Sớm khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế
- Cập nhật: Thứ ba, 6/8/2013 | 8:58:30 AM
Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến sự kiện hàng vạn tấm thẻ bảo hiểm y tế đã bị cấp trùng (một người có 2, 3, 4 thậm chí là 5, 6 tấm thẻ bảo hiểm y tế). Có thể nói, việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế là vấn đề không mới và khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành cả nước trong đó có Yên Bái. Báo Yên Bái đã có bài viết phản ánh về vấn đề này.
Trước hết có thể khẳng định, việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế không trực tiếp gây thất thoát ngân sách Nhà nước hay nói cách khác là sẽ không có chuyện tư lợi trong vụ việc này! Tuy nhiên, sự lãng phí là quá rõ, chỉ tính riêng tiền in phôi thẻ, nhân công làm việc… cho hàng vạn tấm thẻ vô ích thì số tiền đã rất lớn. Qua nghiên cứu, đánh giá của ngành bảo hiểm xã hội thì đối tượng cấp trùng thẻ chủ yếu ở nhóm người nghèo, người có công, thân nhân sỹ quan quân đội nhân dân; thân nhân công an nhân dân; hội viên hội cựu chiến binh và đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số… Đây là nhóm đối tượng được mua bảo hiểm y tế bằng ngân sách Nhà nước hay nói cách khác là được bao cấp bảo hiểm y tế.
Nguyên nhân của việc cấp trùng thẻ là do có quá nhiều nhóm đối tượng khác nhau, do nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau quản lý và lập danh sách mua bảo hiểm y tế. Chẳng hạn, đối tượng người nghèo do UBND xã lập danh sách; cựu chiến binh do hội cựu chiến binh lập danh sách; thân nhân sỹ quan do huyện đội, tỉnh đội lập danh sách… Vậy là, một đối tượng có thể sắm "nhiều vai" như: vừa là cựu chiến binh, lại là dân tộc thiểu số, là thân nhân sỹ quan, thêm nhân khẩu thuộc hộ nghèo… và mỗi một "vai" sẽ được một cơ quan quản lý lập danh sách và mua cho một tấm thẻ bảo hiểm y tế.
Do không mất tiền nên họ (tức các đối tượng) cứ thấy có người cho là nhận, trong đó không ít người vẫn lầm tưởng rằng có càng nhiều càng tốt, càng có thêm sự lựa chọn… mà họ không hiểu rằng các loại thẻ mà họ được nhận đều có giá trị như nhau, chỉ cần một tấm thẻ là có thể khám với số lần không hạn chế, ở nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và ở những tuyến trên theo quy định của ngành bảo hiểm xã hội và theo chỉ định của cơ sở y tế! Tóm lại, một người có một hay nhiều tấm thẻ bảo hiểm y tế cũng không khác gì nhau.
Rõ ràng khi một địa phương để có tình trạng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế lớn hơn cả số dân thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương. Cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương thấy trùng chéo, thấy bất thường như vậy mà không kiểm tra, rà soát, cứ thấy có danh sách, có ký tên, đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương là cấp luôn, sự việc diễn ra trong thời gian dài, ở nhiều địa phương khác nhau và đã có phát hiện… mà không xử lý thì cũng nên nhận thấy rõ trách nhiệm của mình.
Vậy câu hỏi đặt ra là có giải pháp nào khắc phục tình trạng này? Như trong bài viết "Cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ chính quyền cơ sở trong việc lập danh sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế" mà Báo Yên Bái đã đăng tải đã phân tích, trước hết cần thống nhất một đầu mối là chính quyền các xã, phường, thị trấn làm nhiệm vụ quản lý các đối tượng và giao trách nhiệm cho cấp cơ sở này trực tiếp lập danh sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân. Không ai nắm rõ nhân khẩu ở khu dân cư bằng chính trưởng thôn, bản, trưởng khu phố; địa bàn khu dân cư nhỏ, số hộ ít và số dân không nhiều nên việc lập danh sách cũng không vất vả, không tốn thời gian…
Chính quyền hoặc ngành bảo hiểm xã hội chỉ cần lập cho trưởng thôn bản, trưởng khu dân cư một bảng biểu trong đó có các cột: số thứ tự, họ và tên người được cấp thẻ bảo hiểm y tế; ngày tháng năm sinh, rồi lần lượt đến các cột thuộc các nhóm đối tượng được tham gia như: hộ nghèo, dân tộc thiểu số, cựu chiến binh, thân nhân sỹ quan… cán bộ thôn, bản đến các hộ chỉ cần điền số thứ tự, họ và tên, ngày tháng năm sinh và đánh dấu tích một lần vào một trong số các cột thuộc nhóm đối tượng.
Chắc chắn với cách làm này sẽ hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp vì ở một khu dân cư sẽ rất ít hoặc không thể có nhiều người trùng tên, trùng họ, trùng ngày tháng năm sinh, trùng thành phần dân tộc... Lập danh sách xong, trưởng thôn bản, khu dân cư nộp danh sách cho cán bộ lao động, thương binh và xã hội xã, phường để tập hợp lại rồi UBND xã rà soát, kiểm tra xong đóng dấu xác nhận chuyển qua cơ quan bảo hiểm xã hội. Giải pháp khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế có lẽ chỉ cần đơn giản vậy, không cần cả một hệ thống công nghệ thông tin với phần mềm tự động hóa hay cấp thông tin mã số cá nhân mới có thể làm được.
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Lễ phát động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam và ủng hộ Dự án Ngân hàng bò tỉnh Yên Bái năm 2013” sẽ được tổ chức vào ngày 9/8 nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và người nghèo vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Phóng viên YBĐT có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Làng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Yên Bái xung quanh vấn đề này.
YBĐT - Thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), sau nhiều nỗ lực và thực hiện các bước theo đúng quy trình, năm 2012, tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện chính sách này với số tiền chi trả trên 18 tỷ đồng cho 23.959 tổ chức, cá nhân trồng và bảo vệ rừng.
Hồi 1 giờ ngày 6/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
YBĐT - Lấy 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND) làm "kim chỉ nam" cho mọi hành động, lực lượng cảnh sát (LLCS) Công an huyện Lục Yên (Yên Bái) đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên những chiến công đáng tự hào, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.