Con đường không mang tên “đại học”

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/4/2013 | 9:43:36 AM

YBĐT - Đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường đi đến đích thành công chứ không phải là duy nhất. Bill Gates (Microsoft), Steve Jobs (Apple), Mark Zuckerberg (Facebook), Micheal Dell (Dell), Lawrence Ellison (Oracle)... đều đã thành công khi chưa từng tốt nghiệp đại học.

Xưởng gia công inox, sắt, thép của anh Hà Xuân Hinh doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng.
Xưởng gia công inox, sắt, thép của anh Hà Xuân Hinh doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng.

“Đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường đi đến đích thành công chứ không phải là duy nhất. Nếu bạn có ước mơ, có khát khao, sẵn sàng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và quyết tâm theo đuổi đam mê của mình thì bạn hoàn toàn có thể đặt chân lên đỉnh vinh quang mà không cần phải học đại học” – chia sẻ của một doanh nhân thành đạt chưa từng học đại học tại lễ tôn vinh Doanh nhân trẻ Việt Nam năm 2012.

Con đường không mang tên “đại học”

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, đông anh chị em, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Hà Xuân Hinh (thôn 2, xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái) không như nhiều bạn trẻ khác mải miết theo đuổi con đường phải trở thành sinh viên đại học. Biết rõ năng lực, sở trường của mình, anh đã chọn cho mình một hướng đi phù hợp và vừa sức hơn, đó là học nghề.

Anh tâm sự: “Cuộc sống gia đình khi đó rất khó khăn. Học xong, mình chỉ muốn tìm kiếm ngay được việc làm để phụ giúp gia đình. Nhận thấy nghề gia công inox, sắt, thép, nhôm, kính có nhiều triển vọng phát triển khi nhu cầu xây dựng nhà ở ngày càng tăng nên đã quyết tâm theo đuổi nghề”.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, không ngừng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm và luôn đặt vấn đề “uy tín - chất lượng” lên hàng đầu, từ một người “không tên tuổi” đến nay, xưởng gia công inox, sắt, thép, nhôm, kính của anh Hinh đã được nhiều người biết đến và nhiều khách tới đặt hàng. Các công trình mà anh nhận được không chỉ của các hộ gia đình mà còn của rất nhiều các công ty, cơ quan Nhà nước trong và ngoài tỉnh. Giờ trung bình mỗi năm, xưởng của anh Hinh cho doanh thu trên 100 triệu đồng, đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 6 lao động, với mức lương trung bình hàng tháng từ 3- 4,5 triệu đồng.

Là những bạn trẻ có nhiều ước mơ, hoài bão song hai anh em Hoàng Văn Đô (sinh năm 1986) và Hoàng Văn Hùng (sinh năm 1989) ở thôn 4, xã Hợp Minh cũng đã không lựa chọn con đường “dùi mài kinh sử” mà tìm một lối đi riêng cho mình. Nhận diện được xu thế phát triển của thời đại, hai anh sau khi học xong THPT đã chọn học nghề sửa chữa ô tô để phát triển sự nghiệp.

Với sự cần cù, không ngại khó, ngại khổ, sau khi học nghề, Đô và Hùng đã đi làm thuê ở một số xưởng tư nhân để học hỏi thêm kinh nghiệm. Đến khi “đủ lông đủ cánh” thì hai anh em quyết định tự đứng ra mở xưởng (năm 2010). Công việc ở xưởng tương đối đều đã giúp hai anh em Đô và Hùng có thu nhập ổn định và ở mức cao hơn một số người có bằng đại học.

Nỗ lực khai phá tiềm năng bản thân

Từ những thành công bước đầu của Hinh, Hùng, Đô và thực tế đã chứng minh, đại học không phải là con đường duy nhất để tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp. Ở Việt Nam và trên thế giới đã có rất nhiều các tỷ phú, triệu phú, những vị giám đốc không có bằng đại học, thậm chí trình độ học vấn rất thấp nhưng đã thành công.

Điển hình như: Bill Gates (Microsoft), Steve Jobs (Apple), Mark Zuckerberg (Facebook), Micheal Dell (Dell), Lawrence Ellison (Oracle)... đều đã thành công khi chưa từng tốt nghiệp đại học. Vì thế, có thể nói  một trong những hành trang quan trọng của những người trẻ tuổi khi bước vào đời là cần có một ước mơ cháy bỏng và sự nỗ lực để khai phá tiềm năng của bản thân. Mỗi một con người, ai cũng đều có một tố chất riêng và nếu ai đó không được “trời phú” cho tố chất đi theo con đường học cao, học rộng thì hãy nghĩ đến việc tìm cho mình một nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, nhu cầu và điều kiện xã hội.

Cô giáo Lê Thu Trang - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm học sinh cuối cấp, bày tỏ: “Hiện tại, Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nghề cho thế hệ trẻ để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Do vậy, để có thể có cơ hội việc làm cao hơn thì việc chọn lựa các trường dạy nghề là một lựa chọn khôn ngoan. Đó là chưa kể đến chi phí đào tạo thấp, thời gian đào tạo ngắn, đỡ gánh nặng cho gia đình, xã hội...”.

Tương lai nằm trong tay của mỗi người. Đại học chỉ là một con đường trong số rất nhiều con đường mà đích đến chính là sự thành công. Hãy chọn một lối đi thật sự phù hợp với khả năng, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bạn. Người thành công là người dám đi con đường đầy chông gai và thử thách!

H.O

Các tin khác
Anh Hồ Xuân K. bị nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngoài ca nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong hồi đầu tháng 4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho bốn ca nhiễm cúm A/H1N1 nặng, đã có biến chứng.

Việc đánh giá lãnh đạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước hướng tới chấm điểm lãnh đạo sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện, làm cơ sở khen thưởng, bổ nhiệm, đề bạt. Việc chấm điểm đang được chuẩn bị.

Người khuyết tật hiện nay chiếm khoảng 6,3% dân số Việt Nam

Nhiều người khuyết tật đã cố gắng nỗ lực, vượt lên số phận, khắc phục khó khăn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Hôm nay (18/4), nhiều địa phương sẽ có các hoạt động kỉ niệm ngày Người khuyết tật.

Chiều 17-4, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình về vấn đề chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục