Phiên tòa lưu động - bài học “thức tỉnh”
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/11/2013 | 8:35:06 AM
YBĐT - Đối với mỗi người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, từ các xã, phường của thành phố Yên Bái đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có lẽ đã không còn xa lạ với những phiên tòa xét xử lưu động (XXLĐ) được tòa án các cấp tổ chức trên địa bàn dân cư.
Một phiên tòa lưu động tại phường Yên Ninh,
thành phố Yên Bái.
|
Với quan điểm chung của ngành tòa án: những vụ án được lựa chọn xét xử lưu động đều là những vụ án điểm, có tính chất phức tạp, có bị cáo phạm tội hoặc nơi phạm tội tại chính địa phương xét xử lưu động là một trong những yếu tố khiến các phiên tòa lưu động luôn được đông đảo người dân quan tâm theo dõi. Bởi vậy, các phiên tòa xét xử lưu động đã góp phần thiết thực giáo dục, răn đe người dân ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm.
Con số thực tế các vụ án đưa ra XXLĐ của các đơn vị đều vượt xa so với mức dự kiến đầu năm. Cơ cấu án xử lưu động, đối với các huyện chủ yếu là án ma túy, nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp giật, lạm dụng tín nhiệm… Riêng với tòa án tỉnh, các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, có mức án cao với các tội danh: giết người, mua bán người, những vụ án ma túy lớn. Mỗi phiên tòa là một câu chuyện pháp luật, bài học răn đe, cảnh tỉnh đắt giá trực tiếp giáo dục pháp luật đến người dân một cách hiệu quả và thiết thực nhất.
Từ 10/2012 đến hết tháng 9/2013, toàn tỉnh Yên Bái đã thụ lý 2.128 vụ án, giải quyết 2.085 vụ, đạt tỷ lệ 98%. Trong số đó có 125 vụ án được đưa ra XXLĐ, tăng 5 vụ so với các năm trước; trong đó, Tòa án nhân dân tỉnh XXLĐ 21 vụ, cấp huyện 104 vụ. Các đơn vị có lượng án XXLĐ lớn là thành phố Yên Bái 19 vụ, Mù Cang Chải 16 vụ, các huyện Yên Bình, Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Văn Yên đều thực hiện được 11 vụ XXLĐ. |
So với nhiều năm trước gần đây, công tác XXLĐ đã được ngành tòa án hết sức chú trọng cùng với các cơ quan tố tụng phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Ngành đã có sự chỉ đạo hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức xét xử cho các đơn vị. Hoạt động XXLĐ thuận lợi là đã được sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng, công an, tòa án, viện kiểm sát và chính quyền địa phương nơi tổ chức xét xử.
Tuy nhiên, công tác tổ chức XXLĐ vẫn còn gặp không ít khó khăn như địa bàn xét xử lưu động chủ yếu là vùng cao, vùng sâu nên việc đi lại, chuyên chở vật dụng xét xử khá vất vả cũng như chỗ ăn nghỉ, công tác bảo vệ…, đặc biệt là khó khăn về kinh phí tổ chức phiên tòa. Được biết, trung bình mỗi phiên tòa phải chi phí ít nhất 10 triệu đồng, là số tiền không nhỏ.
Trong khi đó, ngành mới chỉ có Tòa án tỉnh nhận được một phần kinh phí hỗ trợ từ chương trình đấu tranh phòng chống tội phạm ở mức 20 đến 30 triệu đồng/năm; đối với cấp huyện, hoàn toàn không được hỗ trợ kinh phí từ chương trình đấu tranh phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm.
Ngay Hội đồng phối hợp tuyên truyền PBGDPL tỉnh triển khai Đề án Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 cũng không phân bổ kinh phí hỗ trợ đối với ngành tòa án tuy thực hiện nhiệm vụ XXLĐ trong khi hoạt động XXLĐ lại trực tiếp và hết sức thiết thực trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đến nhân dân…
Hiệu quả là vậy, nhưng do khó khăn về kinh phí nên dù muốn ngành tòa án cũng rất khó để tăng mạnh số vụ án đưa ra XXLĐ. Đây cũng là hạn chế rất cần được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để công tác XXLĐ được tăng cường, phát huy hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, đặc biệt là địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang còn rất yếu và thiếu.
Những phiên tòa XXLĐ luôn ken đặc nhân dân tới tham dự, chứng kiến; những câu chuyện vụ án qua các phiên tòa là bài học thức tỉnh không chỉ với những người phạm tội hoặc đang có tư tưởng phạm tội mà cả với mọi người dân trên địa bàn về con đường dẫn đến phạm tội cũng như những hình phạt nghiêm minh của pháp luật để từ đó tự răn mình đồng thời giáo dục anh em, con cháu trong gia đình, dòng họ luôn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và tích cực đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Nghĩa An là xã đặc biệt khó khăn của thị xã Nghĩa Lộ, giáp ranh với các xã: Hạnh Sơn, Nghĩa Sơn, Thanh Lương (Văn Chấn), Pá Lau, Túc Đán (Trạm Tấu) và các phường: Tân An, Pú Trạng, Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ).
YBĐT - Vào lúc 6 giờ 30 phút, ngày 3/11/2013, tại bản Pom Ban - xã Tú Lệ huyện Văn Chấn (Yên Bái), Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Văn Chấn đã triệt phá thành công chuyên án 111 T thu giữ 1,5 kg thuốc phiện.
YBĐT - Ngày 5/10/2013, người dân sống ven bờ sông Hồng thuộc khu vực xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên bàng hoàng khi phát hiện một xác chết trôi dạt trên sông, nạn nhân là nam giới, khoảng gần 30 tuổi. Xác định đây không phải là vụ đuối nước thông thường, Công an huyện Văn Yên đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ tập trung điều tra làm rõ.
YBĐT - Cùng với đẩy mạnh TTPBGDPL, công tác tư pháp - hộ tịch từ thành phố Yên Bái đến các xã, phường được quan tâm thực hiện nghiêm theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.