Vẹn nguyên ký ức tự hào

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/11/2020 | 1:52:20 PM

YênBái - “…Giống như một phong trào thi đua vậy, gần như tất cả chúng tôi đều làm đơn tình nguyện xin vào chi viện chiến trường miền Nam, có người thậm chí làm 2 đến 3 lá đơn… Ngày đấy, chỉ biết đi làm nhiệm vụ là đi chứ cũng chẳng bao giờ nghĩ đến ngày về…”.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam.

Câu chuyện của Trung tá Tạ Phúc Thành - nguyên Phó Giám thị Trại giam, Công an tỉnh Yên Bái về đầu những năm 70 của thế kỷ trước - giai đoạn hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Yên Bái tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, miền Bắc được giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Mỹ dựng lên một chính quyền tay sai với bộ máy quân sự đồ sộ, mạng lưới tình báo dày đặc; điên cuồng khủng bố, giết hại cán bộ, cơ sở cách mạng, bắt tù đày hàng triệu người, dìm phong trào cách mạng miền Nam trong biển máu... 

Sớm nhận định tình hình trên, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Tháng 4/1972, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chỉ thị động viên của Bộ Công an, Trung tá Tạ Phúc Thành khi đó 24 tuổi cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Công an tỉnh Yên Bái) viết đơn tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam. 

Sau khi được tuyển chọn, Trung tá Tạ Phúc Thành cùng 31 đồng chí khác được đưa về Trường An ninh miền Nam ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Trung tâm Huấn luyện bộ đội biên phòng) để huấn luyện. Ban ngày thì học nghiệp vụ, ban đêm thì rèn luyện sức khỏe bằng cách đeo ba lô gạch nặng 30 kg hành quân. 

Sau gần 3 tháng huấn luyện, cả đoàn được đưa đến bờ sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, từ đó tìm cách vượt sông, sau đó đến khu VI nhận nhiệm vụ. Để đảm bảo bí mật, mỗi người đều được cấp 1 chứng minh nhân dân giả và không được biết trước về nhiệm vụ phải thực hiện. 

Đường đi gặp nhiều khó khăn, gian khổ, chịu nhiều mưa bão, lương thực, thuốc men mang theo dần cạn kiệt, sức khỏe các thành viên trong đoàn cũng ngày càng giảm sút. Sau gần 5 tháng hành quân vào đến khu VI, một số đồng chí được phân công làm nhiệm vụ trong khu, số còn lại chia về các tỉnh. Trung tá Tạ Phúc Thành được phân công về nhận nhiệm vụ tại tỉnh Bình Thuận. 

Từ căn cứ khu VI đến Bình Thuận lúc đó phải đi bộ mất 2 ngày. Một mình xuống vùng đồng bằng mênh mông sông nước, xung quanh lại toàn là quân địch, các thành viên Đội Điệp báo mà Trung tá Tạ Phúc Thành được phân công đến nhận nhiệm vụ trước đó cũng đã hy sinh hoặc bị địch bắt chỉ còn lại 2 đồng chí nhưng cũng mất liên lạc. 

Nhiệm vụ xây dựng đặc tình trong lòng địch trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với khả năng nhạy bén, cùng với sự hỗ trợ của đồng đội, chỉ sau một thời gian ngắn, Trung tá Tạ Phúc Thành đã tạo được một số đầu mối liên lạc và bắt đầu móc nối trở lại. 

Một trong những chiến công nổi bật của ông cùng đồng đội là đã tác động, móc nối, xây dựng được viên chủ tịch hội đồng tỉnh khi đó trở thành điệp viên nội tuyến, cung cấp nhiều tài liệu bí mật, có giá trị, góp phần đập tan nhiều âm mưu, kế hoạch của quân địch, bảo vệ an toàn nhiều cơ sở cách mạng. 

"Ban ngày, chúng tôi ở dưới gầm của bụi tre để tránh bom, đạn pháo, tránh biệt kích, ban đêm thì lên mặt đất để dò xét, nắm tình hình. Mình ngoài miền Bắc vào lạ nước, lạ cái, nếu không có sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con nhân dân thì chắc chắn không thể hoàn thành nhiệm vụ. Sau giải phóng, tôi còn tiếp tục ở lại tham gia đánh phỉ hơn 10 năm nữa ở các vùng Bình Thuận, Lâm Đồng rồi mới chuyển công tác về Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đến thời điểm này vẫn thường xuyên được các anh em, đồng chí, đồng đội, bà con trong đó gọi điện thăm hỏi, gửi biếu những món quà dân dã” - Trung tá Tạ Phúc Thành chia sẻ.

