Vẫn đẻ và vẫn khổ!

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/4/2013 | 9:21:13 AM

YBĐT - Một gia đình có từ 5 đến 7 đứa con, đó không còn là chuyện lạ ở những gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.. Việc sinh đẻ không kế hoạch đã khiến cho hầu hết những gia đình đông con phải gánh chịu cuộc sống nghèo khó và thiếu thốn.

Đông con là nguyên nhân của đói nghèo và thất học.
Đông con là nguyên nhân của đói nghèo và thất học.

Hình ảnh những đứa trẻ người Mông chừng hai, ba tuổi mặt mày nhem nhuốc, không quần, không áo, không dép, mái tóc vàng hoe vì cháy nắng lủi thủi một mình chơi dong bên sườn đồi, bờ suối là điều mà ai cũng có thể thấy khi đến với các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái).

Trong cái nắng, cái gió bốn mùa rát mặt, để tồn tại, con người dường như từng ngày phải tranh đấu với thiên nhiên, phải dành từng tấc đất trên những ngọn đồi, triền núi để làm ra hạt lúa, củ khoai. Vậy mà, sự nghèo khổ vẫn không khiến cho nhiều người thức tỉnh, họ vẫn đẻ và vẫn khổ truyền từ đời này sang đời khác. Mùa giáp hạt, đến mèn mén (bột ngô hấp) cũng là món ăn xa xỉ đối với không ít nhà.

Thiếu ăn, thiếu mặc, sống trong những căn nhà lụp xụp, không đồ đạc, vận dụng dường như đã trở thành “nếp sinh hoạt” của đồng bào nên việc có thêm con còn là niềm vui, niềm tự hào với họ hàng, dân bản. Gia đình anh Vàng A Lâu và chị Giàng Thị Dê ở thôn Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu  hiện đã có tới 11 đứa con nhưng đến nay vẫn muốn đẻ tiếp. Với quan niệm “con cái là lộc của trời cho” nên mặc dù đã được tuyên truyền, vận động song họ chỉ lắng nghe mà không “thấu hiểu”.

Chị G.T.M- cộng tác viên dân số (huyện Mù Cang Chải) chia sẻ: “Dù đã sử dụng mọi biện pháp tuyên truyền như phát tờ rơi, tờ gấp, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai đến tận hộ gia đình thế nhưng có những cặp vợ chồng vẫn chỉ nhận mà không dùng, có người thì bảo là quên, người thì nói là không tốt cho sức khoẻ…”.

Hiện tại, theo kết quả báo cáo hàng năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn tỉnh nói chung và ở các vùng dân tộc thiểu số nói riêng đã có giảm nhưng vẫn chưa thật bền vững và còn ở mức cao so với toàn quốc, nhất là về tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên. Đẻ sớm, đẻ dày, đẻ nhiều là nguyên nhân gây ra đói nghèo, đồng thời còn kéo theo không ít những hệ luỵ đối với gia đình và xã hội.

Cuộc sống đông con, khốn khó đã khiến cho các gia đình không có điều kiện để chăm lo sức khỏe và học hành cho con cái. Phần đông những đứa trẻ sinh ra ở những gia đình kinh tế khó khăn đều không được học hành đến nơi đến chốn, nhà nào gọi là “có điều kiện” và tiến bộ lắm thì cũng chỉ cho con học hết cấp II, cấp III, rất hiếm đứa được đi học chuyên nghiệp, còn lại là ở nhà dựng vợ, gả chồng từ tuổi mười tám, đôi mươi.

Vì kết hôn sớm, không có kinh tế, thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản nên nhiều bà mẹ trong quá trình mang thai và nuôi dưỡng con đã để con bị suy dinh dưỡng và đau ốm liên tục. Theo kết quả điều tra, hàng năm số trẻ bị suy dinh dưỡng và bị chết ở các vùng dân tộc thiểu số luôn cao hơn nhiều so với mặt bằng dân số. Chất lượng dân số thấp, dân số đông, lao động dư thừa, nhàn rỗi cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với toàn xã hội.

Đến nay, Yên Bái vẫn là một trong những tỉnh có số người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS nhiều nhất nước. Hiện tại, trung bình mỗi năm, ngân sách của tỉnh và Trung ương vẫn phải chi hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo có cơ hội việc làm, cải thiện điều kiện sản xuất, tăng cường và phát triển các cơ hội sinh kế…

Từ những khó khăn, hệ lụy do sinh đẻ không kế hoạch, việc tìm ra giải pháp để khắc phục, cải thiện tình trạng dân số, nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện đúng chính sách, Pháp lệnh Dân số của Nhà nước đã ban hành là điều rất cần thiết. Do đó, cần có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể và sự nỗ lực của toàn ngành y tế, nhất là đội ngũ trực tiếp làm công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động cho phù hợp với văn hóa, trình độ dân trí mỗi vùng, trong công tác tuyên truyền, các cán bộ dân số cũng nên tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của những người có uy tín trong cộng đồng như: già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ; tổ chức kịp thời, có hiệu quả các chiến dịch truyền thông lồng nghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến cộng đồng dân cư; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về thực hiện chính sách dân số, mô hình xã, phường, thôn, bản không sinh con thứ 3, mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống…

H.O

Các tin khác

Từ ngày 15-4, Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng chính thức có hiệu lực.

Lực lượng CSGT không được phép hỏi và xử phạt

Hôm nay (15/4), quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện của Bộ Công an bắt đầu có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, người tham gia giao thông sẽ bị “truy” phạt khi phương tiện bị tạm giữ và xác định có hành vi vi phạm.

Sáng 14/4, tại thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải, Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện).

Liên quan đến vấn đề điểm sàn ĐH, CĐ 2013, thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay sẽ chỉ có 1 điểm sàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục