Rộng mở đường đến lớp

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/4/2013 | 8:52:32 AM

YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ - HĐND tỉnh Yên Bái về xây dựng trường PTDTBT ở Trạm Tấu đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở huyện vùng cao này.

Học sinh Trường Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly xã Bản Mù chăm sóc vườn thuốc nam.
(Ảnh: Thanh Miền)
Học sinh Trường Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly xã Bản Mù chăm sóc vườn thuốc nam. (Ảnh: Thanh Miền)

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ - HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu đã tranh thủ được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, phát huy mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng mô hình trường PTDTBT, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học đối với học sinh vùng cao..

Năm học 2012 - 2013 là năm thứ 3 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu thực hiện việc chuyển đổi thành trường PTDTBT. Ngay từ đầu năm học, nhà trường bố trí sắp xếp, duy trì nề nếp, quy chế chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục; thực hiện dạy học 2 buổi/ngày tại điểm trường bán trú và các điểm trường lẻ tại các thôn, bản. Nhà trường chú trọng công tác đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện đổi mới việc kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ, giáo viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp dạy học mới phù hợp với đối tượng học sinh, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Thầy giáo Trần Văn Cường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2012 - 2013, toàn trường có tổng số 608 học sinh, trong đó khối tiểu học 368 học sinh và THCS 240 học sinh, trong đó có 299 học sinh bán trú hiện đang được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn theo Quyết định số 85/2010/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ 420 nghìn đồng/tháng và nhà trường đảm bảo 3 bữa ăn/ngày/học sinh.

Tuy nhiên, hiện nay nhà trường cũng đang gặp không ít khó khăn, đó là do nhu cầu học sinh ở bán trú cao và số lượng học sinh không được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn rất lớn, trong khi điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn.

Để giải quyết thực trạng trên, nhà trường đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng “kho thóc khuyến học” để chia sẻ đối với học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên cũng đã cơ bản giải quyết phần nào cho các học sinh có được những bữa ăn trưa ngay tại trường. Từ mô hình này cũng đã hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, học kỳ I, năm học 2012 - 2013 tỷ lệ chuyên cần của học sinh toàn trường đạt 92%, tỷ lệ chuyên cần của học sinh bán trú đạt 87,5% và không có học sinh bỏ học”.    

Trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và rèn luyện kỹ năng đối với các học sinh bán trú, nhà trường cũng đã cơ bản bố trí nơi ăn, ở cho những học sinh ở các thôn, bản xa trường yên tâm học tập. Nhà trường cũng bố trí nhân viên nuôi dưỡng và có một bếp nấu ăn để tổ chức nấu ăn tập trung cho các em học sinh bán trú tại trường, đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách và có những bữa ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng đối với các em học sinh bán trú tại trường từ 2 -3 bữa ăn/ngày, đối với học sinh tiểu học ăn 5 ngày/tuần và THCS ăn 6 ngày/tuần.

Em Phàng Thị Rỉa, học sinh lớp 1A của nhà trường, bảo: “Em rất thích được đi học, đến trường được các thầy, cô chăm sóc, lại được ăn uống đầy đủ, bữa nào cũng có đủ thịt, trứng, rau để ăn nữa”. Cùng với việc dạy và học cho các học sinh ở bán trú, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh chăn nuôi lợn, trồng rau xanh… để cải thiện bữa ăn, thực hiện tốt các hoạt động giáo dục nghề phổ thông, giáo dục hướng nghiệp và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Hiện nay, toàn huyện có 10 trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở với 152 lớp, 3.564 học sinh, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đạt 99%, hàng năm tỷ lệ chuyển lớp đạt 98% và tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần thường xuyên đạt từ 93 đến 98%.

Trao đổi về những kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi song mô hình Trường PTDTBT trên địa bàn huyện, ông Giàng A Thào - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện ủy Trạm Tấu đã ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Từ đó, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã xây dựng quy chế phối hợp với nhà trường trong công tác vận động học sinh ra lớp, xây dựng qui ước, hương ước về giáo dục. Đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, đến trường. Huyện cũng đã tranh thủ mọi nguồn lực, phát huy nội lực, bằng nhiều nguồn kinh phí, đầu tư có trọng điểm vào các trường bán trú như: xây dựng nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên và các công trình phụ trợ. Đồng thời tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân và các nhà hảo tâm hỗ trợ các điều kiện cho học sinh bán trú như: chăn, màn, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, ủng hộ xây dựng kho thóc khuyến học giúp đỡ những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đến trường.”.

Kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ - HĐND tỉnh về xây dựng trường PTDTBT ở Trạm Tấu đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở huyện vùng cao này.

 Đức Toàn

Các tin khác

Ngày 15-4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và A/H5N1.

Bắc Ninh đã tiêu hủy toàn bộ số lợn bệnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định công bố dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành sau khi phát hiện hơn 200 con lợn mắc bệnh và đang có chiều hướng gia tăng...

Ngày 15/4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu và đoàn công tác của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đã đi kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống bệnh cúm A/H7N9 tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

YBĐT – Chương trình Sách cho nông thôn Việt Nam vừa phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tổ chức giao lưu xây dựng mô hình tủ sách phụ huynh và trao tặng hơn 400 cuốn sách, vở, tạp chí, sách tham khảo cho trường THCS Hoàng Văn Thọ, xã Đại Lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục