nhà trường vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2007 Huân chương Lao động hạng Nhì và năm 2012 là Huân chương Lao động hạng Nhất. |
Đào Ngọc Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ
Các tin khác
Lần đầu tiên các vấn đề về quấy rối tình dục ở nơi làm việc đã được Việt Nam quy định tại Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 5-2013).
Sáng 15/11 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2012).
Sáng 15/11, Bộ Nội vụ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Diễn đàn quan hệ đối tác cải cách hành chính với chủ để “Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá trong Cải cách hành chính."
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 9-2012, có trên 59,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tăng 4,1 triệu người (7,4%) so với cùng kỳ năm 2011.