Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú: Những vấn đề cần quan tâm
- Cập nhật: Thứ hai, 1/7/2013 | 10:44:43 AM
YBĐT - Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Yên Bái vừa qua đã tiến hành giám sát chuyên đề về tình hình xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Khao Mang (Mù Cang Chải) trong giờ ăn trưa.
(Ảnh: H.N)
|
Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện công tác này đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Về công tác chỉ đạo, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND về xây dựng trường PTDTBT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là NQ 22).
Để triển khai NQ 22, UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chuyên môn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện. Cùng với hệ thống văn bản chỉ đạo của địa phương, năm 2010, Chính phủ ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú (HSBT) và trường PTDTBT (gọi tắt là QĐ 85); Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư số 24 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT (gọi tắt là TT 24). Hệ thống các văn bản đó đã tạo căn cứ pháp lý và luồng sinh khí mới cho hệ thống trường PTDTBT phát triển mạnh mẽ.
Tính đến tháng 5/2013, toàn tỉnh có 38 trường PTDTBT và 37 trường phổ thông có HSBT với quy mô là 10.210 HSBT, tăng 56% so với năm 2010. Các huyện có số lượng HSBT cao là Mù Cang Chải 3.718 em, Trạm Tấu 2.394 em, Văn Chấn 1.733 em, Văn Yên 1.427 em... Nhìn chung, công tác thành lập trường PTDTBT và xét duyệt HSBT đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định đúng theo quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngoài việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định, các trường PTDTBT đã thực hiện khá tốt hoạt động đặc thù như: hướng dẫn học sinh tự học ngoài giờ lên lớp; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; giáo dục kỹ năng sống; nấu ăn tập trung cho học sinh (HS).
Qua 3 năm thực hiện NQ 22, chất lượng giáo dục của các trường PTDTBT được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ HS khá, giỏi tăng từ 1% - 1,2%/năm; tỷ lệ HS chuyên cần đạt từ 90% - 95%. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, các cấp chính quyền đã quan tâm đảm bảo điều kiện cho việc giáo dục và nuôi dưỡng HSBT.
Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như các trường phổ thông khác theo quy định, các trường PTDTBT đã được đầu tư xây dựng 282 phòng ở, 19 bếp nấu, 16 công trình vệ sinh và nước sạch, 2.199 giường tầng... với tổng nguồn vốn trên 90 tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước 44%, vốn xã hội hóa 56%).
Về nhân lực, khối trường PTDTBT hiện có 1.382 giáo viên, đạt 80% so với định mức quy định tại Thông tư 59; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 100%, trên chuẩn là 20%. Ngoài định mức giáo viên theo quy định, các trường đã được ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí hợp đồng 192 nhân viên cấp dưỡng (NVCD). Ngành giáo dục đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên, nhất là nghiệp vụ về tổ chức hoạt động đặc thù.
Các chế độ, chính sách đối với trường PTDTBT được quan tâm giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Từ năm 2011 - 2012, tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ các trường PTDTBT là 59 tỷ đồng; dự toán năm 2013 khoảng 48 tỷ đồng. Các trường đã mở sổ sách theo dõi các nguồn kinh phí và thường xuyên thực hiện việc công khai hóa các khoản thu.
Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cho thấy, việc ban hành các văn bản chỉ đạo còn chậm, chưa đồng bộ, thậm chí có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như Thông tư 65 của liên Bộ GD-ĐT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư (hướng dẫn thực hiện QĐ 85) có quy định: đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là HS tại các trường ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK); trong khi đó các địa phương đều quy hoạch trường học ở khu trung tâm xã. Do vậy, hiện nay, tại các xã Hồng Ca (Trấn Yên), Lâm Giang, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ (Văn Yên)... có HS thuộc thôn ĐBKK ở nội trú tại trường nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo QĐ 85.
Một thực tế nữa là NQ 22 của HĐND tỉnh có một số nội dung chưa phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Trung ương nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung (như phạm vi áp dụng, mục tiêu). Hơn nữa vẫn còn một số nội dung quan trọng đã nêu trong NQ 22 nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện như quy hoạch trường PTDTBT; vận động cán bộ, viên chức ủng hộ 1 ngày lương. Hệ thống văn bản chỉ đạo xét duyệt HSBT tuy đã được ban hành nhưng vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp.
Ví dụ như căn cứ xác định HS không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, theo hướng dẫn của Thông tư 65 thì UBND cấp tỉnh quy định cụ thể số ki-lô-mét và địa bàn nhưng Quyết định số 50/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành tiêu chí xét duyệt HSBT được hưởng chính sách hỗ trợ (gọi tắt là QĐ 50) mới chỉ quy định tiêu chí số ki-lô-mét, thiếu tiêu chí địa bàn. Do quy định chưa đầy đủ các tiêu chí dẫn đến tình trạng không ít trường hợp HS có thể đi về trong ngày nhưng vẫn được xét duyệt HSBT.
Những bất cập này đã gây thắc mắc trong nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của mô hình trường PTDTBT. Chất lượng giáo dục của các trường PTDTBT vẫn còn thấp so với yêu cầu, tỷ lệ HS yếu kém, HS bỏ học vẫn ở mức cao. Công tác quy hoạch quỹ đất cho xây dựng trường PTDTBT chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng một số nơi xin được kinh phí nhưng lại không có quỹ đất để xây dựng.