Cùng lên đường chi viện chiến trường miền Nam với Trung tá Tạ Phúc Thành, thời điểm nhận được quyết định trưng tập của Bộ Công an, Đại úy Đặng Ngọc Thông - nguyên cán bộ Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn đang học tập tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Đường hành quân thì vô cùng khó khăn, gian khổ. 

Đói, rét, mưa bão cộng với bệnh tật đã khiến nhiều người trong đoàn trải qua những trận ốm thập tử nhất sinh. Đại úy Đặng Ngọc Thông cũng đã từng bị sốt rét rừng tưởng không qua khỏi, thậm chí đã được báo tử về nhà, nhưng may mắn được đồng đội, bà con nhân dân dọc đường hành quân chăm sóc nên khi vào đến nơi thì sức khỏe dần hồi phục. Đại úy Đặng Ngọc Thông được điều động đến nhận nhiệm vụ tại Đồn Công an huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. 

Khi đó, cả đồn có tất cả 6 công an vũ trang làm hai nhiệm vụ chính là bảo vệ dân, giữ dân và đánh địch. Trong một lần đi vào vùng địch nắm tình hình, bị địch phục kích, một đồng chí hy sinh, Đại úy Đặng Ngọc Thông bị địch bắt giữ. Quãng đường bị địch dẫn giải, lợi dụng sơ hở, Đại úy Đặng Ngọc Thông đã nhảy xuống vực; và được đồng đội ứng cứu kịp thời nên trốn thoát.  



Các cựu cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Yên Bái chi viện chiến trường miền Nam thăm Bảo tàng tỉnh. 

Còn rất nhiều những tấm gương của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Yên Bái tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam với tinh thần "Tất cả vì tiền tuyến lớn”, "Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Mỗi người là một câu chuyện, là một minh chứng cho những hy sinh thầm lặng của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước. 

Theo thống kê, từ 1954 đến 1975, Bộ Công an đã chi viện 11.294 cán bộ cho chiến trường miền Nam, trong đó có 8.038 cán bộ công an nhân dân; 3.256 cán bộ công an vũ trang; 1 đồng chí lãnh đạo Bộ, 35 lãnh đạo cấp cục, 870 lãnh đạo cấp phòng. Hàng trăm cán bộ y tế, hậu cần cùng nhiều phương tiện, vũ khí đã được chi viện, tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Các cán bộ, y bác sĩ không quản khó khăn, thiếu thốn, sáng tạo điều chế ra nhiều loại thuốc điều trị, sáng tạo các loại dụng cụ phục vụ chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ; đội phẫu thuật tiền phương nhanh chóng tiếp quản bệnh viện cảnh sát quốc gia của chế độ cũ sau để bắt tay ngay vào việc cấp cứu kịp thời, phục vụ cho chiến trường ác liệt. 

Để lập được những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trên, 909 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên khắp các chiến trường miền Nam; 46 đồng chí bị địch bắt, tù đày; hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc da cam, mắc các bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh. 

"Chúng tôi chỉ là một số rất nhỏ trong hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an chi viện cho chiến trường miền Nam những năm đó. Nhiều người đã để lại một phần xương máu, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là những minh chứng cho sự hy sinh của lực lượng Công an nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chúng tôi luôn tự hào về điều đó” - Đại úy Đặng Ngọc Thông tâm sự.

Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát biểu tại buổi lễ đón nhận danh hiệu, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: "Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần cách mạng tiến công, lực lượng Công an nhân dân đã cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kiên cường, bất khuất, lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh”. 

Đỗ Huy

Các tin khác
Bị cáo Thu tại phiên tòa xét xử về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

Ngày 30-10, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, ở tổ 5, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) về hành vi "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".

Các đối tượng Đặng Duy Minh, Nguyễn Ngọc Huyên và Đặng Văn Sáng (từ trai sang phải) cùng các tang vật vụ án.

Ba cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa mở các lớp chứng chỉ tiếng Anh các bậc B2, B3 tại Thanh Hóa để tuyển sinh và tổ chức thi chứng chỉ cho học viên có nhu cầu.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao thưởng cho các thành viên Ban chuyên án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vừa quyết định khen thưởng đột xuất 50 triệu đồng cho cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác điều tra, khám phá Chuyên án mang bí số 810S, bắt giữ hung thủ gây ra vụ trọng án “Giết người, cướp tài sản” xảy tại bản Giõng, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn ngày 9/10 sau 48 giờ gây án.

Theo số liệu thống kê, năm 2019, số người xuất cảnh trái phép đã giảm 18,1% so với năm 2018, vượt xa mục tiêu mong đợi, qua đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thể hiện nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng chống xuất cảnh trái phép đã đi đúng hướng, đạt hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an đã là rất lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục