Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Đoàn – Chánh Tòa Hành chính Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: "Hầu hết những vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh đều liên quan đến khiếu kiện về đất đai. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đất đai thường xuyên có sự biến động, giá trị quyền sử dụng đất không ngừng tăng cao; công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn có sai sót trong đo đạc, cấp chồng chéo các thửa đất, cấp đất không đúng diện tích thực tế sử dụng... dẫn đến tranh chấp ngày càng gay gắt, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”.
Do vậy, TAND tỉnh xác định quá trình giải quyết vụ án hành chính phải gắn liền với ổn định tình hình chính trị địa phương, đường lối giải quyết phải xây dựng trên cơ sở xem xét toàn diện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, cơ chế, chính sách của địa phương có phù hợp với quy phạm pháp luật; yêu cầu khởi kiện có chính đáng, phù hợp với pháp luật và người khởi kiện có đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình hay không. Từ đầu năm đến nay, TAND tỉnh đã thụ lý 35 vụ án hành chính, trong đó đưa ra xét xử 20 vụ. Các vụ án đưa ra xét xử đều đảm bảo đúng quy định theo Luật Tố tụng Hành chính 2015.
Việc giải quyết các vụ án hành chính rất phức tạp. Luật Tố tụng Hành chính 2015 có hiệu lực đã khắc phục được những hạn chế trong xét xử án hành chính, góp phần bảo đảm trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết các vụ án hành chính, nâng cao chất lượng xét xử. Thay đổi lớn nhất được quy định tại Khoản 3, Điều 60, Luật Tố tụng Hành chính, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này. Đây là quy định hoàn toàn mới nhằm khắc phục kịp thời những bất cập trong xét xử án hành chính. Vì trên thực tế cho thấy, hầu hết người bị kiện là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính Nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới như: Thanh tra, Văn phòng...
Những người được ủy quyền này lại không có quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến các quyết định hành chính bị kiện khiến việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa không hiệu quả; việc giải quyết vụ án kéo dài, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Thi hành luật mới, nếu chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND tỉnh không tham gia phiên tòa thì chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình và cấp phó không được ủy quyền lại cho người khác.
Để khắc phục khó khăn trên, TAND tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với UBND các cấp để thu thập kịp thời các văn bản ý kiến, tài liệu, chứng cứ đến TAND. Mặt khác, để hạn chế thấp nhất việc vắng mặt người đại diện của cơ quan hành chính các cấp bị khởi kiện tại các phiên hòa giải, đối thoại và các phiên xét xử của tòa án, TAND tỉnh không tổ chức các phiên hòa giải, đối thoại hay thực hiện các thủ tục tố tụng khác trong các ngày tiếp công dân định kỳ.
Tùy theo tính chất phức tạp hay ít phức tạp của từng vụ việc để sắp xếp một hay nhiều vụ việc của cùng một địa phương, đơn vị để tổ chức hòa giải, đối thoại trong một buổi hoặc một ngày; đồng thời, có thông báo lịch hòa giải đối thoại hay xét xử các vụ việc ngay từ đầu tháng để đại diện các cơ quan hành chính Nhà nước, những người có liên quan, chủ động sắp xếp công việc, thời gian nghiên cứu vụ việc, đảm bảo việc tham gia có hiệu quả nhất.
Anh Dũng