Ví dụ như ở huyện Mù Cang Chải, năm 2012, có 4/5 công trình do Tập đoàn Dầu khí đầu tư có kinh phí nhưng không có quỹ đất để xây dựng. So với các tiêu chí quy định tại TT 24 thì hiện tại, 38/38 trường PTDTBT đều chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất. Điều đáng lưu ý là công tác chăm lo đời sống vật chất cho HSBT còn nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của ngành giáo dục, nếu tính theo định mức quy định thì số phòng ở và các công trình phụ trợ hiện có mới đảm bảo được nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho khoảng 3.000 HS nhưng trong thực tế đang có 7.000 HS ở tập trung tại trường, quá tải gấp 2,3 lần. Giám sát tại các trường PTDTBT ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên cho thấy, nhiều nơi bố trí HS ở quá chật chội, từ 25 - 30 HS/phòng, trong khi đó thiết kế xây dựng chỉ 8 - 10 HS/phòng.
Bên cạnh đó, hiện còn trên 3.000 HSBT ở trọ nhà dân nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động tập thể gặp nhiều khó khăn. Một thực tế nữa là kinh phí tổ chức nấu ăn cho HS chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Một số nơi tuy đã huy động sự đóng góp của HS nhưng mức đóng góp còn thấp, thậm chí có nơi phụ huynh còn phó mặc cho nhà trường lo liệu nên bữa ăn của HS còn đạm bạc, không đủ dinh dưỡng. Về giáo viên, tính theo định mức quy định khối trường PTDTBT còn thiếu 223 biên chế. Để khắc phục, năm 2013, nhiều địa phương đã cho phép các đơn vị trường học hợp đồng giáo viên nhưng do thiếu văn bản chỉ đạo nên mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau.
Về hợp đồng, huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải ký hợp đồng theo năm học, huyện Văn Yên, Văn Chấn ký hợp đồng dưới 3 tháng. Về chi trả tiền lương, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu chi trả bằng 1,0 mức lương tối thiểu (áp dụng theo Luật Lao động), huyện Văn Yên, Mù Cang Chải chi trả bằng bậc 1 theo ngạch bậc đào tạo (áp dụng theo Công văn số 860 đã hết hiệu lực từ tháng 12/2012). Hiện còn 37 trường có HSBT và một số trường có HS ở nội trú chưa được hỗ trợ kinh phí hợp đồng NVCD nên việc tổ chức giáo dục và nuôi dưỡng HS gặp khó khăn.
Nhiều địa phương phản ánh mức chi trả tiền công cho NVCD bằng 1,0 mức lương tối thiểu là thấp nên người lao động chưa yên tâm làm việc, thậm chí có nơi không thuê khoán được lao động. Hơn nữa, trường PTDTBT là mô hình mới nên nhiều giáo viên còn lúng túng trong thực hiện các hoạt động đặc thù.
Qua hoạt động giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội đã đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tăng mức hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng trường PTDTBT, sửa đổi TT 65 theo hướng bổ sung cho nhóm đối tượng HS ở thôn ĐBKK, học tại các trường phổ thông được hưởng chính sách hỗ trợ theo QĐ 85, nâng định mức giáo viên của các trường PTDTBT.
Đồng thời đề nghị HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, sửa đổi NQ 22 cho phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế, ban hành các văn bản còn thiếu (như hướng dẫn thực hiện cuộc vận động cán bộ, viên chức ủng hộ 1 ngày lương xây dựng trường PTDTBT và chi trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng, quy hoạch hệ thống trường PTDTBT); sửa đổi QĐ 50 theo hướng quy định rõ tiêu chí địa bàn để đảm bảo cho việc xét duyệt HSBT chặt chẽ, đúng đối tượng, xem xét cho các trường phổ thông có HSBT và trường phổ thông có HS ở nội trú được hỗ trợ kinh phí hợp đồng NVCD, bổ sung chỉ tiêu biên chế cho các trường PTDTBT đảm bảo đủ định mức theo quy định tại Thông tư 59, nâng mức hỗ trợ tiền công cho NVCD để động viên đội ngũ này yên tâm công tác; nâng định mức chi khác cho các trường PTDTBT để đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ đặc thù.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách của địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trường PTDTBT, chỉ đạo các trường PTDTBT nâng cao chất lượng giáo dục và nuôi dưỡng HS, quan tâm giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với giáo viên, HS và sử dụng có hiệu quả, công khai nguồn kinh phí được hỗ trợ.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
YBĐT - Chiều ngày 29/6, dưới sự chứng kiến của hàng trăm khách hàng, Công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Đai-Ichi, văn phòng Yên Bái đã tổ chức lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng mua bảo hiểm với số tiền lên tới 1,650 tỷ đồng.
Tối qua (29/6), Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa ra Công điện số 12 về cơn bão Rumbia.
Từ ngày 1/7, một số quy định quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân sẽ có hiệu lực như nâng mức giảm trừ gia cảnh, áp dụng lương cơ sở, xử phạt hành chính tại Hà Nội cao gấp 2 lần nơi khác... .