Bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/7/2013 | 2:51:09 PM

YBĐT - Văn hóa ứng xử và văn minh giao tiếp là một phạm trù rất rộng gồm cử chỉ, lời nói, hành vi thể hiện và cả trang phục phù hợp. Đặc biệt, trong xã hội ngày càng văn minh, hiện đại thì những quy tắc, phong cách giao tiếp lịch sự càng cần được thể hiện.

Tạo dựng lối giao tiếp, ứng xử có văn hóa, lịch sự cho các em ngay ở lứa tuổi mầm non mang ý nghĩa rất quan trọng.
Tạo dựng lối giao tiếp, ứng xử có văn hóa, lịch sự cho các em ngay ở lứa tuổi mầm non mang ý nghĩa rất quan trọng.

Để mục tiêu xây dựng thành phố Yên Bái là thành phố văn hóa, văn minh và người dân thành phố thanh lịch đi vào thực chất, có hiệu quả, ý thức của mỗi người dân rất quan trọng.

Bên cạnh sự ủng hộ tích cực của đại đa số người dân, không thể phủ nhận vẫn còn nhiều biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận như lời nói tục tĩu, cử chỉ thô thiển, hành động thiếu văn hóa nơi công cộng... Đây không phải là việc có thể làm ngay trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi sự bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động và quan trọng là bắt đầu từ ý thức tự giác chấp hành của mỗi người.

Ông Văn Hữu Thanh - Tổ trưởng tổ dân phố 54, phường Yên Ninh cho biết: “Để cuộc vận động thành công, vai trò của tổ dân phố là hết sức quan trọng, giữ vị trí nòng cốt trong việc vận động người dân xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa và chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi hết sức chú trọng đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mỗi người dân”.

 Chị Nguyễn Thị Vân ở tổ dân phố 2B, phường Đồng Tâm cho biết: “Nếp sống văn hóa, văn minh nghe thì đơn giản nhưng nhiều khi chưa được mọi người chú trọng nên vẫn còn có những hình ảnh chưa đẹp trên đường phố. Tôi mong mỗi người dân đều nêu cao ý thức để xây dựng Yên Bái trở thành thành phố văn minh”.

Cô giáo Lương Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Yên Bái chia sẻ: “Việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lối ứng xử, giao tiếp cho các em ngay từ lứa tuổi mầm non là rất quan trọng. Cùng với việc hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ngay từ cách chào hỏi, việc dạy cho các em lối ứng xử, giao tiếp văn hóa với mọi người, với chính mình và với môi trường sống, ứng xử đẹp khi chơi với bạn... được các cô giáo lồng ghép, tích hợp vào tất cả các hoạt động học tập, vui chơi hàng ngày của trẻ. Chúng tôi cho rằng, việc giáo dục cho các em có một nếp sống văn hóa, văn minh phải là một quá trình “mưa dầm thấm lâu” và phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, tạo nền tảng, thói quen cho các em ngay từ khi còn nhỏ”.

Văn hóa giao tiếp, ứng xử không chỉ thể hiện ở nơi công cộng mà còn thể hiện ngay trong các cuộc hội họp. Trong nhiều cuộc họp hay hội nghị, dễ dàng bắt gặp những biểu hiện bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người như để chuông điện thoại kêu rất to dù trước đó đã được đề nghị để chế độ rung hoặc tắt điện thoại; có những người vô tư nói chuyện điện thoại oang oang khi mọi người đang tập trung vào cuộc họp...

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lịch ở phường Minh Tân nêu quan điểm: “Trong các cuộc họp nghiêm túc mà có tiếng chuông điện thoại sẽ làm mọi người bị mất tập trung. Thái độ thiếu tôn trọng mọi người như thế cần phải được nhắc nhở ngay để người đó thấy xấu hổ, lần sau sẽ nhớ và không phạm phải nữa. Đó chính là cách ứng xử có văn hóa của mỗi người khi tham gia các cuộc họp”.

Nhiều người biết hành vi mất lịch sự đó sẽ gây ảnh hưởng đến mọi người nhưng vẫn cố tình làm. Chính vì lý do đó mà ở các nước tiên tiến, các hành vi vi phạm về văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và cộng đồng sẽ bị pháp luật xử những khoản phạt rất nặng. Bởi vậy, bên cạnh việc giáo dục, nâng cao ý thức cho mỗi người dân thì việc đưa vào xử phạt các vi phạm sẽ góp phần tạo thói quen sống có văn hóa, văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng của mỗi người.

Để nếp sống văn hóa, văn minh trong giao tiếp, ứng xử trở thành ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình thì rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như sự đồng thuận của toàn xã hội. Đặc biệt, ý thức của mỗi người dân chính là điều kiện tiên quyết để Yên Bái sớm trở thành thành phố văn minh.

Bảo Ngọc

Các tin khác

Từ 1-7, lương cơ sở của công chức, viên chức sẽ tăng thêm 100.000 đồng/tháng so với mức 1.050.000 đồng/tháng hiện nay. Bộ Nội vụ dự kiến kinh phí tăng thêm để thực hiện việc tăng lương là 21.700 tỉ đồng.

Với sự hỗ trợ của Thành đoàn Hà Nội, Cốc Cốc (CocCoc.com) ra mắt dịch vụ miễn phí tìm nhà trọ giá rẻ cho các bạn sinh viên trong kỳ thi đại học 2013. Kết quả sẽ được hiển thị một cách trực quan trên dịch vụ bản đồ địa điểm Nhà Nhà của Cốc Cốc.

YBĐT – Sáng 2/7, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban chỉ đạo chiến dịch thanh niên tình nguyện hè tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn cho các đội tri thức trẻ tình nguyện hè 2013.

Người dân xã Đông Cuông, tham gia Hội thi “Khéo tay giã cốm” được tổ chức vào tháng 9 (Âm lịch) hàng năm.

YBĐT - Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) đã được triển khai hiệu quả. Mỗi thôn, bản, tổ dân phố, trường học, cơ quan và các hộ gia đình… đều có những việc làm thiết thực thực hiện phong trào này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục