Hội viên phải được hưởng các lợi ích thiết thực
- Cập nhật: Thứ năm, 21/3/2013 | 9:02:31 AM
YBĐT - Từng làm công tác Đoàn nhiều năm rồi 10 năm làm ở hội nông dân, sau đó chuyển sang công tác tổ chức, kiểm tra Đảng và nay ông Nguyễn Đức Khâm lại được giao trọng trách Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trấn Yên.
Ông Nguyễn Đức Khâm (bên trái) Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trấn Yên thăm một hội viên làm nghề nuôi ong.
|
Ở lĩnh vực nào ông Khâm cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và riêng với công tác hội nông dân thì từ khi ông làm Chủ tịch Hội, Trấn Yên luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh.
Yếu tố làm nên những thành tích đó, ông Khâm cho biết, bản thân mình có thuận lợi là đã nhiều năm làm công tác phong trào. Còn với công tác hội nông dân, điểm thuận nhất là nông dân hiện nay đang được hưởng lợi từ nhiều chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Do đó, Hội chỉ có nhiệm vụ là làm sao thu hút hội viên và đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, xã hội.
Từ nhận thức đó, ông Khâm luôn quán triệt các đồng chí trong Ban chấp hành Hội Nông dân huyện, lãnh đạo các hội ở cơ sở cần phải linh hoạt trong điều hành, tích cực nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội để chủ động tham mưu, đề xuất và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng thời, đối với cơ sở, lãnh đạo hội các cấp phải thực sự sâu sát cơ sở; nắm vững, bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân để vận động hội viên tham gia vào tổ chức hội. Và muốn làm được điều đó, điều cốt yếu nhất là nông dân phải được hưởng các lợi ích thiết thực với bản thân thì họ sẽ tham gia vào tổ chức hội.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2009, Hội Nông dân huyện Trấn Yên đã được tặng cờ của Trung ương Hội; năm 2010 và 2011 được UBND tỉnh tặng bằng khen đơn vị dẫn đầu công tác hội nông dân. Cá nhân ông Nguyễn Đức Khâm luôn đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; năm 2011 được UBND tỉnh tặng bằng khen; năm 2012 được đề nghị tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. |
Ngoài ra, ông Khâm còn phối hợp chỉ đạo lập dự án vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương được 1 tỷ đồng giúp 34 hộ nuôi thỏ, nuôi cá nước ngọt; chỉ đạo tất cả các cơ sở hội đều xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số hơn 270 triệu đồng.
Bên cạnh việc giải quyết tốt vấn đề vốn vay, hơn 5 năm qua, Hội đã phối hợp mở 45 lớp đào tạo nghề cho 1.340 hội viên; 1.634 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho trên 67.000 lượt hộ nông dân; tổ chức 224 cuộc hội thảo đầu bờ cho trên 7.470 lượt hội viên và 277 đợt tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài huyện cho 8.000 cán bộ, hội viên; tổ chức liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng trả chậm trên 5.000 tấn phân bón cho 13.000 lượt hội viên phát triển sản xuất.
Với những sự trợ giúp này, hiện Trấn Yên đã có 71% trong tổng số 13.537 nông dân tham gia vào Hội. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo ở Trấn Yên đã dần tạo được điểm bật mạnh mẽ. Hàng năm, 100% số cơ sở hội phát động được phong trào thi đua, có tới 70% số hội viên đăng ký thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và thường có khoảng 50% số hộ đạt danh hiệu này từ cấp cơ sở đến huyện, tỉnh và Trung ương.
Từ phong trào thi đua này, mỗi năm đã giúp được hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo. Điều quan trọng nhất là phong trào của Hội đã đưa nhiều mô hình mới vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả như trồng dâu nuôi tằm ở xã Việt Thành, Tân Đồng; trồng đao riềng ở xã Quy Mông; trồng tre măng Bát Độ ở xã Kiên Thành.
Các mô hình khác như nuôi lợn thịt quy mô 100 đầu lợn/lứa và nuôi từ 20 lợn nái trở lên; mô hình trồng chè chất lượng cao, trồng lúa đặc sản, trồng rừng nguyên liệu… phát triển ở hầu hết các xã. Cuộc sống của hội viên nông dân được cải thiện, tổ chức hội nông dân được đánh giá là tổ chức hội thực sự mang tính nòng cốt, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Trấn Yên.
Điều mà ông Nguyễn Đức Khâm băn khoăn nhất hiện nay là theo yêu cầu của cấp trên, số hội viên nông dân phải đạt tỷ lệ 75% trở lên nhưng Trấn Yên mới đạt 71%. Tỷ lệ thu hút ít lại nằm ở những địa phương sát các thị trấn, thị tứ và gần trung tâm tỉnh lỵ là những nơi có mặt bằng dân trí cao, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội thuận lợi.
Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi với hội viên nông dân còn hạn chế; lãnh đạo cơ sở hội hiện nay chưa được trẻ hóa và chưa lựa chọn được nhiều người vừa có tinh thần hăng say công tác vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Đặc biệt, lãnh đạo ở chi hội cơ sở vẫn chưa có khoản phụ cấp nào trong khi họ phải quản lý từ 40 đến 50 hội viên và nhiệm vụ khá nặng nề.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Trẻ em phạm tội về ma tuý đang là một vấn đề nhức nhối mà cả xã hội quan tâm. Bằng những phương pháp giáo dục riêng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, những người làm cha làm mẹ hãy cố gắng đừng để con mình sa chân vào tệ nạn ma tuý và những hành vi phạm tội ma tuý.
Với chủ đề “Hợp tác vì nước”, Ngày nước thế giới 22/3 năm nay sẽ được tổ chức tại TP. Cần Thơ từ 21/3 đến 23/3.
Ngày 20-3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nhằm thay thế nội dung này trong Nghị định 61/NĐ-CP ngày 11-6-2002.
YBĐT - Ngày 19/3, tại Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn xét duyệt các thôn đặc biệt khó khăn, các xã thuộc khu vực I, II, III tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần II, xét duyệt các thôn bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 -2015.