Vì người lao động cần việc làm - an toàn - đời sống - dân chủ
- Cập nhật: Thứ năm, 4/4/2013 | 8:36:22 AM
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 77.230 CNVCLĐ, tăng gần 39.000 người so với năm 2008. Trình độ học vấn, tay nghề và trình độ lý luận chính trị của đội ngũ này được quan tâm đào tạo và không ngừng vươn lên, từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 3, trái sang) trao đổi với lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn lao động tỉnh Yên Bái về hoạt động của tổ chức công đoàn.
|
Trong những năm qua, chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, thắt chặt đầu tư công của Chính phủ nên nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, phần lớn ở các ngành như xây dựng, giao thông vận tải;. nhiều công ty cổ phần phải sắp xếp lại, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được…
Trước những khó khăn đó, công đoàn các cấp trong tỉnh luôn sát cánh cùng chuyên môn, chính quyền đồng cấp, tổ chức phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã đề ra và đạt được những thành tựu quan trọng.
Chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ luôn được công đoàn các cấp xác định là chức năng trung tâm. Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia vào việc xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị; tham gia sửa đổi, bổ sung các dự án luật và các văn bản luật có liên quan đến người lao động (NLĐ).
Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp tích cực tham gia với chuyên môn sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, giám sát thỏa ước lao động tập thể, ký kết và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định; tham gia thực hiện chính sách tiền lương, các chế độ bảo hiểm, tham gia thành lập hội đồng bảo hiểm, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các đơn vị, doanh nghiệp, tìm và tạo việc làm cho NLĐ.
Song song là nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh với phương châm hướng về cơ sở, tăng cường các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, từng cơ sở trong mỗi giai đoạn khác nhau, thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về tư tưởng, chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn các cấp cho CNVCLĐ cũng như nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, xây dựng tinh thần hăng say lao động sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, thu hút đông đảo cá nhân, tập thể tham gia và 5 năm qua, đã có gần 11.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trên 3.000 đề tài khoa học các cấp, hoàn thành 2.000 sản phẩm mới có giá trị; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn.
Trong 5 năm qua, đã thành lập mới 175 CĐCS, đạt tỷ lệ 134,6% kế hoạch; số đoàn viên được phát triển mới là 7.454 người, đạt 248,4% kế hoạch.
Với tinh thần năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, 5 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp, các ngành khen thưởng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các cấp công đoàn cần nhận rõ những yếu kém trong hoạt động. Đó là ở một số địa phương, cơ sở, công đoàn chưa thực sự làm hết trách nhiệm; việc kiểm tra, giám sát có nơi còn hạn chế; quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ còn bị vi phạm ở một số nơi; chưa thể hiện rõ vai trò đại diện cho NLĐ.
Nhiều doanh nghiệp chưa nêu cao trách nhiệm trong việc trích nộp kinh phí công đoàn; còn để xảy ra mất an toàn lao động. Nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới của một bộ phận cán bộ công đoàn chưa đầy đủ; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa cụ thể hóa cho phù hợp với từng loại hình cơ sở; một số cán bộ lãnh đạo công đoàn chưa thực sự sâu sát cơ sở, vì vậy chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc trong CNVCLĐ để kịp thời giải quyết.
Trong nhiệm kỳ qua, đã có 40 ngôi nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNVCLĐ nghèo được xây dựng. (Ảnh: Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNVCLĐ nghèo huyện Văn Chấn).
Trong những năm tới, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Yên Bái đang đứng trước thời cơ lớn. Kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng tốt hơn.
Các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ về xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành vào năm 2015, đưa vào khai thác sẽ thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, tạo việc làm cho NLĐ. Xu hướng những năm tới, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng, doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản, công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển. Lực lượng lao động nông nghiệp trong tỉnh sẽ chuyển dần sang lao động công nghiệp, vì vậy đối tượng vận động để phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn sẽ tăng.
Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đó là “Tổ chức công đoàn tham gia quản lý, thực hiện chế độ, chính sách, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ”.
Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012 đã tăng thêm cơ hội bảo đảm các điều kiện cho công đoàn hoạt động, thêm cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, cơ chế đặc thù để thu hút NLĐ tham gia tổ chức công đoàn nói chung và hoạt động công đoàn nói riêng đồng thời góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công đoàn không chuyên trách trong quan hệ với người sử dụng lao động. Với phương châm “Vì người lao động cần việc làm, an toàn, đời sống, dân chủ”, các cấp công đoàn cần thấy rõ trách nhiệm của mình và quan tâm đến từng lĩnh vực, coi đây là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động của các cấp công đoàn tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ tới.
Xu hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ tăng, cơ cấu lâm - nông nghiệp giảm ở Yên Bái trong những năm tới. Nền kinh tế mũi nhọn của Yên Bái là khai khoáng, các mỏ quặng của tỉnh tuy ít về sản lượng nhưng đa dạng về chủng loại, đa dạng các sản phẩm sẽ là thành phần chính tham gia thị trường xuất khẩu. Dự báo trong nhiệm kỳ tới, số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của tỉnh sẽ tăng, do vậy, lực lượng lao động nông nghiệp và một số ngành khác sẽ chuyển sang lao động công nghiệp khai khoáng.
Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tập trung các nguồn lực cho đào tạo, nâng cao trình độ về mọi mặt cho công nhân; tạo lập kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp cho công nhân đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cùng với đó, các cấp công đoàn phải nhận thấy, NLĐ sẽ làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về mất an toàn lao động; phải làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, bụi, nóng, nguy cơ sập lò và các tai nạn lao động khi vận hành máy móc… nên thường xuyên quan tâm, chú trọng đến công tác an toàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chăm lo, bảo vệ cho NLĐ; phải đầu tư trang bị phương tiện bảo hộ cho NLĐ theo đúng quy định.
Song song với việc quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, việc chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần cần được các cấp công đoàn quan tâm trong nhiệm kỳ tới. NLĐ phải được trả tiền công tương xứng với sức lao động, cường độ lao động mà họ bỏ ra cùng với tuyên truyền cho NLĐ nắm vững bản chất giai cấp, phong trào công nhân, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, ý thức kỷ luật lao động.
Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ phải được tuyên truyền sâu rộng tới từng cán bộ, CNVCLĐ; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ, động viên NLĐ phấn khởi, yên tâm công tác và luôn coi năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với lợi ích của mỗi cá nhân NLĐ, tạo mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
Trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, nhận thức của đại bộ phận người dân trong xã hội đã hình thành rõ quan hệ lao động giữa người làm chủ và người làm thuê, bởi vậy NLĐ dễ sinh ra tâm lý làm thuê, được chăng hay chớ, thích thì làm không thích thì bỏ, không có sáng tạo trong lao động, làm hạn chế đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Vì vậy, các cấp công đoàn phải thường xuyên gần gũi, quan tâm, chia sẻ, làm chiếc cầu nối thân thiện giữa NLĐ và người sử dụng lao động, tạo cơ hội cho NLĐ gắn bó mật thiết với doanh nghiệp, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tiết kiệm chi phí sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp.
Để làm được việc đó, các chế độ, quyền lợi có liên quan đến NLĐ cần phải được công khai, dân chủ; thỏa ước lao động tập thể phải được bàn bạc thống nhất, đúng quy định của pháp luật; lợi nhuận, tài chính của doanh nghiệp cũng cần được công khai, minh bạch tới toàn thể NLĐ.
Với quyết tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổ chức công đoàn phải là chỗ dựa cho NLĐ, là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, góp phần xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững.
Hà Chí Họp - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa gửi thông báo đến các trường ĐH, CĐ, học viện và sở GD-ĐT về việc điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ tại các trường có tổ chức thi.
Sáng 3.4, hơn 8.000 con bọ gậy (dạng ấu trùng của muỗi) đã gây nhiễm vi khuẩn Wolbachia được mang đến đặt tại 800 hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên (tỉnh Khánh Hòa).
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT địa phương tích cực hoàn thành nội dung dạy học giáo dục phổ thông; tổ chức ôn tập hiệu quả nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi.