Dấu ấn tháng 5

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/5/2013 | 2:49:54 PM

YBĐT - Đúng vào dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Bác, Đoàn thanh niên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái đã làm lễ bàn giao công trình Bia di tích trận đánh đèo Din tại xã Đại Lịch (huyện Văn Chấn).

Các đại biểu bên Bia Di tích trận đánh đèo Din trong ngày lễ bàn giao công trình.
Các đại biểu bên Bia Di tích trận đánh đèo Din trong ngày lễ bàn giao công trình.

Bí thư Đoàn trường Lê Thị Thanh Nga cho biết đây là công trình của đoàn viên thanh niên nhà trường hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2013 và tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Yên Bái làm theo lời Bác” do Tỉnh ủy triển khai và chương trình hành động của Tỉnh đoàn thanh niên.

Trận đánh đèo Din 66 năm về trước, đội du kích vũ trang xã Đại Lịch đã táo bạo phục kích đánh tan 1 trung đội địch, diệt 1 lính Pháp, 6 lính nguỵ và làm bị thương nhiều tên khác. Trong trận đánh này, đội viên Hoàng Văn Thọ - người   trực tiếp khai hỏa quả địa lôi đánh địch rồi dũng cảm xung phong xông lên cướp súng giặc đã anh dũng hy sinh và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ý nghĩa của trận đánh này được nêu trong cuốn sách “Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Tây Bắc” xuất bản năm 2003: “Đây là trận đánh đầu tiên của du kích trong vùng địch hậu tại Yên Bái.

Chiến thắng tuy chưa lớn nhưng đã khích lệ bộ đội, du kích vững vàng, tự tin chiến đấu”. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái” và cuốn “Yên Bái một thế kỷ” khi nói về ý nghĩa của trận đánh này đã khẳng định rằng du kích Đại Lịch đã tạo nên phong trào “cướp súng giặc, đánh giặc” trong toàn khu Tây Bắc và tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, 66 năm qua, địa chỉ đỏ đèo Din vẫn chỉ là dấu ấn trong trí nhớ của lớp người cao tuổi ở địa phương chứ chưa trở thành di tích trong di sản văn hóa và tiềm thức của tuổi trẻ Yên Bái. Bởi vậy, sau khi được nhà văn Hà Lâm Kỳ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch gợi ý, tuổi trẻ nhà trường đã vô cùng háo hức tham gia xây dựng Bia di tích trận đánh đèo Din.

Ý tưởng nhanh chóng được triển khai. Chị Đặng Thị Loan - Phó bí thư Đoàn trường, người được giao mọi nhiệm vụ như một “cán bộ hậu cần” trong nhiệm vụ này tâm sự rằng: “Để hoàn thành được công trình và bàn giao cho địa phương đúng tiến độ trước ngày sinh nhật Bác (19/5), cán bộ, đoàn viên trong trường đã phải làm việc hết sức vất vả”.

Công trình từ ý tưởng đến hiện thực chỉ diễn ra trong 2 tháng mà phải lo các thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý văn hóa, trình duyệt nội dung văn bia; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Đại Lịch và xã Việt Hồng (Trấn Yên) vì di tích này nằm trên đất của xã Việt Hồng (nơi giáp ranh 2 xã); liên hệ với gia đình ông Nguyễn Văn Căn xin hiến đất vì gia đình ông đang sở hữu khu đồi này. Khoa Mỹ thuật phải lo thiết kế mẫu bia, lựa chọn vật liệu thi công… Nhưng cái khó nhất là khi bắt tay vào triển khai mà nguồn kinh phí vẫn đang gặp khó khăn vì phần đóng góp từ cán bộ và đoàn viên nhà trường rất hạn hẹp.

Đoàn trường đã kêu gọi sự tiếp sức của đoàn viên các cơ sở đoàn khác như: khối các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn thanh niên Công an tỉnh, một số tổ chức và cá nhân cùng sự đóng góp của nhiều con em ở Đại Lịch đang công tác tại Yên Bái đảm bảo đủ kinh phí thi công công trình.

Thành quả của những vất vả ấy và tấm lòng tri ân của tuổi trẻ hôm nay đã làm hiện hữu bên đèo Din trên tuyến đường từ xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) đi vào Đại Lịch một tấm bia mang dáng hình là cờ Tổ quốc tung bay bên cây súng tượng trưng cho tinh thần quả cảm và khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Sáng ngày 16/5, lễ bàn giao công trình được tiến hành. Một số đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo Quân khu II, cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cán bộ, đoàn viên thanh niên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch cùng đông đảo cán bộ chính quyền, nhân dân 2 xã đã về dự. Ai cũng bồi hồi xúc động khi được nghe một cựu du kích tham gia trận đánh này kể lại câu chuyện chiến đấu anh dũng tại đây 66 năm về trước.

Và hôm nay, một tấm bia đã được dựng lên để những giá trị lịch sử của đội du kích vũ trang xã Đại Lịch trong trận đánh đèo Din mãi mãi được khắc ghi.

Sau lễ bàn giao công trình, tất cả cùng về làm lễ dâng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ; tặng quà cho thân nhân của đội du kích và người có công cùng các cháu học sinh ở Đại Lịch có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi… Những việc làm của đoàn viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái xứng đáng là dấu ấn tháng 5 - dấu ấn tấm lòng tri ân của tuổi trẻ và của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Học sinh đến tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Với 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập tại mảnh đất cố đô, những tên đất, tên làng, nơi ở, đồ dùng và những câu chuyện cảm động về Người đã trở thành những di sản vô giá.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương trao giải Nhất và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho em Đỗ Quang Minh

Bộ Thông tin -Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục- Đào tạo, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Báo Nhi đồng vừa tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 - năm 2024 tại Ninh Bình.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 17/5, Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ Thị ủy Nghĩa Lộ đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ diễn tập chiến đấu xã, phường trong khu vực phòng thủ năm 2024 cho các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ thị xã.

Lễ kỷ niệm diễn ra trang nghiêm tại khu tượng đài thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình.

Lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là cựu thanh niên xung phong, đoàn viên, thanh niên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục