Những thông tin không đúng sự thật về dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội (MXH) khiến cuộc chiến chống dịch ngày càng khó khăn, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải nâng cao ý thức thẳng tay loại trừ tin giả.
Từ khi dịch Covid -19 bùng phát đến nay, với phương châm "chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và người dân tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ, y tế, dân quân tự vệ đã tạm gác công việc thường nhật để ngày đêm nỗ lực chống dịch.
Bằng tinh thần chủ động, tích cực vượt khó, họ phát huy vai trò xung kích nơi tuyến đầu, tạo thành tấm "lá chắn” quan trọng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng có một thực tế đáng phải suy ngẫm và lên án là còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế, của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận. Nhiều đối tượng vì thiếu hiểu biết còn chia sẻ trên MXH những nội dung, hình ảnh giả, không đúng sự thật về những người bệnh mắc Covid-19..., đã gây hoang mang dư luận, tạo nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Điểm lại trong đợt dịch thứ tư vừa qua, toàn quốc xuất hiện nhiều tin giả và lan truyền nhanh chóng như chuyện bác sĩ Khoa, hình ảnh về xác chết do Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, cho đến thông tin dán mác Bộ Y tế nói "virus gây bệnh Covid-19 là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ”, hay giả mạo cả phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam…
Tại tỉnh Yên Bái, lực lượng chức năng cũng tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch. Từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã gọi hỏi, răn đe, giáo dục 68 đối tượng có các hành vi không phù hợp trên không gian mạng, xử lý vi phạm hành chính 22 đối tượng có hành vi cung cấp giả mạo thông tin sai sự thật với số tiền 172,5 triệu đồng.
Điển hình là việc lực lượng an ninh mạng Công an tỉnh đã xử lý kịp thời đối tượng đăng tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trước khi diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đó là khoảng 20h, ngày 21/5/2021, một thông tin vô cùng nhạy cảm xuất hiện trên MXH về trường hợp F1 có tên là Hoàng Thị Th, quê Văn Chấn, trốn khỏi khu cách ly, có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người.
Chỉ vài phút sau, thông tin này bắt đầu lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhiều người đã chỉ trích, công kích, lên án, thậm chí soi mói, thêm thắt đời tư và câu chuyện về Hoàng Thị Th để thông tin thêm giật gân hơn.
Ngay trong đêm đó, cán bộ, chiến sĩ An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Yên Bái đã vào cuộc rà soát, lập danh sách các thông tin xuyên tạc, bịa đặt để tiến hành các biện pháp đấu tranh ngăn chặn.
Kết quả, sáng ngày 22/5, các đối tượng Triệu Thành Luân, trú tại xã Y Can, huyện Trấn Yên và Vũ Mạnh Hoàn, trú tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái đã được yêu cầu lên cơ quan Công an để làm rõ...
Cùng với việc xử lý các đối tượng tung tin giả, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân về tình hình dịch bệnh cũng như trang bị kiến thức phòng dịch thông qua các khuyến cáo, hướng dẫn từ cơ quan y tế.
Trên các trang thông tin điện tử của Sở Y tế, Cổng Thông tin điện tử tỉnh cung cấp điện thoại đường dây "nóng” của cơ quan y tế… để tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đẩy lùi các trang thông tin giả mạo và những tin đồn, tin giả không có cơ sở. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, định hướng tuyên truyền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Đồng thời kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc, chủ động cung cấp thông tin cho người dân.
Có thể nói, với khoảng 3 tỷ người dùng, các MXH là nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức giả mạo với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào. Do đó, bên cạnh các ngành chức năng tăng cường rà quét phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương, để tự "miễn nhiễm” với tin giả, mỗi người trong cộng đồng cần tự nâng cao nhận thức, chọn lọc thông tin từ nguồn cung cấp chính thống.
Tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định: Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân. Trường hợp, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin trái với quy định của pháp luật, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015. |
Văn Thông