Bất cập lao động tự do trong doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 29/7/2013 | 9:48:35 AM
YBĐT - Hiện nay đang tồn tại khá phổ biến tình trạng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh như chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, đũa gỗ, cơ sở chăn nuôi sử dụng nhiều lao động chân tay. Các doanh nghiệp này hầu hết không sử dụng quá đông công nhân nên dễ tuyển lao động từ vùng nông thôn và thường không ký hợp đồng lao động.
Công nhân chuyên nghiệp tại Nhà máy gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) luôn được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.
|
Tuy vậy, có không ít lao động tự do không làm theo thời vụ mà gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm liền không khác gì một công nhân chuyên nghiệp. Vì vậy, thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập về quyền và lợi ích lao động đối với dạng lao động này như: vì không có hợp đồng lao động nên cơ sở sản xuất kinh doanh không phải ký kết thỏa ước lao động với công nhân; công nhân không được đóng các loại bảo hiểm hoặc không được tư vấn tham gia bảo hiểm; mức lương cho công nhân do chủ sở hữu lao động tự đặt ra nên nhiều khi thu nhập không tương xứng với công việc.
Có trường hợp doanh nghiệp còn lợi dụng sơ hở của công nhân để phạt vào lương, sa thải khi thiếu sót của người lao động chưa đến mức phải xử lý như vậy. Hoặc là doanh nghiệp trả lương thấp nhưng vẫn tìm cách để ghìm chân công nhân bằng cách giữ lại một phần lương để thanh toán vào cuối năm kèm theo điều kiện là phải làm hết năm mới được thanh toán phần còn lại, nếu không bảo đảm điều kiện này thì số tiền doanh nghiệp giữ lại sẽ không không được thanh toán với lý do công nhân bỏ việc giữa chừng.
Ở vào hoàn cảnh này, nhiều lao động tự do vì không bảo đảm thu nhập muốn chuyển sang nơi khác làm việc cũng không được do số tiền chủ sử dụng lao động đang giữ lại của họ mỗi tháng vài trăm nghìn, chỉ cần trong vài tháng thôi cũng sẽ bị mất đi tiền triệu. Không còn cách nào khác công nhân đành phải cố làm cho hết năm rồi mới nghỉ việc. Thời gian lao động trong ngày cũng không có một quy định cụ thể nào và làm thêm giờ cũng không được hưởng tiền làm thêm theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đơn cử như một cơ sở chăn nuôi ở thành phố Yên Bái yêu cầu công nhân đi làm từ lúc 5h30 đến 11h30; buổi chiều làm từ 13h30 đến 18h nhưng hôm nào có xe chở thức ăn chăn nuôi đến muộn thì công nhân còn phải bốc vác cho xong mới được nghỉ. Trong khi đó, lương công nhân vẫn chi trả theo mức đã ấn định từ trước mà nếu tính bình quân chỉ bảo đảm khoảng trăm nghìn/công lao động. Nhiều doanh nghiệp có lúc công nhân thường phải làm dôi giờ từ 15 đến 20 phút do công việc đang dở dang. Đó là một quãng thời gian ngắn phát sinh đối với giờ làm việc của mỗi công nhân nhưng cộng lại vài chục người thì số giờ làm lợi cho doanh nghiệp lại không nhỏ.
Cùng đó, lao động tự do trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh này đôi khi còn phải chịu những thiệt thòi khác như không được khám sức khỏe định kỳ; không được tập huấn kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động; không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động; không có hỗ trợ khi ốm đau, thai sản…
Những doanh nghiệp sử dụng lao động tự do đôi khi cũng phải chịu những rủi ro trong kinh doanh. Chẳng hạn, đúng vào dịp cao điểm sản xuất nhưng lại rơi vào lúc nông vụ nên nhiều lao động tìm mọi cách để nghỉ việc làm mùa. Lúc này doanh nghiệp không thể tuyển kịp người thay thế nên hiệu quả kinh doanh giảm. Có trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được tiến độ thi công của đối tác nên bị cắt hợp đồng cung ứng vật liệu. Doanh nghiệp không có cơ chế khuyến khích lao động hợp lý khiến công nhân lôi kéo nhau bỏ việc; làm việc cầm chừng; không có ý thức bảo vệ tài sản, máy móc sản xuất hoặc không giữ chân được người có tay nghề giỏi…
Nhà nước cũng chịu những thiệt thòi do doanh nghiệp sử dụng lao động tự do, đơn cử như việc có những cơ sở kinh doanh khoán lương trên doanh số tiêu thụ nên nhiều nhân viên bán hàng có thu nhập cao; thợ có tay nghề cao… nhưng Nhà nước lại không có căn cứ để đánh thuế thu nhập cá nhân.
Những bất cập này trong lao động - việc làm đã và đang là vấn đề đặt ra để các cơ quan chuyên môn xem xét tìm ra biện pháp điều chỉnh hợp lý.
P.V
Các tin khác
Ngày 28/7, BS Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết, trong tháng 7, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Người đầu tiên là anh Trần Như Sơn (40 tuổi) tử vong sau 2 ngày nhập viện, ít hôm sau đến lượt cháu Lê Phan Quốc Nin (4 tuổi).
Đến 14 giờ chiều 28/7, điểm sạt lở tại Km156 + 700 tuyến quốc lộ 279, đoạn đi qua xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, đã được khai thông, đảm bảo cho xe tải, xe chở khách đi qua, sớm hơn dự kiến khoảng 8 tiếng.
Nồi hơi của cơ sở làm bánh tráng nặng hơn 100 kg phát nổ, bắn lên trời bay qua ít nhất 7 căn nhà rồi rơi xuống quán karaoke khiến một Việt kiều tử vong.
Liên tiếp những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xuất hiện mưa và có nơi mưa rất to, gây thiệt hại nhiều đến sản xuất của nhân dân.