“Ăn tết chung vui hơn"

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/12/2012 | 10:15:52 AM

YBĐT - Chuyển sang ăn tết Nguyên đán, đồng bào Mông vẫn có thể chọn một ngày đẹp trong các ngày lễ cổ truyền của dân tộc để làm lễ cúng tế tổ tiên, gặp gỡ đoàn tụ gia đình, còn tết Nguyên đán là tết chính để đồng bào có thể vui chơi, giao lưu gặp gỡ.

Thời điểm này đã vào dịp tết Mông nhưng đồng bào Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn vẫn đang lên đồi thu hoạch ngô.
(Ảnh: Đức Hồng)
Thời điểm này đã vào dịp tết Mông nhưng đồng bào Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn vẫn đang lên đồi thu hoạch ngô. (Ảnh: Đức Hồng)

Đồng bào Mông ở Văn Chấn (Yên Bái) trước đây thường tổ chức ăn tết cổ truyền của dân tộc bắt đầu từ cuối tháng 11 Âm lịch hàng năm, có khi kéo dài đến tết Nguyên đán. Cùng với quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt và thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, đến nay, người Mông Văn Chấn đã chuyển sang ăn tết Nguyên đán cùng với đồng bào các dân tộc. Đây là bước thay đổi cơ bản về phong tục cũng như tư duy nhận thức của đồng bào.

Huyện Văn Chấn có trên 10 nghìn người Mông, chiếm trên 7,5% tổng dân số, tập trung ở các xã: Suối Giàng, Suối Bu và Sùng Đô. Trước, đời sống người Mông chủ yếu dựa vào rừng và sản xuất nông nghiệp một vụ. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch là thời điểm nông nhàn cũng là thời gian người Mông tổ chức ăn tết.

Việc tổ chức tết của người Mông thường kéo dài 15 - 30 ngày gây lãng phí thời gian, tiền của, ảnh hưởng đến sản xuất. Mặt khác, việc tổ chức tết đơn lẻ không tạo được sự giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc mà còn là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng gây mất ổn định an ninh trật tự. Đặc biệt hơn chục năm trở lại đây, thực hiện chương trình giáo dục mới, các em học sinh vùng cao không còn học chương trình giáo dục riêng nên việc ăn tết như thế ảnh hưởng rất lớn đến học tập.

Nhận thức được những yêu cầu cần phải thay đổi tục ăn tết của người Mông, năm 1989 - 1990, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, huyện Văn Chấn có kế hoạch vận động đồng bào Mông các xã chuyển sang ăn tết Nguyên đán cùng với toàn dân tộc. Là xã trên 98% đồng bào Mông sinh sống, Suối Giàng đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này.

Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng bộ xã Suối Giàng cho biết: “Chủ trương vận động đồng bào Mông chuyển sang ăn tết Nguyên đán rất phù hợp với điều kiện sản xuất và học tập của các em học sinh và nhân dân. Thực hiệc chủ trương này, chúng tôi đã đưa vào quy ước, hương ước của bản, làng để vận động bà con. Ban đầu cũng rất khó vì đây là phong tục cổ truyền, nhưng với việc vận động tích cực và những thuận lợi khi chuyển sang ăn tết muộn hơn một tháng, dần dần nhân dân đã nhận thức và thực hiện theo. Đến nay, 100% gia đình người Mông ở Suối Giàng đã ăn tết Nguyên đán”.

Cùng với người Mông xã Suối Giàng, đồng bào Mông ở các địa phương trên địa bàn huyện Văn Chấn, được sự vận động của Đảng bộ, chính quyền địa phương và anh, em, bạn bè, dòng họ đã chuyển dần chuyển sang ăn tết Nguyên đán. Đến năm 2000, đồng bào Mông trên địa bàn huyện đã cơ bản chuyển sang ăn tết Âm lịch cùng với nhân dân cả nước. Giờ đây vào thời điểm cận kề tết Mông nhưng đến Văn Chấn không bắt gặp cảnh những trai làng gái bản trong những bộ trang phục sặc sỡ, xúng xính xuống chợ mà trên các triền đồi đang tấp nập cảnh đồng bào thu hoạch sắn, ngô.

Đặt bao ngô căng tròn xuống trước sân ngôi nhà to rộng, ông Vàng Sáy Khua, thôn Ba Cầu, xã Suối Bu phấn khởi cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình và bà con trong xã  chuyển sang ăn tết Nguyên đán nên có thời gian để sản xuất, thu hoạch hoa màu, con cái cũng yên tâm học hành, đời sống được nâng cao. Ăn tết chung cũng vui hơn vì được giao lưu với anh em các dân tộc khác”.

Thực tế, việc ăn tết Âm lịch với toàn thể dân tộc đã trở thành nếp đối với đa số gia đình đồng bào Mông ở Văn Chấn. Việc thay đổi thời gian ăn tết không làm mất đi phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc mà chỉ là chuyển thời gian ăn tết, vui chơi cho phù hợp với điều kiện khách quan. Tổ chức tết Mông trước đây thường kéo dài, lãng phí thời gian, tiền của, ảnh hưởng xấu đến việc chuyên cần và tinh thần học tập của các em học sinh.

Nay chuyển sang ăn tết Nguyên đán, đồng bào Mông vẫn có thể chọn một  ngày đẹp trong các ngày lễ cổ truyền của dân tộc để làm lễ cúng tế tổ tiên, gặp gỡ đoàn tụ gia đình, còn tết Nguyên đán là tết  chính để đồng bào có thể vui chơi, giao lưu gặp gỡ.

Ông Giàng A Tếnh - Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Văn Chấn cho biết:  “Cuộc vận động đồng bào Mông ăn tết Nguyên đán ở Văn Chấn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết là tạo thời gian hợp lý để nhân dân lao động, sản xuất, sinh hoạt và học tập, sau là giúp đồng bào dân tộc Mông có điều kiện hòa nhập cộng đồng, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc thay đổi phong tục là vấn đề khó, cần có thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ở huyện Văn Chấn, khi thực hiện chủ trương này, ngoài sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên thì sự vận dụng uy tín của các già làng, trưởng bản, người cao tuổi  trong dòng họ có tác động không nhỏ đến thành công hôm nay”.

Phong tục, tập quán là vốn văn hóa của mỗi dân tộc, tuy nhiên trải qua thời gian, cùng với tiến trình phát triển của đời sống xã hội, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu cần phải thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển, tiến tới cộng đồng văn minh. Việc thay đổi thời gian ăn tết cổ truyền của người Mông là một minh chứng cụ thể.

Thiết nghĩ, trong điều kiện hiện nay, chính quyền các địa phương có đồng bào Mông sinh sống cần có chủ trương, giải pháp từng bước vận động đồng bào Mông thay đổi tư duy nhận thức, thay đổi thời gian ăn tết phù hợp với xu thế phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

 Trần Van - Nguyễn Nghĩa

Các tin khác
Được sự ủy quyền, đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công an phường Đồng Tâm.

YBĐT - Ngày 21/12/2012, Công an tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an ninh trật tự năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013. Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các Cục, Vụ của Bộ Công an đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.

Cán bộ dân số phường Nguyễn Thái Học tuyên truyền, vận động tkhông sinh con thứ 3 tới các hộ gia đình.

YBĐT - Tâm lý muốn có con trai của nhiều người dân khiến tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố Yên Bái những năm gần đây ở mức cao: 118 trẻ nam/100 trẻ nữ. Trong đó, tỷ số này tại phường Yên Ninh, xã Tuy Lộc là 140 trẻ nam/100 trẻ nữ, xã Hợp Minh 158/100 và phường Nguyễn Thái Học 116/100.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hải - Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em đã truyền đạt các nội dung tập huấn.

YBĐT - Ngày 22/12, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em.

YBĐT - Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 23 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đảng ủy – Ban CHQS thị xã tổ chức gặp mặt thân mật lãnh đạo thị ủy, HĐND, UBND và toàn thể các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và lực lượng vũ trang trên địa bàn thị xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục