Khu ủy Tây Bắc - Một “địa chỉ đỏ”
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2013 | 9:05:44 AM
YBĐT - Nằm trên địa bàn Bản Chanh, xã Phù Nham ( Văn Chấn), Khu ủy Tây Bắc - Di tích lịch sử cấp quốc gia (được công nhận năm 2012) đã trở thành niềm tự hào, vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn. Đây cũng đã trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.
Lãnh đạo xã Phù Nham thăm vùng trồng cà chua của bà con trong xã.
|
Dừng chân tại xã Phù Nham, từ quốc lộ 32 đi vào Bản Chanh - cách trung tâm xã chừng hơn 1km, có một địa danh đã trở thành di tích lịch sử của vùng Tây Bắc thời kháng chiến chống Pháp: trụ sở làm việc của Khu ủy Tây Bắc trong gần 2 năm, từ tháng 11/1952 đến tháng 12/1954. Đây vốn là vùng rừng núi có vị trí chiến lược quan trọng bao gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái thuộc Liên khu Việt Bắc. Khu ủy Tây Bắc đặt trụ sở tại Bản Chanh là địa điểm đảm bảo yếu tố "Tiến có thể đánh, lui có thể giữ", thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, tiến hành các cuộc tiến công tiêu diệt địch, đặc biệt là huy động tổng lực, lực lượng vũ trang và nhân dân.
Tại đây, được sự che chở, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc đã hình thành các cơ quan của Khu ủy. Đó là những mái nhà, lán trại được dựng bằng tre nứa, lợp tranh núp dưới những tán cây cổ thụ và nằm dọc bờ Ngòi Nhì để đảm bảo an toàn, bí mật. Mặc dù chỉ đóng chốt tại xã Phù Nham trong một thời gian ngắn nhưng Khu ủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và huy động các lực lượng, các thành phần xã hội, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đoàn kết, hăng hái tham gia tiễu phỉ, kháng chiến chống thực dân Pháp; xây dựng lực lượng, tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng quê hương, xây dựng chính quyền cách mạng, tăng cường thành phần cán bộ nòng cốt cho các địa phương và các đơn vị.
Ông Hà Thiết Hùng - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - một trong những chiến sỹ cảnh vệ bảo vệ Khu ủy kể lại: "Tại đây đã diễn ra các cuộc họp của Khu ủy - Quân khu triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy Trung ương, xây dựng lực lượng, tăng gia sản xuất, tổ chức các lớp huấn luyện… và lãnh đạo nhân dân, lực lượng vũ trang trong vùng anh dũng, kiên cường bám đất, bám làng, quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Tây Bắc (đợt 2) và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ".
Sau 60 năm, giờ đây, tại bản Chanh - nơi đặt trụ sở Khu ủy Tây Bắc, các lán trại, hiện vật tuy không còn nhưng với ý thức giữ gìn, tôn trọng thành quả cách mạng, ghi dấu truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của quê hương, huyện Văn Chấn đã quy hoạch Khu ủy Tây Bắc trên diện tích 1.836m2, trong đó hơn 500m2 do nhân dân hiến tặng. Đây là niềm tự hào, vinh dự của nhân dân bản Chanh, xã Phù Nham và nhân dân trong vùng; là "địa chỉ đỏ" về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Thầy giáo Nguyễn Quang Khải - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Nham khẳng định, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường rất vinh dự, tự hào khi được sống, làm việc và học tập ngay cạnh khuôn viên di tích này. Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp, Tổng phụ trách Đội thường xuyên tổ chức các tiết học ngoại khóa giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 4B không giấu nổi niềm tự hào khi ôn lại truyền thống hào hùng của Khu ủy Tây Bắc: "Chỉ chưa đầy 10 trang giấy nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải truyền đạt kiến thức lịch sử quê hương đến các thế hệ học sinh. Làm sao để các em hiểu được quá trình giữ nước, đấu tranh giành độc lập, tự do của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, hơn hết là để các em hiểu về lịch sử Việt Nam".
Có một điều đặc biệt là cũng tại nơi đây, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị đã dựa trên chất liệu múa dân gian dân tộc Thái để sáng tác điệu múa sạp nổi tiếng. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ mặc áo trấn thủ, vai khoác súng, vui múa sạp trong tiếng nhạc rộn ràng cùng nam nữ thanh niên các dân tộc Tây Bắc thể hiện thắm tình đoàn kết quân dân.
Vinh dự là địa phương trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Khu ủy Tây Bắc, xã Phù Nham đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của chính người dân trong xã đối với công tác bảo vệ, quản lý di tích. Nhân dân nơi đây mong muốn, khu di tích sẽ được quy hoạch tổng thể, xây dựng đài tưởng niệm và tường rào bao quanh. Đó cũng là mong muốn để địa chỉ này trở thành điểm dừng chân, tham quan, tìm hiểu, ôn lại truyền thống lịch sử của Khu ủy Tây Bắc và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với mảnh đất này.
Thanh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ngành học phổ thông năm học 2012 - 2013 đã khép lại nhưng dư âm thì vẫn còn. Đó là, qua hội thi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ dạy học hiện đại trong giờ học; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường học.
YBĐT - Với tinh thần “Xung kích, sáng tạo, đoàn kết”, những năm qua, phong trào Đoàn - Hội của Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái luôn dẫn đầu khối trường học.
YBĐT - Vừa qua, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tổ chức Hội nghị mở rộng triển khai công tác gọi công dân nhập ngũ đợt I năm 2013.
YBĐT - Hưởng ứng phong trào "5 không, 3 sạch", góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, thời gian qua, Hội Phụ nữ thị xã đã chỉ đạo mỗi cơ sở hội xây dựng 1 câu lạc bộ "Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường".