Tích cực đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/8/2013 | 9:29:57 AM

YBĐT - Nhân dịp ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Yên Bái tổ chức tổng kết năm học 2012 - 2013, triển khai nhiệm vụ năm học mới, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Xuân Hưng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT về những kết quả của năm học 2012 - 2013 và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2013 - 2014.

Đồng chí Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái trao phần thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó tháng 12/2012.
Đồng chí Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái trao phần thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó tháng 12/2012.

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong năm học 2012 - 2013?

Đồng chí Trần Xuân Hưng: Năm học 2012 - 2013 là năm học tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, địa phương cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, năm học vừa qua, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái tiếp tục có bước chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Để có được kết quả đó, ngành đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương, từng bước giải quyết dứt điểm nhiều khó khăn cho các cơ sở trường học.

Đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp được tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển hiệu quả, đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác rà soát hệ thống trường lớp, đội ngũ lao động trong toàn ngành được quan tâm, chỉ đạo sát sao, cơ bản đảm bảo các điều kiện cho công tác dạy và học.

Đội ngũ nhà giáo các cấp được chuẩn hóa với trên 99% đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn 43%; trong năm đã bồi dưỡng, tập huấn 14.200 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học; điều động lao động từ nơi thừa đến nơi thiếu đã được tiến hành sau rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp ở các địa phương. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 70%; các điều kiện về trang thiết bị được tăng cường, đảm bảo đủ phòng học và đủ bàn ghế cho học 2 ca; một bộ phận trường học đã đủ điều kiện cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Công tác phát triển giáo dục dân tộc, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được quan tâm phát triển nên số lượng học sinh bỏ học ở các cấp giảm, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục.

Kết thúc năm học 2012 - 2013, sự nghiệp GD&ĐT Yên Bái đã có những bước chuyển rõ nét. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể, số học sinh bỏ học còn 0,53%, giảm 0,11% so với năm học trước, trong đó đáng ghi nhận là số học sinh tiểu học bỏ học chỉ còn 6 em, tỷ lệ bỏ học các cấp ở vùng cao đều giảm.

Tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải duy trì ở mức khá và cao so với khu vực, tăng 166 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, tăng 20 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; tỷ lệ học sinh yếu, kém các bậc học đều giảm; tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng đạt 32%, tăng trên 6%; một số cơ sở trường học của tỉnh tiếp tục đạt được thứ hạng cao so với toàn quốc về chất lượng giáo dục như Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường PTDTNT THPT tỉnh. Công tác phổ cập đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

- Đến nay, toàn ngành đã có những chuẩn bị gì cho năm học mới 2013 - 2014, thưa đồng chí?

Chuẩn bị cho năm học mới và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm học 2013 - 2014, từ nhiều tháng nay, toàn ngành tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho khai giảng năm học. Ngành đã tham mưu đề xuất xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ năm học để UBND tỉnh ban hành quyết định về kế hoạch thời gian năm học và tham mưu ban hành chỉ thị về triển khai thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT năm học 2013 - 2014; phối hợp với các ngành tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTBT.

Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các điều kiện để  tựu trường vào ngày 6/8 và chính thức bước vào chương trình học tập từ ngày 12/8 đối với giáo dục phổ thông và ngày 19/8 đối với giáo dục mầm non, giáo dục chuyên nghiệp. Ngoài ra, ngành còn tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên hè 2013 tại tỉnh và các huyện.

Cùng với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ngành học, bậc học, Sở đang chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình của các địa phương và triển khai tới các cơ sở trường học trước khi bước vào năm học mới; hoàn thành công tác tuyển sinh năm học 2013 - 2014 đối với các lớp đầu cấp học đúng thời gian quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp; xây dựng phương án sắp xếp phù hợp và hiệu quả, đảm bảo đủ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên khi bước vào năm học mới; triển khai mua sắm thiết bị, cung ứng sách giáo khoa cho các cơ sở trường học theo đúng quy trình, đảm bảo kịp thời phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy tại các đơn vị trường.

Ngành cũng đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền cổ động về khai giảng và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm học 2013 - 2014 trong toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng, quan tâm đến những học sinh nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con thương binh, liệt sỹ, học sinh mồ côi cha mẹ, học sinh dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật...

Ngày 5/9/2013 sẽ tiến hành khai giảng đồng loạt tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch giao, năm học này, toàn tỉnh có trên 180.000 trẻ mầm non, học sinh, học viên từ mầm non đến trung học phổ thông. Đến thời điểm này, theo báo cáo từ các đơn vị, tất cả các cơ sở giáo dục đã sẵn sàng cho ngày tựu trường và bước vào giảng dạy chương trình năm học 2013 - 2014 theo đúng kế hoạch thời gian.

- Thưa đồng chí, bước vào năm học mới, ngành giáo dục Yên Bái còn gặp những khó khăn gì? Từ những khó khăn đó, ngành đã đề ra giải pháp ra sao để tháo gỡ trong năm học mới và những năm tiếp theo?

Với đặc thù của một tỉnh miền núi, Yên Bái có điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông đi lại ở một số địa phương còn rất khó khăn. Mặc dù đã có sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung sức của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở nhưng việc phát triển GD&ĐT còn nhiều trở ngại, hạn chế, thách thức trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là, chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học còn bất cập; nhu cầu về phát triển giáo dục với điều kiện đảm bảo chưa tương thích; điều kiện đảm bảo cho phổ cập giáo dục mầm non bất cập, phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu vững chắc ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn tiếp tục giảm song ở bậc trung học còn cao, tỷ lệ đi học chuyên cần ở vùng cao, vùng khó khăn chưa thực sự ổn định. Chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh còn khoảng cách chênh lệch; số học sinh có học lực giỏi ở các cấp học, bậc học đạt tỷ lệ thấp. Số học sinh có đủ điểm thi đỗ đại học, cao đẳng mới chỉ tập trung ở một số trường khu vực vùng thuận lợi.

Tỷ lệ phòng học kiên cố ở nhiều huyện còn thấp; nhiều trường học còn thiếu nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học; việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT, PTDTNT còn thiếu nguồn lực; việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cũng còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non, đề án dạy ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn do đội ngũ vừa thiếu vừa còn hạn chế, bất cập.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế đó và triển khai nhiệm vụ năm học mới, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Yên Bái tập trung vào một số việc cơ bản, trọng tâm sau:

Một là, tích cực đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, huy động các lực lượng xã hội tham gia cho sự phát triển GD&ĐT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển GD&ĐT.

Hai là, tăng cường kỷ cương trường lớp gắn với tiếp tục triển khai quy chế dân chủ trong các trường học; các cấp quản lý giáo dục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc công khai các nội dung về chất lượng giáo dục, về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, về tài chính, về chế độ, chính sách của giáo viên, học sinh; chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm về dạy thêm không đúng quy định, về lạm thu trong các cơ sở trường lớp.

Ba là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch về quy mô trường, lớp theo hướng đảm bảo phát triển sự nghiệp GD&ĐT theo định hướng từ những chủ trương của Đảng, Nhà nước, đảm bảo nhu cầu học tập của nhân dân đồng thời phù hợp với tình hình thực tế về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung quan tâm phát triển số lượng ở vùng đồng bào dân tộc, vùng cao; huy động các nguồn lực đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng các trường PTDTBT, PTDTNT, đảm bảo các điều kiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Bốn là, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học trên cơ sở quy hoạch, đào tạo, đánh giá và sắp xếp hợp lý; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên gắn với việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, đảm bảo chế độ chính sách và các điều kiện làm việc; đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, từng cơ sở trường học.

Năm là, tập trung thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS vững chắc; vận động và duy trì học sinh đến trường thường xuyên, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất là bậc trung học; quan tâm phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục toàn diện, động viên và khen thưởng kịp thời giáo viên giỏi, học sinh giỏi; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, tăng cường công tác bảo quản, sử dụng cơ sở vật chất có hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ - thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể; sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm học 2013 - 2014, ngành GD&ĐT Yên Bái sẽ tiếp tục có bước khởi sắc, chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Văn Tuấn (thực hiện)


 

Các tin khác
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phong Dụ Thượng ôn bài ngoài giờ lên lớp trong không gian thân thiện.

YBĐT - 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đến nay, cơ bản diện mạo các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đổi thay, môi trường giáo dục được chú trọng, chất lượng dạy và học được cải thiện…

Bà cháu trò chuyện sau giờ luyện tập.

YBĐT - Không thành tích, không vụ lợi, những chị phụ trách U60 ở khu phố Lê Hồng Phong 1, phường Nguyễn Thái Học hoạt động trên tinh thần vì trẻ thơ, vì một mùa hè bổ ích cho các cháu thiếu nhi.

Đường đi và vị trí cơn bão số 5

Từ ngày 3/8, do ảnh hưởng của bão số 5, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông.

YBĐT - Hè 2013, 10 tình nguyện viên trong đội tri thức trẻ tình nguyện của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đã có mặt tại điểm lớp thuộc 5 thôn của xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cùng đội ngũ giáo viên sở tại và gần 40 học sinh THPT là con em địa phương tham gia chương trình xóa mù chữ cho đồng bào Mông độ tuổi từ 15 - 45 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục