Thu kinh phí theo Luật Công đoàn 2012: Người lao động sẽ được chăm lo tốt hơn

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/2/2013 | 9:04:36 AM

YBĐT - Ngay sau khi Luật CĐ 2012 được thông qua, LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch và đưa ra các phương án nhằm tiến tới việc thu kinh phí CĐ đạt hiệu quả nhất trong những điều kiện khó khăn.

Công đoàn sẽ có sự chủ động hơn về kinh phí. (Ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái đóng gói sản phẩm).
Công đoàn sẽ có sự chủ động hơn về kinh phí. (Ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái đóng gói sản phẩm).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn thì mọi loại hình doanh nghiệp (DN), cơ quan, tổ chức không phân biệt đã thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) hay chưa đều có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ). Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ).

Những thuận lợi

Nguồn kinh phí dành cho hoạt động CĐCS sẽ ổn định, chắc chắn hoạt động CĐ sẽ khởi sắc hơn, đặc biệt là NLĐ được chăm lo tốt hơn - đó là nhận định chung của cán bộ công đoàn và NLĐ trước quy định trích nộp 2% kinh phí CĐ áp dụng cho các loại hình DN từ ngày 01/01/2013.

Ngay sau khi được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh bố trí dự tập huấn về Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động năm 2012 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hòa Bình đã thông tin và trao đổi với Ban giám đốc Công ty và được sự đồng thuận hưởng ứng rất vui vẻ của Ban giám đốc.

Ông Tuấn cho biết: "Trước đây, nguồn thu KPCĐ chỉ giúp cho CĐCS trang trải được một phần cho hoạt động, hầu hết công tác chăm lo cho NLĐ Công ty phải hỗ trợ thêm như tổ chức sinh nhật, thăm hỏi, tặng quà, chăm lo tết, các hoạt động văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống cho đoàn viên công đoàn… Nhưng với quy định mới, CĐ sẽ có nhiều thuận lợi hơn, chủ động hơn về nguồn kinh phí, chắc chắn việc chăm lo cho NLĐ sẽ được tốt hơn".

Còn theo ông Nguyễn Quốc Chinh - Phó giám đốc, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm thì: "Trách nhiệm của DN là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, trong đó có Luật CĐ. Việc trích nộp 2% kinh phí CĐ giúp cho DN chủ động hơn khi phối hợp với CĐCS chăm lo tốt hơn cho công nhân lao động".

Ông Vũ Văn Mô - Phó giám đốc, nguyên Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn cũng cho rằng: "Việc trích nộp 2% kinh phí CĐ đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, DN không phân biệt đã thành lập CĐCS hay chưa chính là đảm bảo quyền bình đẳng cho các DN, đồng thời đảm bảo công bằng về quyền lợi cho NLĐ. NLĐ sẽ được đảm bảo đầy đủ các quyền của mình được quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cho dù họ làm việc ở bất cứ loại hình DN nào, DN đó có tổ chức CĐ hay chưa. Tôi nghĩ, các DN nên thành lập tổ chức CĐ để việc chăm lo cho NLĐ -  tài sản quý giá của DN sẽ được sát sao hơn, chủ động hơn".

Nhưng không ít khó khăn

Trong những năm qua, việc trích nộp kinh phí CĐ tại các DN trên đã trở thành nền nếp, trích nộp kinh phí CĐ theo Luật CĐ năm 2012 chắc chắn sẽ không có khó khăn gì bởi lãnh đạo công ty luôn thực hiện đúng luật và rất ủng hộ các hoạt động của CĐ. Tuy nhiên, Yên Bái là một tỉnh nghèo, sản xuất công nghiệp chưa phát triển với trên 1000 DN, chủ yếu có quy mô nhỏ, trong thời điểm suy thoái nền kinh tế như hiện nay, nhiều DN làm ăn thua lỗ, việc trích nộp KPCĐ, đặc biệt là các DN chưa thành lập tổ chức CĐ quả là một bài toán khó cho tổ chức CĐ khi thực hiện việc thu KPCĐ 2%.

Tỷ lệ DN có tổ chức CĐ chỉ đạt khoảng 10% trong tổng số DN đăng ký SXKD tại Yên Bái. Đối với DN có tổ chức CĐ, việc thu KPCĐ sẽ được ban chấp hành CĐ giám sát thông qua quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Nhưng với gần 90% DN chưa có tổ chức CĐ, việc giám sát quỹ tiền lương của DN khó thực hiện; số NLĐ được tham gia BHXH trong tổng số lao động của DN cũng là một con số khiêm tốn, bởi nhiều DN không báo cáo thực tế số lao động của đơn vị nhằm trốn tránh việc đóng BHXH cho NLĐ, như vậy nguồn kinh phí CĐ (nếu thu được) cũng chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế số lao động làm việc tại DN. Nhiều ND không có dự toán thu chi kinh phí CĐ bởi chưa có tổ chức CĐ.

Trên thực tế, có những DN lách luật, trốn tránh cả nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ thì việc trích nộp KPCĐ khó có thể mang tính khả thi.

Luật CĐ 2012 có hiệu lực từ 01/01/2013 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn của Chính phủ mà chỉ có các văn bản hướng dẫn theo ngành dọc của Tổng LĐLĐ Việt Nam, vì vậy chưa thể thực hiện việc thu KPCĐ đối với 90% số DN trên địa bàn chưa có tổ chức CĐ. Đây là một khó khăn lớn, bởi chưa có nguồn kinh phí CĐ, hoạt động của các cấp CĐ tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung trong những tháng đầu năm 2013 sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Và những giải pháp

Ngay sau khi Luật CĐ 2012 được thông qua, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và đưa ra các phương án nhằm tiến tới việc thu kinh phí CĐ đạt hiệu quả nhất trong những điều kiện khó khăn. Trước mắt, LĐLĐ tỉnh tiến hành khảo sát số DN có từ 20 lao động trở lên tổ chức vận động thành lập CĐCS, bởi DN có tổ chức CĐ, việc thu KPCĐ sẽ thuận lợi hơn.

Thứ hai, xây dựng các phương án thu KP, trong đó có sự phối hợp với ngành thuế, bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, việc làm), Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan cấp phép cho các DN hoạt động). Việc chi thưởng cho các cán bộ ngành thuế tích cực trong việc thu KPCĐ cũng được LĐLĐ tỉnh bàn bạc và thảo luận.

Cùng với đó là xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp, mời lãnh đạo của các DN tham gia nhằm tuyên truyền cho người sử dụng lao động hiểu biết hơn về Luật CĐ cũng như trách nhiệm thành lập CĐCS, chăm lo cho NLĐ, thực hiện tốt pháp luật lao động. Tuy nhiên tất cả các giải pháp nêu trên chỉ có thể thực hiện được khi có thông tư hay nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn.

Thu KPCĐ 2% theo Luật CĐ 2012 chính là việc chăm lo tốt cho NLĐ - chức năng trung tâm, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức CĐ. Quan tâm phát triển nguồn lực con người, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước, đó cũng là những định hướng của Đảng và Nhà nước ta. Đề nghị Chính phủ sớm có thông tư hay nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn; các cấp, các ngành, các DN, các tổ chức có liên quan cần vào cuộc đồng bộ, cùng với tổ chức CĐ thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Làm được như vậy, Luật Công đoàn 2012 mới có thể được thực thi và đi vào cuộc sống.

Hồng Hương

Các tin khác
Đã có nhiều lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho lãnh đạo cơ quan cũng như đội ngũ đánh giá viên thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp về Hệ thống quản lý chất lượng.

YBĐT - Cùng với tiếp tục nâng cao nhận thức, cần tiến hành các khóa đào tạo lại hoặc bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho đội ngũ cán bộ, công chức ở Yên Bái.

Thanh niên tại TP.HCM chia tay người thân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư liên tịch số 13 sửa đổi bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ. Thông tư mới bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7.3.2013.

Từ chiều và đêm 19/2, các tỉnh miền Bắc trời trở rét, riêng vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại.

Tại Thông báo số 74/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Y tế cần tập trung nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; triển khai hiệu quả giảm quá tải bệnh viện; thực hiện điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế theo lộ trình thích hợp gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ và phải quyết liệt thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục