Nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài: Ai được, ai mất?
- Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2013 | 9:15:00 AM
YBĐT - Vài năm trở lại đây, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại các doanh nghiệp đã diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn. Tại địa bàn Yên Bái, số tiền nợ ngày càng lớn và danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng kéo dài.
Doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Người công nhân sẽ chịu hậu quả.
|
Để bảo đảm cho các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được thực thi một cách nghiêm minh và quyền lợi của người lao động cũng như vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, cơ quan BHXH tỉnh Yên Bái và các đơn vị trực thuộc đã áp dụng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, hướng dẫn, bàn biện pháp tháo gỡ đến các biện pháp mạnh hơn như phối hợp với các cơ quan như: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Thanh tra Nhà nước, thậm chí mời cả cơ quan công an cùng vào cuộc để buộc các chủ sử dụng lao động chấp hành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Theo đánh giá của cơ quan BHXH Yên Bái thì lý do phổ biến nhất mà các chủ sử dụng đưa ra nhằm hoãn, khất tiền BHXH, BHYT là: “Do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế nên doanh nghiệp làm ăn khó khăn, công nợ ngày càng lớn… chưa có tiền để nộp đúng kỳ, đúng hạn”. Đúng là nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp đang chịu sự tác động ngày càng sâu rộng của đợt suy thoái kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng và không ít doanh nghiệp đã phá sản hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Trong bối cảnh ấy thì việc nợ đọng BHXH, BHYT cũng là điều dễ hiểu và các cấp, các ngành cũng như cơ quan BHXH cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để cùng nhau vươn lên, vượt qua khó khăn… Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng có không ít doanh nghiệp đang lợi dụng, dựa dẫm vào tình hình. Lý do rất đơn giản: Khi chủ doanh nghiệp bí vốn, họ sẽ áp dụng nhiều cách, trong đó có cách nợ BHXH, BHYT của cán bộ công nhân, số tiền vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng lẽ ra phải đem nộp cho cơ quan BHXH đúng kỳ, đúng hạn thì họ sẽ chiếm dụng để chi tiêu vào việc khác.
Thông thường, mỗi khi doanh nghiệp bí vốn thì họ sẽ đến các ngân hàng thương mại để vay nhưng đôi khi việc vay vốn không hề dễ, nhất là những doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, đã là khách hàng “xấu” của tất cả các ngân hàng trên địa bàn, tài sản thế chấp không còn… Thêm một lý do khác nữa là nếu vay ngân hàng thì lãi suất khá cao, có thời điểm lên đến 20%/năm, trong khi chậm đóng BHXH chỉ phải chịu lãi suất 0,988%/tháng.
Theo quy định của luật pháp, việc chủ sử dụng lao động nợ đọng tiền BHXH quá lâu sẽ bị xử phạt với số tiền 30 triệu đồng nhưng với những nhà kinh doanh lọc lõi họ sẽ tính toán thiệt hơn, nếu việc nợ nhiều tiền với lãi suất thấp có lợi hơn việc đi vay hoặc giải quyết được tình thế trước mắt thì họ sẵn sàng chịu phạt để được nợ! Đó còn chưa kể đến việc ngành BHXH và các cơ quan chức năng khó lòng đưa ra quyết định xử phạt đối với một doanh nghiệp đang làm ăn rất khó khăn hoặc có mối quan hệ thân tình!
Từ phân tích nói trên cho thấy, khi tình trạng nợ đọng tiền BHXH, BHYT diễn ra thì chỉ duy nhất một mình chủ sử dụng lao động được hưởng lợi, đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là người lao động! Họ sẽ không được hưởng các chế độ BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, không được hưởng các chế độ ốm, đau, thai sản, tai nạn lao động, nghỉ dưỡng, hưu trí, tử tuất…, khi hết tuổi lao động hoặc chuyển công tác họ sẽ không chốt được sổ BHXH khi giải quyết chế độ hoặc chuyển đến để tham gia BHXH ở nơi công tác mới… Vậy là trăm thứ thiệt thòi đều đổ xuống người lao động và suy rộng ra có nghĩa là xã hội này, đất nước này phải chịu thiệt thòi, phải thêm gánh nặng.
Những trường hợp thất nghiệp mà không được trợ cấp, phụ nữ sinh con mà không có đồng lương, rồi những công nhân hết tuổi lao động nhưng chưa thể nghỉ chế độ vì đang vướng mắc BHXH để rồi chạy đôn, chạy đáo, đơn thư khắp nơi không phải là chuyện hiếm; đặc biệt có những trường hợp tai nạn lao động, mang thương tật suốt đời với tỷ lê thương tật cao mà không được hưởng các chế độ… chỉ vì chủ sử dụng lao động đã không thu nộp BHXH, BHYT đúng kỳ, đúng hạn hoặc đã có rồi nhưng vì bí vốn lại đưa vào sản xuất kinh doanh!
Như đã nói ở trên, nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn thì các cấp, các ngành và cơ quan BHXH cần có nhưng giải pháp để sẻ chia với họ, nhưng nếu như họ lợi dụng để chiếm dụng vốn thì cũng cần có những biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm.
Đối với người lao động, mỗi người cũng cần phải nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của mình đối với chính sách pháp luật Nhà nước, nhất là những bộ luật liên quan trực tiếp đến mình như Luật Lao động, Luật BHXH… từ đó đừng lãng quên rằng một phần tiền lương của mình đã được chủ sử dụng lao động giữ lại để nộp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT.
Khi giám đốc doanh nghiệp không nộp đủ bảo hiểm xã hội có nghĩa là người lao động đã mất quyền lợi hợp pháp và chính đáng, vì thế cần đòi hỏi sự minh bạch trong việc thu nộp BHXH, biết được thông tin để mà đấu tranh cho quyền lợi của mình với chủ sử dụng lao động, đừng để đến khi ốm đau, thai sản, lúc về hưu hoặc không may tai nạn lao động mới lên tiếng thì đã quá muộn!
Lê Phiên
Các tin khác
Với tỷ lệ đỗ thấp hơn năm ngoái, cả nước có 21.000 học sinh THPT và 20.000 học sinh GDTX trượt tốt nghiệp, trong tổng số gần 950.000 sĩ tử.
Ngày 18-6, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2013/QÐ-TTg về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ GD-ĐT vừa công bố quyết định bổ sung 20 huyện có học sinh được quyền ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ hệ chính quy.
YBĐT - Không có tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), số vụ việc vi phạm pháp luật hàng năm đều giảm, không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp… là kết quả sự nỗ lực trong nhiều năm qua của Ban Công an xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nhằm giúp nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.